Trần Hữu Hiệp
Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ
Nông nghiệp & PTNT Trần Thanh Nam với lãnh đạo các địa phương trong chuyến
đi làm việc tại các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long kiểm tra thực tế tình
hình thiệt hại do hạn, mặn và yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất
nông nghiệp, thủy lợi để chủ động thích ứng với BĐKH.
Cơn hạn trăm năm khốc liệt nhất như gom hết
nắng đổ xuống "vựa lúa quốc gia" cùng với việc mất lượng nước lớn từ
dòng Mê Kông, nước biển lấn sâu vào nội đồng, có nơi gần trăm km đang hoành
hành, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống người dân ĐBSCL. Con
số thống kê toàn vùng vào trung tuần tháng 3 là khoảng 200.000 ha lúa thiệt hại,
500.000 ha lúa không xuống giống kịp thời vụ, một diện tích lớn vườn cây ăn
trái, nuôi thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần 1 triệu người dân trong tình
trạng thiếu nước sinh hoạt … Mức thiệt hại này chắc chắn chưa dừng lại.
Thiên tai là điều khó tránh. Cũng
như lũ lụt, hạn mặn ở đồng bằng không nằm ngoài dự báo. Người dân nơi đây không
có con đường nào khác là phải hướng đến mục tiêu dài hạn để thích ứng. Từ "chống
lũ", rút ra kinh nghiệm "né lũ", rồi hình thành triết lý "sống
chung với lũ" đến hạn mặn, cũng phải chủ động thích nghi.
Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống
thủy lợi chủ yếu là để "thoát lũ", nên chuyển sang "trữ ngọt"
và dùng nước tiết kiệm. Từ xưa, cùng với lũ, thiên nhiên đã hình thành các
"túi nước tự nhiên" khổng lồ ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long
Xuyên để trữ nước. Từ bao đời nay, người dân ven biển đã biết dùng lu, khạp để
trữ ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Tư duy đó cần đựợc nâng tầm lên bằng việc rà
soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất
là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông… như chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ mới đây về phòng, chống xâm nhập mặn. Thực tế, trong một số tiểu vùng
ở Trà Vinh, Hậu Giang, có những ruộng lúa thiếu nước chết khô, thì vẫn có nhiều
nông dân "né hạn" nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày,
có những rẫy màu chủ động được nước ngầm tưới nước, nên tránh được thiệt hại.
Vì vậy, sản xuất nông nghiệp cần áp dụng "3 chuyển dịch": dịch chuyển
lịch thời vụ để "né hạn, mặn", sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn
và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm
theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản
để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.
Về lâu dài, để thích nghi với điều
kiện BĐKH, hạn, mặn, trước hết cần tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử
dụng đất trong việc thực hiện chủ trương giữ 3,81 triệu hécta đất trồng lúa. Cần
ưu tiên đầu tư vào một "vùng lõi lúa gạo" của ĐBSCL chỉ với khoảng 30
huyện, nhưng hiện chiếm hơn 50% sản lượng lúa của vùng. "Thung lũng lúa gạo"
này được nhận diện nằm ở Tứ Giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu.
Phân biệt khu vực trồng lúa "trọng yếu" và "không trọng yếu"
dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi
khí hậu. Bên cạnh đó, cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ
trợ khác nhau ở "vùng lõi", "vành đai" và các khu vực trồng
lúa bình thường khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực
hay lúa hàng hóa. Tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang
"tính xã hội" và tính thương mại để có chính sách rõ ràng, phân biệt
giữa 2 mục tiêu, để tăng cường hỗ trợ nhóm thực hiện mục tiêu chính trị - xã hội,
giải phóng một phần gánh nặng để tăng lợi nhuận, đồng thời cũng nâng cao trách
nhiệm cho nhóm thương mại. Định hướng lại trọng tâm, chuyển từ các chức năng
thương mại sang tập trung vào các mục tiêu xã hội, "hàng hóa công" và
quản trị rủi ro. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường chiến lược đa ngành, lồng
ghép nhiều chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chống
suy dinh dưỡng trẻ em... để cùng đảm đương nhiệm vụ an ninh lương thực và chống
suy dinh dưỡng chứ không đặt hết gánh nặng lên vai người trồng lúa.
Nhận xét
Đăng nhận xét