Báo Nhân Dân cuối tuần, Thứ sáu, 23/05/2014 - 04:37 PM (GMT+7)
Suy giảm đầu tư là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng chậm dần của ngành nông nghiệp. Nếu không có sự đột phá trong cơ chế chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp, ngành này sẽ rất khó tìm lại đà tăng trưởng của một thời.
Vì sao các doanh nghiệp e ngại đầu tư?
Tại hội thảo "Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao" do Báo Nhân Dânphối hợp Ngân hàng Nhà nước, Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard) - Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổ chức mới đây, thực trạng doanh nghiệp e ngại đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được tập trung lý giải.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhìn nhận, tình trạng đầu tư thấp trong nông nghiệp kéo dài từ sau năm 2000 đến nay có một phần nguyên nhân từ việc thể chế cho phát triển nông nghiệp chưa được quan tâm thấu đáo. Hệ quả là đầu tư tư nhân và cả đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đều ở mức rất thấp. Minh chứng cho nhận định này chính là số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp hoạt động và thậm chí, còn có xu hướng tăng trưởng chậm lại qua các năm. Để lý giải thực trạng này, đại diện của Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) đưa ra hình ảnh "nông nghiệp là đứa con ngoan nhưng thiếu bàn tay chăm sóc". Thiếu cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mắc căn bệnh "chậm lớn".
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard chỉ ra ba điểm nghẽn cơ bản trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp bao gồm: đất đai, cơ chế chính sách và hạ tầng. Chia sẻ quan điểm này, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bổ sung điểm nghẽn thứ tư - chính là thiếu "máu lửa", điều tạo nên chất kết dính, sự truyền cảm hứng cho cả bốn nhà trong quá trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Từ góc độ nhà nghiên cứu, ông Thành còn cho rằng, cần có cuộc cách mạng trong tư duy xây dựng cơ chế chính sách. Cần lựa chọn đột phát từ đâu để thúc đẩy một cỗ máy đang dần trở nên trì trệ?
Công nghệ cao... "quá cao"!
Nông nghiệp muốn vượt qua lối mòn "xóa đói, giảm nghèo" để vươn lên thành ngành mũi nhọn định danh thương hiệu quốc gia thì cần phải đi con đường phát triển chiều sâu với quy mô lớn hơn. Muốn vậy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Hiện nay, cả nước có 29 mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn tăng tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Thái Nguyên... Tuy bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả nhưng cũng bộc lộ những bất cập khiến cho quá trình nhân rộng mô hình gặp khó khăn.
Ông Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhớ lại, ở thời điểm xây dựng Luật Công nghệ cao, đây còn là một khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam, vậy nên những tiêu chí xác định một doanh nghiệp công nghệ cao như phải có mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển bằng 1% doanh thu, hay 5% người lao động phải có trình độ đại học, có khả năng nghiên cứu... lại trở nên cao đến mức không thực tế. Đến bây giờ mới có sáu doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận công nghệ cao là vì thế.
Để khắc phục điều này, ông Tiến cho biết, Điều 18 Luật Công nghệ cao đang được nghiên cứu sửa đổi lồng ghép vào dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Doanh nghiệp được quyền chủ động đăng ký áp dụng mô hình công nghệ cao và chịu sự quản lý từ cơ chế hậu kiểm. Bà Thái Hương -TGĐ Ngân hàng TMCP Bắc Á cho rằng, Bộ NN&PTNT cần đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách mạnh mẽ trong vòng 3-5 năm để khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Phép cộng của đất, tín dụng và cơ chế
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Ipsard, để khuyến khích doanh nghiệp, cần tập trung vào chính sách đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua chính sách giao đất dài hạn, phát huy cơ chế thị trường, để quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa, trở thành nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cũng cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, cho thuê đất dài hạn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tạo cơ chế để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu. Bà Thái Hương kiến nghị, chính quyền cần bàn giao cho doanh nghiệp ít nhất 70% đất sạch để thực hiện dự án.
Một điểm nghẽn về tín dụng, vốn tồn tại do tâm lý nông nghiệp gắn với rủi ro, có thể được giải quyết theo hướng tín dụng dựa trên dòng tiền, hỗ trợ không phải bằng lãi suất mà bằng việc bảo đảm cho doanh nghiệp và nông dân thuận tiện trong tiếp cận vốn, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực chia sẻ. Trong khi ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt kiến nghị về việc cần hình thành Quỹ hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp vay cả trong ngắn hạn và dài hạn thì ông Cấn Văn Lực đưa ra cái nhìn toàn diện. Cần chú trọng cả năm kênh dẫn vốn cho nông nghiệp từ NSNN, hệ thống NHTM, ngân hàng chính sách và quỹ đầu tư mạo hiểm, thị trường vốn. Trong đó, cần thúc đẩy hơn nữa bảo hiểm nông nghiệp, ông Lực nói. Tin vui được ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ chính là, chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao đã lựa chọn được 20 mô hình thí điểm. Sau hai năm thí điểm, NHNN sẽ tổng kết xem xét hoàn thiện chính sách nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Để giải bài toán dài hạn cho thu hút đầu tư vào nông nghiệp, theo TS Võ Trí Thành, cần sự thay đổi mô hình sản xuất một cách đa dạng. Nhưng, dù là mô hình nào thì người nông dân vẫn là chủ thể, và cần cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa người nông dân và doanh nghiệp. Xét đến cùng, "công nghệ cao không chỉ vị công nghệ cao" mà cần phải chứng minh bằng chính thước đo hiệu quả trong thực tế, TS Thành nhấn mạnh. Lúc này thị trường ghi nhận xu thế mới, nhiều doanh nghiệp lớn chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Tin rằng, một khi những điểm nghẽn trong cơ chế thu hút đầu tư được gỡ bỏ, nông nghiệp Việt Nam sẽ có sắc diện mới, với những thương hiệu tầm cỡ quốc gia đi ra thế giới.
Hiện nay, hơn 90% số doanh nghiệp nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng; chỉ có 6% có vốn từ 10 đến 50 tỷ đồng và mức trên 200 tỷ đồng thì vỏn vẹn 1%. Vốn bình quân của các doanh nghiệp này là 200 triệu đồng, bằng 1/3 trung bình chung của tất cả ngành kinh tế.
|
SƠN MINH
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
kinh tế
Nhãn:
kinh tế
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét