Trần Hữu Hiệp
(TBKTSG) -
Quốc hội vừa quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất trồng lúa giai đoạn
2016-2020, từ 3,812 triệu héc ta xuống còn 3,76 triệu héc ta, giảm hơn 52.000
héc ta, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm gần 93.000 héc ta. Trong số
3,76 triệu héc ta đất trồng lúa được giữ lại, có khoảng 400.000 héc ta được quy
hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng
lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Trong số 400.000 héc ta đất lúa được chuyển đổi sang
cây trồng, vật nuôi khác, thì đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có diện
tích chuyển đổi nhiều nhất, khoảng 200.000 héc ta. Ảnh TL
Chuyển đổi
là cần thiết
Việc giảm diện tích
đất trồng lúa như nói trên là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các
mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Điều chỉnh
nhằm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất; có tính đến việc
duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, chủ
động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến nhanh hơn dự
báo.
Trong số 400.000 héc
ta đất lúa được chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác, thì đồng bằng sông
Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có diện tích chuyển đổi nhiều nhất, khoảng 200.000 héc
ta. Phần lớn diện tích này là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm
nhập mặn, trồng lúa kém hiệu quả hơn các loại cây trồng, vật nuôi khác. Theo
ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng khô hạn, xâm
nhập mặn mùa khô năm nay ảnh hưởng đến khoảng 500.000 héc ta đất canh tác lúa
của vùng ĐBSCL.
Với diện tích lúa còn
lại sau khi điều chỉnh, với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật,
chuyên canh, các nhà quy hoạch ước diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7 triệu
héc ta (tính theo năm), với năng suất bình quân 60 tạ/héc ta, sản lượng 42
triệu tấn lúa/năm, vẫn đảm bảo an ninh lương thực ngay cả khi dân số quốc gia
tăng lên mức 120 triệu người.
Chuyển một phần đất
trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả hơn là một chủ trương hoàn toàn đúng;
nhưng nó phải được thực hiện đồng bộ với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập
và cải thiện mức sống cư dân nông thôn.
Việc “chuyển đổi” là
cần thiết, nhưng phải trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch, phân công, phân vai
trong liên kết vùng, tạo giống mới cạnh tranh, tổ chức sản xuất, đặc biệt là
đảm bảo thị trường tiêu thụ và phải liên kết vùng. Một cách tiếp cận “làm như
mọi khi” chắc chắn sẽ không hiệu quả trước yêu cầu và thách thức mới. Trên hết,
việc chuyển đổi đất trồng lúa phải là cuộc lột xác thật sự. Nó phải được tiến
hành bằng tư duy, từ chính những thế mạnh và yếu kém nội tại của ngành trồng
trọt và nền nông nghiệp.
Xác định
và ưu tiên đầu tư cho một “thung lũng lúa gạo”
Với 3,76 triệu héc ta
đất lúa quốc gia cần phải được xác định ranh giới rõ ràng, có phân biệt giữa
“khu vực trọng yếu” cần bảo vệ nghiêm ngặt, kèm chính sách hỗ trợ tương ứng và
“khu vực không trọng yếu” với chính sách linh hoạt. Vấn đề quan trọng là cần
tập trung đầu tư vào vùng trồng lúa có lợi thế. Vì vậy, tôi đề nghị:
Một là, tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất
trong việc thực hiện chủ trương giữ 3,76 triệu héc ta đất lúa. Cần ưu tiên đầu
tư vào “vùng lõi lúa gạo” được nhận diện với khoảng 30 huyện, nhưng hiện chiếm
hơn 50% sản lượng lúa của vùng. “Thung lũng lúa gạo” này nằm ở tứ giác Long
Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa “trọng
yếu” và “không trọng yếu” dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng
suất, tác động của biến đổi khí hậu.
Hai là, áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ
trợ khác nhau ở “vùng lõi”, “vành đai” và các khu vực trồng lúa bình thường
khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực hay lúa hàng hóa.
Tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang “tính xã hội” và
tính thương mại để có chính sách rõ ràng, phân biệt giữa hai mục tiêu để tăng
cường hỗ trợ nhóm thực hiện mục tiêu chính trị - xã hội, giải phóng một phần
gánh nặng để tăng lợi nhuận, đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm cho nhóm
thương mại.
Ba là, tiếp tục tăng cường chiến lược đa ngành, lồng ghép
nhiều chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chống suy
dinh dưỡng trẻ em... để cùng đảm đương nhiệm vụ an ninh lương thực và chống suy
dinh dưỡng chứ không đặt hết gánh nặng lên vai người trồng lúa.
Một “thung lũng lúa
gạo” với những lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của nó cần được hiện thực
hóa trong bước chuyển đổi căn bản của ngành nông nghiệp.
Nhận xét
Đăng nhận xét