Đối phó hay thích nghi trước trận hạn mặn lịch sử này tại ĐBSCL? Ông Trần
Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Kinh tế, BCĐ Tây Nam bộ nói cần phải liên kết
vùng để vượt qua.
Trần Hữu Hiệp
Hạn, mặn lịch sử tại ĐBSCL trong
vòng 100 năm qua đã khiến hàng trăm ngàn hộ dân trong vùng đang thiếu nước ngọt
sinh hoạt trầm trọng. Hàng triệu gia súc đói khát vì không có thức ăn, nước uống
phải bán tháo chịu lỗ 10 triệu đồng/con. Thảm cảnh sẽ còn kéo dài nếu nước từ
thượng nguồn chưa về kịp và không có mưa sớm.
Đứng trước tình hình cấp bách hạn mặn lịch sử đang diễn ra khốc liệt và
gây thiệt hại trầm trọng này, cần xác định mục tiêu của chúng ta là đối phó hay
thích nghi với hạn, mặn? Tại sao Israel có nhiều diện tích đất là sa mạc nhưng
họ vẫn phát triển những dự án nông nghiệp hàng đầu thế giới; hay như Hà Lan có
khoảng 27% diện tích nằm dưới mực nước biển nhưng lại là quốc gia xuất khẩu
nông nghiệp hàng đầu châu Âu. Do đó, vấn đề nông nghiệp ĐBSCL là cần thích nghi
với điều kiện hạn, mặn hiện tại cũng như trong tương lai; bởi chống lại thiên
nhiên bao giờ cũng khó hơn tìm cách thích nghi với thiên nhiên.
Chúng ta cần nhìn nhận rằng nước mặn cũng có
cái lợi. Vì thế, để thích nghi với hạn, mặn dài lâu vùng ĐBSCL cần tổ chức lại
cơ cấu sản xuất cho khoa học, phù hợp. Dựa vào điều kiện sinh thái của từng địa
phương, từng nơi như vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn, vùng nước lợ…
để đưa ra mô hình sản xuất phù hợp cây gì, con gì. Vì thực tế một tỉnh ven biển
của ĐBSCL có rất nhiều hộ dân nuôi tôm cho thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng
lúa. Bên cạnh đó chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của việc chuyển
đổi cây trồng trong phương án thích nghi. Một số tỉnh đã chuyển khai sang trồng
những giống lúa thích được với độ mặn 4‰. Mặt khác, áp dụng phương thức giảm thời
gian để cây lúa đứng trên đồng, bằng cách gieo mạ để cấy ở những vùng thiếu nước
tưới, bị ảnh hưởng hạn, mặn… Đối với cây ăn trái cũng tăng cường nghiên cứu các
giống có khả năng thích nghi, chống chịu mặn tốt.
Song, để làm được những phương án trên, một yêu
cầu mang tính tất yếu đối với chúng ta hiện nay là phải thực hiện tốt “liên kết
vùng”. Đây là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn và lâu dài, cần có tầm nhìn dài hạn,
nhưng cũng cần những hoạt động cấp bách trong ngắn hạn. Vì vậy, công tác này cần
được chỉ đạo tập trung, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh
phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá và tham
vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan. Những chủ trương, định hướng
phát triển vùng cần được cụ thể hóa bằng các mô hình tổ chức sản
xuất, tăng cường liên kết vùng trong ứng phó Biến đổi khí hậu, quản trị và sử
dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước.
Về lâu dài, không nên phát triển cây lúa bằng mọi
giá, ngăn mặn một cách cứng nhắc mà bỏ qua yếu tố kinh tế: chi phí và lợi ích.
Theo đó, đề nghị những nhà hoạch định chính sách quan tâm mấy việc: Đầu tiên cần
ưu tiên đầu tư vào một “vùng lõi lúa gạo” của ĐBSCL chỉ với khoảng 30 huyện,
nhưng hiện chiếm hơn 50% sản lượng lúa của vùng. “Thung lũng lúa gạo” này được
nhận diện nằm ở Tứ Giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân
biệt khu vực trồng lúa “trọng yếu” và “không trọng yếu” dựa trên sự phù hợp về
sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó chúng ta phải áp dụng phân vùng
theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở “vùng lõi”, “vành đai” và các
khu vực trồng lúa bình thường khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an
ninh lương thực hay lúa hàng hóa. Một yếu tố không kém phần quan trọng là quan
tâm đời sống sức khỏe người dân, như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chống
suy dinh dưỡng trẻ em...
Tầm nhìn dài hạn và bức xúc trước mắt cho một
ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai
và nhân tai thì “liên kết vùng” chặt chẽ và phối hợp liên tỉnh cần được xem là
yêu cầu quyết định. Vì như thế sẽ nâng cao được sứng chống chịu, thích ứng trước
biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ diễn ra thường xuyên hơn, gay gắt hơn trong thời
gian tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét