Trần Hữu Hiệp
Báo Tuổi Trẻ ngày 24/05/2014 03:25 (GMT + 7)
TT - Chính phủ vừa ban hành nghị định số 36 (hiệu lực từ ngày 20-6-2014) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đang thu hút sự quan tâm của nhiều thương nhân, doanh nghiệp, người dân...
Thu hoạch cá tra tại xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang - Ảnh: Chí Quốc |
Theo quy định mới, hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, phải phù hợp quy hoạch được công bố. Con cá tra VN được “đóng mác” tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc; các hợp đồng xuất khẩu cá tra phải được đăng ký tại Hiệp hội Cá tra VN mới được hải quan chấp nhận thông quan.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra VN quả là một kỳ tích. Sau lúa gạo và hơn cả lúa gạo, chỉ trong một thời gian ngắn, con cá tra đã vươn lên đỉnh vinh quang hơn bất kỳ cây, con nào. Từ hơn 5.000ha nuôi trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cá tra VN đã “bơi” ra gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về gần 2 tỉ USD mỗi năm. Ngành kinh tế này có lúc đóng góp khoảng 2% GDP quốc gia, tạo việc làm cho hàng chục triệu công nhân, người nuôi và lao động phụ trợ.
Tuy nhiên, sau ánh hào quang “vượt vũ môn” của loài “đế ngư” này là cảnh bát nháo, bấp bênh, trồi sụt về mặt giá cả... Đặc biệt là cảnh người nuôi, doanh nghiệp cá tra lao đao, sản xuất đình đốn, xuất khẩu gặp khó. Con cá tra bị “chặt thành nhiều khúc” theo những lợi ích khác nhau. Nguyên nhân được nhận diện là do phát triển nóng, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm. Trong những cơn khát vốn, người nuôi cá, đại lý cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản, doanh nghiệp, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau cộng với quản lý yếu kém, thiếu công cụ pháp lý quy hoạch, tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chụp giật đã tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán cá tra với giá thấp, thậm chí thấp đến mức mang tiếng bán phá giá.
Lần đầu tiên một nghị định ra đời điều chỉnh hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến ngành cá tra để sắp xếp lại “đội hình”, xác lập trật tự mới, gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm. Xuất khẩu cá tra theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất xong rồi mới tìm nơi bán hàng. Công cụ pháp lý quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi cá tra” để các doanh nghiệp VN ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài.
Thật ra, nghị định này ra đời không phải là điều bất ngờ, bởi nó đã được lấy ý kiến đóng góp gần năm năm qua. Song khi nghị định được ban hành, chỉ 50 ngày sau sẽ có hiệu lực pháp lý. Yêu cầu khẩn trương cho những vấn đề bức xúc của ngành kinh tế quan trọng này là cần thiết. Tuy nhiên, hàng loạt quy định mới, nhiệm vụ mới được giao cho các tổ chức, cơ quan cũng đòi hỏi sự chuẩn bị tích cực để đảm bảo việc thực thi quyền hạn không “làm khó” thương nhân, doanh nghiệp. Quy hoạch và chất lượng quy hoạch vùng nuôi, cơ sở chế biến là yêu cầu đầu tiên. Liệu sau ngày 20-6-2014 sẽ có được những quy hoạch tốt để làm “cây gậy chỉ huy”? Thẩm quyền “xác nhận” diện tích, sản lượng cá tra thương phẩm, phù hợp quy hoạch của “cơ quan quản lý thủy sản địa phương” nào đó của nghị định rất cần được làm rõ để đảm bảo yêu cầu quản lý mà không bị “hành chính hóa” nặng nề. Việc tổ chức đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra cho thương nhân cũng phải được thực hiện thật tốt, tránh phiền hà, cản trở kinh doanh của doanh nghiệp
Con cá tra là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu long, nhiều nông dân đã đổi đời nhờ nó. Nhưng cũng chính con cá tra này đã khiến không ít nông dân tán gia bại sản, lâm vào bước đường cùng. Có người đã nhận xét: nuôi cá tra như chơi một ván bài may rủi, thắng thua do trời định trong khi công sức và vốn đầu tư của người nuôi bỏ ra không hề nhỏ. Hy vọng rằng khi Nghị định 36 có hiệu lực người nuôi cá tra sẽ bớt rủi ro, bao giờ sẽ có" Nghị định 36" cho cây lúa?
Trả lờiXóa