Theo ông Trần Hữu Hiệp, Tây Nam bộ
không chỉ là vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước: là trung tâm
nông nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây, chuyển
giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, chế biến và xuất khẩu nông sản.
Trung bình hàng năm, Tây Nam bộ đóng góp hơn 55% sản lượng lương thực, hơn
90% lượng gạo xuất khẩu, trên 70% lượng trái cây, 58% sản lượng thủy sản.
Riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của
quốc gia…
Tuy nhiên, việc tổ chức không gian
phát triển và đầu tư, đặc biệt là từ nguồn ngân sách và doanh nghiệp còn
nhiều hạn chế. Thách thức không chỉ là mối đe dọa do biến đổi khí hậu, nước
biển dâng; mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, khoảng cách giữa thành thị
và nông thôn; mà trực tiếp là những bất cập trong kết nối cung - cầu nông sản
và thách thức cạnh tranh nông nghiệp toàn cầu.
PV: Những bức xúc trong vấn đề quy
hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hiện nay của Tây Nam bộ là gì, thưa
ông?.
Ông TRẦN HỮU HIỆP: Để
phát triển vùng Tây Nam bộ cần khắc phục cho được tình trạng không gian kinh
tế bị chia cắt theo địa giới hành chính, "tư duy nhiệm kỳ” dẫn đến quy
hoạch và thực hiện quy hoạch, đầu tư của các địa phương không thỏa đáng. Ví
dụ, nếu các địa phương ở đầu nguồn và cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu không
liên kết tốt được với nhau, mạnh ai nấy làm sẽ dẫn tới xung đột. Cụ thể như
tỉnh đầu nguồn tập trung phát triển công nghiệp mà gây ô nhiễm môi trường sẽ
khiến cho các tỉnh cuối nguồn lãnh đủ. Lợi ích của tỉnh này có khi là thiệt
hại của tỉnh khác.
|
Cần sớm quy hoạch để tạo thế mạnh cho vùng Tây Nam bộ |
Mặc dù đã có một số quy hoạch có
tính chất vùng, nhưng khi triển khai trong thực tế lại có nhiều bất cập. Thời
gian qua, nhiều địa phương chỉ lo cho mình, không chú ý đầy đủ đến việc đóng
góp cho vùng. Nếu các địa phương chỉ hướng theo một "cơ cấu đẹp”, ưu
tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ; giảm nông - lâm -ngư nghiệp mà không
dựa trên lợi thế chung (hợp tác) và khai thác lợi thế đặc thù của mình, thì
việc đầu tư trùng lặp, manh mún sẽ sớm diễn ra. Nếu chỉ nhìn lợi ích kinh tế
từ tỉnh mình mà không nhìn từ cấp vùng, nhìn từ tổng thể, để thấy mình đang
đứng ở vai nào, vị trí nào để phát triển, thì rất dễ nảy sinh xung đột lợi
ích.
Một ví dụ nữa, nếu Sóc Trăng muốn
đầu tư thủy lợi "ngọt hóa” để trồng lúa, nhưng Bạc Liêu ở liền kề lại
muốn đưa nước mặn vào để nuôi tôm- thì sao? Trong trường hợp này, cơ chế nào
để giải quyết? Vì vậy, phải lấy quy hoạch vùng, công cụ vùng ra mà phân xử.
Nói chung, phải có một cơ chế liên kết hài hòa lợi ích, phải có
"nhạc trưởng” để điều hành.
Ý của ông nói tới nên có một cấp
điều phối vùng để có hướng chỉ đạo rộng hơn, vùng và liên vùng?
Trong khi chưa có một cơ chế hành
chính theo vùng nào chịu trách nhiệm điều phối sự phát triển vùng và quá
trình chuyển giao "quyền” từ các bộ, ngành Trung ương cho các tỉnh/thành
nhiều hơn, thì "luật chơi” chung cho vùng cần được hỗ trợ bằng một cơ
chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào các sản phẩm chủ lực của Tây Nam
bộ. Liên kết vùng hướng trọng tâm vào việc phát huy thế mạnh các sản phẩm chủ
lực của vùng, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, đòi hỏi "người chơi” phải
rõ luật, sự phân vai và vai trò "nhạc trưởng” trong điều phối các hoạt
động vùng.
Vậy theo ông, mô hình hiệu quả sẽ
như thế nào?
Tôi nghĩ, hiện nay mà đề xuất ra một
tổ chức quản trị công cấp vùng thì càng chồng chéo, cồng kềnh và không khả
thi. Cần nghiên cứu tăng cường liên kết vùng theo các chuỗi giá trị sản phẩm
chủ lực của vùng, theo các cụm kinh tế ngành mà kinh tế học gọi là các
"Cluster”. Lưu ý là cụm kinh tế ngành khác với khu công nghiệp, cụm công
nghiệp ở chỗ không nhất thiết các bên liên quan phải ở chung một không gian
địa lý, mà là liên kết theo chuyên môn, mỗi người một việc. Những người nông
dân, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng... gắn với nhau không chỉ là
chuyện phân công làm nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu mà gắn với nhau trong
một chuỗi giá trị. Các viện nghiên cứu, trường đại học cũng tham gia với tư
cách là thành tố trong "cụm ngành” chứ không phải chỉ ở vai hỗ
trợ.
Trong vấn đề quy hoạch sản xuất nông
nghiệp, vùng Tây Nam bộ cần cái gì nhất, hướng đề xuất của vùng trong thời
gian tới là gì, thưa ông?
Cần tiếp tục tiếp cận theo vùng,
liên kết vùng, qui hoạch "mở” và "động”, mà vẫn đảm bảo được kỷ cương.
Yêu cầu liên kết, hợp tác là toàn diện, nhưng phải xác định trọng tâm, trọng
điểm vì không phải các tỉnh, thành đều có thế mạnh như nhau. Dù cùng là tỉnh
nông nghiệp, nhưng có địa phương mạnh về trồng lúa như An Giang, Kiên Giang,
Đồng Tháp. Cà Mau không mạnh về lúa nhưng lại mạnh về thủy sản. Tiền Giang,
Bến Tre mạnh về trái cây. Vì vậy, liên kết vùng phải chọn thế mạnh của từng
địa phương để phát huy thành thế mạnh của vùng. Làm được việc này phải cần
vai trò của Nhà nước tạo ra cơ chế chính sách, quy hoạch, định hướng và thông
tin để doanh nghiệp thực hiện.
Tuy nhiên, để hiện đại hóa nông
nghiệp, nông thôn thì thứ tự ưu tiên đầu tư cho sản xuất nông nghiệp phải là
cuộc cách mạng về giống. Đừng để đến khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP), người nông dân Việt Nam lại phải móc túi trả tiền bản
quyền về giống cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó việc quy hoạch vùng sản xuất
nông nghiệp cũng cần phải tính toán, cũng như phổ biến những mô hình sản xuất
mới phù hợp đặc tính của người nông dân và tình hình mới theo cách tiếp cận
thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trước đây, người dân miền Tây lo lũ
ngập, nay lại lo biến mất mùa nước nổi, nhường chỗ cho xâm nhập mặn.
Liên quan đến thủy lợi, xung đột lợi
ích đang bị giành giật bởi "phe” điện, "phe” nước, "phe” nuôi
trồng và "phe” an dân... những lợi ích này đang tác động tiêu cực vào
nông nghiệp, nông dân, nông thôn của vùng, theo tôi cần được điều chỉnh bằng
những cải cách mạnh dạn hơn.
Song song với việc quy hoạch vùng sản
xuất, theo ông cần phải có những thay đổi về chính sách đầu tư?
Thời gian qua, đã có nhiều chính
sách hỗ trợ đầu tư cho tam nông, từ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao
thông, thủy lợi đến đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hóa.
Nhưng, thực tiễn cho thấy, nhiều chính sách chưa đi vào trọng tâm, không đồng
bộ, chậm đi vào cuộc sống. Một số chính sách hỗ trợ mang tính "theo đuôi
thiệt hại”, lẫn lộn giữa "làm kinh tế” và "chăm lo an sinh xã hội”.
Chính sách luôn bị độ trễ khi đến người dân. Như vậy, Tây Nam bộ đang cần một
hệ thống các cơ chế, chính sách đầu tư đồng bộ, căn cơ, dài hạn hơn là những
đối phó ngắn hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!
QUỐC TRUNG (thực
hiện)
|
Nhận xét
Đăng nhận xét