Thời gian qua, nông dân mạnh dạn liên
kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình "cánh đồng
mẫu lớn- CĐML, trong sản xuất lúa tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đã nâng cao được
hiệu quả sản xuất. Song, qua thực tiễn phát triển, mô hình CĐML tại ĐBSCL cũng
bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục để đáp ứng yêu cầu mới
về hội nhập quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu.
* Khẳng định hiệu quả
CĐML (nay được nhiều nơi gọi là cánh
đồng lớn-CĐL) là cách thức tổ chức sản xuất trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa
nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất gắn với
chế biến, tiêu thụ sản phẩm, có quy mô ruộng đất lớn, với mục tiêu tạo ra sản
lượng nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị
trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc
Học viện Chính trị khu vực IV, những năm gần đây ở ĐBSCL xuất hiện mô hình CĐML
đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết về việc từng bước khắc phục tình
trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm thiếu tính đồng nhất, đi lên theo
hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sự liên kết chặt chẽ "4 nhà" trong
sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từng bước nâng cao thu
nhập và mức sống của nông dân. Mô hình CĐML ở ĐBSCL được manh nha vào năm
2009-2010 tại An Giang, với mô hình đầu tiên do Công ty cổ phần Vật tư nông
nghiệp An Giang liên kết với nông dân thực hiện có các kết quả khá tốt như: chi
phí sản xuất giảm, nâng cao chất lượng hạt lúa, đầu ra sản phẩm được bảo đảm và
nông dân thu nhiều lợi nhuận hơn. CĐML từ thực tiễn đã trở thành phong trào
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động ngày 26-3-2011 tại TP Cần
Thơ, được các địa phương vùng ĐBSCL hưởng ứng mạnh mẽ và coi là một hướng đi
quan trọng trong sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất nông sản nói chung.
Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26-11-2011 của Quốc hội khẳng định đây là giải
pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao giá trị
gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Theo báo cáo sơ kết của ngành nông
nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL, năm 2010 toàn vùng có 3.000ha tham gia CĐML,
đến năm 2011 tăng lên 9.000 ha và tính đến vụ đông xuân 2012-2013 tất cả các
tỉnh, thành ĐBSCL đều có CĐML với tổng diện tích hơn 71.000ha. Thực tiễn cho
thấy, CĐML đã đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước
đưa nền nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL đi lên sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại. Qua
đó, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển của lực
lượng sản xuất trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ đạo
Tây Nam Bộ, từ mô hình ban đầu khoảng 200ha tại An Giang, đến nay mô hình CĐML
được nhân rộng lên 146.353 ha ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Mô hình CĐML đã giúp
cả nông dân và doanh nghiệp đều tăng được lợi nhuận nhờ giảm được các chi phí
sản xuất đầu vào và nâng cao năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm. Đặc biệt,
khi các nông hộ nhỏ lẻ liên kết, hình thành "cánh đồng lớn" đã tạo
không gian và điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa, thực hành các
tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ
thuật vào sản xuất. Đồng thời, việc tổ chức sản xuất kinh doanh khép kín theo
chuỗi giá trị hạt gạo cũng giúp nông dân và doanh nghiệp chủ động kiểm soát và
nắm chi phí phát sinh từng khâu của chuỗi, hạn chế đến mức thấp nhất các khâu
trung gian. Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Kinh tế, Ban Chỉ đạo
Tây Nam Bộ, cho rằng: "Cánh đồng lớn (CĐL) không chỉ mang lại các hiệu quả
kinh tế, xã hội và môi trường mà quan trọng hơn là đã tạo ra mô hình tổ chức
sản xuất mới gắn kết thị trường, tạo liên kết chặt chẽ hơn giữa nông dân và
doanh nghiệp. Phát triển CĐL phù hợp với mục tiêu, chương trình xây dựng nông
thôn mới".
* Cần quy hoạch các vùng thực hiện CĐML
Thời gian qua, mô hình CĐML phát huy
được vai trò tích cực trong thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để
phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn và nó đã khẳng định được "sức
sống" trong thực tế khi mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội và môi
trường. Tuy nhiên, việc phát triển CĐML tại nhiều địa phương hiện vẫn còn mang
tính phong trào, chạy theo số lượng, do nhận thức còn hạn chế và chưa có sự gắn
kết thật chặt chẽ giữa các bên có liên quan, nhất là giữa nông dân và doanh
nghiệp nên tình trạng "bẻ kèo" các hợp đồng liên kết sản xuất và bao
tiêu sản phẩm còn thường xuyên xảy ra. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, thủy lợi tại
nhiều nơi cũng chưa đảm bảo cho việc xây dựng CĐML và các tác động của biến đổi
khí hậu, mặn xâm nhập và nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm cũng tác động đến
sự phát triển bền vững của mô hình CĐML. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây
cần quy hoạch lại các vùng thực hiện CĐML để giúp phát huy lợi thế cạnh tranh
của các vùng có điều kiện sản xuất lúa gạo hàng hóa, chứ không nên phát triển
mô hình CĐML theo kiểu "đại trà" nơi nào cũng làm dù các điều kiện
sản xuất không phù hợp. Đồng thời, cần có các cơ chế chính sách và môi trường
pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho CĐML ở ĐBSCL phát triển. " Biến đổi
khí hậu ngày càng tăng, nhất là mặn xâm nhập và nguồn nước ngọt ngày càng khan
hiếm cũng đã và đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ĐBSCL, đòi hỏi chúng
ta phải có giải pháp thích ứng kịp thời. Trong điều kiện đó, CĐL chỉ nên quy
hoạch phát triển ở những nơi có điều kiện sản xuất lúa hàng hóa và chủ động
được nước tưới tiêu, còn nếu không bảo đảm thì chuyển sang các loại cây trồng
vật nuôi khác hoặc chỉ phát triển kinh tế hộ"-Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn
Khắc Thanh, Viện Kinh tế Chính trị học, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh, lưu ý. Ông Lưu Minh Đức, Chủ doanh nghiệp tư nhân Trung thạnh, TP Cần
Thơ, cũng cho biết: "Thời gian qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó
khăn trong việc mở rộng quy mô CĐL do thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn
vay ưu đãi vì thủ tục còn phiền hà và còn thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi.
Đây là vấn đề mà nhà nước cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất
là trong bối cảnh doanh nghiệp phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh do hội nhập
quốc tế ngày càng sâu rộng".
Thời gian qua, nhờ được doanh nghiệp tham
gia CĐL bao tiêu sản phẩm mà nhiều nông dân ở TP Cần Thơ bán lúa được giá cao
hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg so với cùng thời điểm. Ảnh: KHÁNH
TRUNG
Theo Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên
Chuyên trách Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, CĐL cần được xây dựng trên một
quy hoạch sản xuất lúa được tiếp cận theo lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh
vùng. ĐBSCL có thể trồng lúa ở nhiều nơi, nhưng sản xuất lúa hàng hóa cạnh
tranh chỉ nên tập trung ở một số nơi và nên quy hoạch thực hiện các CĐL tại
đây. Còn những nơi khác nên ưu tiên cho các loại cây trồng, vật nuôi dành cho
mục đích kinh tế khác hiệu quả hơn. Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng: CĐL là một
mô hình tốt, là "nguồn cung thực tiễn" sinh động để các cơ quan Trung
ương và địa phương hoạch định cơ chế, chính sách. Nhưng thực tế "lối đi
đến CĐL" vẫn còn gặp những trở ngại, đặt ra trách nhiệm không chỉ của
doanh nghiệp, nông dân mà đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách mới hơn, mạnh mẽ
hơn từ các cơ quan hoạch định chính sách và thực thi để tháo gỡ, mang lại hiệu
quả cao hơn.
Để nhân rộng và phát triển bền vững mô
hình CĐL, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận
thức gắn với việc phân chia hợp lý lợi ích giữa các bên có liên quan để tăng
cường tính bền vững trong mối liên kết "4 nhà". Đồng thời, đẩy mạnh
ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với kiến thiết lại đồng ruộng thuận
lợi cho cơ giới hóa và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm chuyển lượng lao
động dư thừa ra khỏi nông nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của nhà
nước, nhất là vai trò "kết nối"và hỗ trợ cho các bên có liên quan
cũng như thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, kịp thời "phân xử"
các tranh chấp phát sinh giữa các bên có liên quan.
Khánh Trung
Nhận xét
Đăng nhận xét