Trần Hữu Hiệp
QĐND -
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích gần 40.000km2, không chỉ là vựa
lúa gạo, trái cây, thủy sản mà còn là nơi bảo đảm "sức khỏe" cho nền
nông nghiệp Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã
hội của đất nước.
Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế đang
tỏa nhiệt khi hàng ngoại “đổ bộ” vào thị trường nội với quy mô lớn, tạo ra sức
ép cạnh tranh mạnh mẽ thì việc thực thi các cam kết Cộng đồng kinh tế ASEAN,
sắp tới là TPP và các Hiệp định song phương Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn
Quốc,… đang tạo ra cơ hội lớn, nhưng cũng nhiều rủi ro. Thêm vào đó, biến đổi
khí hậu, nước biển dâng đưa ĐBSCL phải đối mặt trước tình trạng khô hạn, xâm
nhập mặn khắc nghiệt nhất 100 năm qua... Làm gì để ĐBSCL phát triển
an toàn, trù phú và bền vững trên nền tảng nông nghiệp? Đó là bài toán cần
lời giải.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định
các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế
gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh
tranh” trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
sâu rộng. Trong đó, “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp
theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ
khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đảm bảo
phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng và có khả
năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bảo vệ và sử dụng linh hoạt,
hiệu quả đất trồng lúa. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển
các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện của
từng vùng và đặc điểm của từng sản phẩm. Gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông
sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia
đình với các tổ chức và doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân
sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp”.
"Hoàn thiện quy hoạch vùng, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển
vùng… Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng, tạo
không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước”.
Có thể nhìn nhận rằng, thời gian qua,
đổi mới đã tạo ra ánh hào quang, tạo thế và lực cho nông nghiệp ĐBSCL. Hội nhập
đang mở ra nhiều kỳ vọng mới, nhưng cũng nhiều thách thức. Sau 30 năm Đổi mới,
vùng này đã đạt được những thành tựu quan trọng, hình thành các yếu tố của các
loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, tiền tệ. Thị trường lao động và
khoa học-công nghệ cũng đang hình thành và phát triển. Nông hộ từ “vòng vây”
của ngăn sông cấm chợ trong nền kinh tế không có thị trường, đã vươn lên trở
thành những đơn vị “kinh tế nông hộ” năng động. Nông dân ĐBSCL ngày càng tiếp
cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.
“Cánh đồng lớn” đạt được thành công bước đầu quan trọng trong liên kết sản
xuất, tiêu thụ lúa gạo. Mô hình này không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa, mà còn
được áp dụng ở nhiều ngành hàng khác như mía đường, chăn nuôi và thủy sản. Xây
dựng nông thôn mới bước đầu tạo ra diện mạo mới, tạo ra không gian sống, lao
động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.
Trước đây, dưới sự chỉ đạo của Trung
ương, ĐBSCL đã thực hiện đổi mới với động lực được bắt nguồn từ các chính sách
đất đai, chính sách phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, phát huy
vai trò kinh tế nông hộ… đã đem lại nhiều thành công và tạo diện mạo mới cho
ĐBSCL. Nhưng nhìn từ khu vực nông nghiệp, dường như nó đang dần mất đi động lực
khi nông hộ, nền nông nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước thách thức mới, thiếu kết
nối sản xuất-thị trường, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu kém của hàng nông sản
dẫn đến vòng luẩn quẩn của nông sản "trúng mùa, rớt giá”. Tăng trưởng kinh
tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được đầu tư, khai thác
đúng mức. Kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Việc đầu tư và ứng dụng
tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng thấp. Hệ thống kết cấu hạ
tầng thiếu đồng bộ. Mức đầu tư cho vùng ĐBSCL còn thấp, đặc biệt là vốn đầu tư
cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp so với tổng đầu tư toàn xã hội. Hệ thống cơ
chế, chính sách trong nông nghiệp còn bất cập đã ảnh hưởng đến sức hút đầu tư
của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Nguồn lực lao động
trong nông thôn đang có xu hướng giảm, một bộ phận không nhỏ lao động trẻ ở
nông thôn rời bỏ ruộng vườn ra thành thị, gia nhập đội ngũ lao động phổ thông
di dân đến làm việc tại các thành phố lớn ngày càng tăng… Cạnh tranh nông
nghiệp đang đặt ra yêu cầu giải quyết các “điểm nghẽn” tăng trưởng ở một thị
trường lớn thay vì quanh quẩn bên những vườn cây, thửa ruộng, ranh giới hành
chính tỉnh và tư duy ngập nước của ruộng đồng đang là thách thức phải vượt qua
của ĐBSCL trên con đường ra "chợ lớn” toàn cầu với hệ quả tích cực hay
tiêu cực của hội nhập quốc tế phụ thuộc vào việc tận dụng thời cơ, vượt qua
thách thức đó.
Do vậy, để phát triển đồng bằng, rất cần
những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn, năng
suất lao động cao hơn. Tái cơ cấu-“cuộc chuyển đổi lớn” của ngành nông nghiệp,
rất cần sự tham gia mang tính quyết định của nông dân và doanh nghiệp. Người
nông dân và doanh nghiệp nông thôn phải ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể
để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Động lực mới cho
các mô hình kinh tế cần phải được bắt đầu tư chính từ nội lực của vùng, từ
nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học và công nghệ, và từ doanh nghiệp. Vì vậy,
rất cần những chính sách năng động và quyết liệt để biến các nguồn lực từ
yếu tố sản xuất, trở thành nội lực mới từ thị trường bằng mô hình tăng trưởng mới
như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu.
Để thực hiện thành công chủ trương, định
hướng “phát triển vùng, liên kết vùng” như Nghị quyết đã nêu, góc nhìn từ vùng
ĐBSCL là các địa phương cần phải tăng cường liên kết, nhận thấy lợi ích của
việc liên kết, lấy lợi ích chung, lợi ích của toàn vùng để xác định mục tiêu
liên kết. Liên kết vùng không chỉ nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương
trong vùng, mà còn phát huy lợi thế vùng và quốc gia. Do vậy, để ĐBSCL cất
cánh, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương trong khu vực cần:
Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ
sở gắn với cung - cầu thị trường. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi
để tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh
nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân nhằm tổ chức, hình thành mối
liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu nông sản hiệu quả theo chuỗi giá
trị. Trên cơ sở Điều 52 - Hiến pháp 2013 về “tăng cường liên kết kinh tế vùng”,
các văn bản pháp lý của Chính phủ, cần có quy chế liên kết vùng điều chỉnh
trong một số lĩnh vực có thế mạnh, nhất là trong nông nghiệp, thủy sản và có
thể triển khai ngay vào thực tế để phát huy hiệu quả của các mô hình liên kết
đã có. Tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính
sách nhằm bảo đảm tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các
khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cho chuỗi
nông sản chủ lực lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra; tập trung cải tạo giống cây
trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tăng
cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các địa phương trong vùng, giữa
vùng ĐBSCL với các vùng, miền khác trong cả nước và quốc tế. Đưa nhanh các công
nghệ mới vào tất cả các khâu: Sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận
chuyển và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công
nghệ cao dựa vào những tiến bộ khoa học-công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh
học, các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới.
Tầm nhìn dài hạn và bức xúc trước mắt
cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước “bước chuyển lịch
sử” đang đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trên
cơ sở tăng cường liên kết vùng đang là đòi hỏi tất yếu khách quan.
Nhận xét
Đăng nhận xét