Trần Lưu
Bài trên báo Lao Động,
ngày 13-4-2016
Theo các chuyên gia, thiên tai đang hình
thành theo hai xu hướng “cực đoan” và “bình thường”. Đối với năm cực đoan thì
biện pháp tốt nhất là dự báo và né tránh thiệt hại. Còn đối với những năm trong
xu hướng biến đổi khí hậu (BĐKH) “bình thường” đang diễn ra thì nên chuyển đổi
bằng cách “nương theo”. Ở đó, cần sự chủ động và linh hoạt chứ không thể cứ
“ngồi chờ chết”.
Ruộng đồng nứt nẻ do khô hạn đang hoành hành ở ĐBSCL. Ảnh: TRẦN LƯU |
Hiểm họa từ mọi phía!
Hiện tượng thiên tai cực đoan cùng với mối
đe dọa từ các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông đang đẩy ĐBSCL vào thế
“thập diện mai phục” của hiểm họa. Hiện nay tác động chính của các đập thủy
điện Trung Quốc đối với ĐBSCL không phải về lượng nước mà là việc làm giảm một
nửa tải lượng phù sa hằng năm của dòng sông, giảm màu mỡ của đất và gây sạt lở
bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Sắp tới, khi có thêm 11 đập trên dòng chính ở
vùng hạ lưu, tác động sẽ nghiêm trọng hơn. Cụ thể, 11 đập này sẽ giữ lại 50-70%
lượng phù sa còn lại. Việc thiếu phù sa sẽ dẫn tới việc cắt đứt quá trình kiến
tạo đồng bằng đã diễn ra 6.000 năm nay, gây ra quá trình ngược, làm tan rã, đe
dọa chính sự tồn tại của ĐBSCL.
Chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu
Thiện phân tích: Vấn đề nghiêm trọng nhất là các con đập này không có hồ chứa
lớn, tích nước và xả nước phát điện theo ngày trong mùa nước, nhưng sang mùa
khô từng đập này có khả năng lưu nước từ 3 ngày đến 3 tuần, như vậy chuỗi 11
đập hoàn toàn có khả năng làm đảo lộn thời gian nước về hạ lưu khi phải đi qua
tất cả các đập này. Hơn nữa, 11 đập này do các nhà đầu tư vận hành riêng rẽ và
khác nhau vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận phát điện chứ không phải vì lợi ích
cộng đồng. Vì vậy, trong những năm khô hạn cực đoan như năm nay, các đập này sẽ
gây sự xáo trộn lớn hơn. Trong mùa khô các đập sẽ tăng cường tích cho đủ nước
trong một giai đoạn, đến khi đủ thì xả ra. Khi đó ở Campuchia và Việt Nam lưu
lượng nước sẽ dao động lớn, và theo đó ranh giới mặn-ngọt ở Việt Nam cũng sẽ
dao động bất thường theo sự tích-xả của các đập. Tác động của các đập thủy điện
là vĩnh viễn và không đảo ngược được một khi các đập đã xây dựng xong.
Nâng tầm
từ những “tư duy đời thường”
Ông Trần
Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho hay: Thiên
tai là điều khó tránh. Cũng như lũ lụt, hạn, mặn ở đồng bằng không nằm ngoài dự
báo. Người dân nơi đây không có con đường nào khác là phải hướng đến mục tiêu
dài hạn để thích ứng. Từ “chống lũ”, rút ra kinh nghiệm “né lũ”, rồi hình thành
triết lý “sống chung với lũ”, đến hạn, mặn cũng phải chủ động thích nghi. Lâu
nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu là để “thoát lũ”, nên chuyển
sang “trữ ngọt” và dùng nước tiết kiệm. Từ xưa, cùng với lũ, thiên nhiên đã
hình thành các “túi nước tự nhiên” khổng lồ ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác
Long Xuyên để trữ nước. Từ bao đời nay, người dân ven biển đã biết dùng lu,
khạp để trữ ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Tư duy đó cần đựợc nâng tầm lên bằng
việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng,
ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.
Thực tế,
trong một số tiểu vùng ở Trà Vinh, Hậu Giang, có những ruộng lúa thiếu nước
chết khô, thì vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng
giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động được nước ngầm tưới nước, nên tránh
được thiệt hại. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch
chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn
và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm
theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản
để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản
xuất.
Theo
chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, vùng ven biển ĐBSCL có thể chia làm 3 vùng, độ dày
mỏng tùy theo vị trí và địa hình cụ thể, gồm: Vùng mặn quanh năm, vùng nước lợ
với 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt luân phiên, và trên đó là vùng ngọt quanh năm.
Đối với vùng mặn quanh năm thì nên trồng rừng và canh tác mặn, vùng lợ thì canh
tác ngọt trong 6 tháng mùa mưa và canh tác mặn trong 6 tháng mùa khô.
Hiện nay, việc các nước tiến hành xây dựng
các đập thủy điện trên dòng Mê Kông để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là xu
thế không thể đảo ngược. Thích ứng với BĐKH dù rất khó khăn, nhưng nó vẫn dễ
hơn nhiều so với thích ứng với tác động của các đập thủy điện. Do vậy, rất cần
có tiếng nói chung của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học để minh chứng
cho các lập luận về nguyên tắc chia sẻ nguồn nước. Quan trọng nhất là phải làm
sao để các quốc gia có trách nhiệm “lắng nghe tiếng nói của người dân”. Bởi,
cứu lấy dòng Mê Kông là cứu lấy cuộc sống của hàng triệu cư dân trong vùng bị
ảnh hưởng.
Nhận xét
Đăng nhận xét