TÚ UYÊN
(PL)- Đang có sự cạnh
tranh gay gắt giữa thịt nội với thịt ngoại và phần thua nghiêng về phía người
chăn nuôi trong nước.
TIN LIÊN QUAN
Thịt heo Canada nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng mạnh.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, riêng trong năm ngoái, lượng thịt heo từ
nước này vào Việt Nam tăng đến 230% so với năm trước đó.
Như vậy sau thịt bò Mỹ, bò Úc, thịt trâu Ấn Độ, thịt
heo Brazil, xúc xích Pháp…, nay đến lượt thịt heo Canada dồn dập tấn công vào
thị trường Việt Nam.
Thịt ngoại chất đầy
Hiện nay tại hệ thống siêu thị như Lotte Mart, Metro…
thịt ngoại chất đầy ở các tủ đông. Trên mạng cũng tràn ngập các trang web quảng
cáo bán thịt ngoại. Giá bán thịt ngoại khá đa dạng, như heo ba rọi Ba Lan giá
54.900 đồng/kg, khoanh giò heo 49.000 đồng/kg. Ba rọi Canada 75.000 đồng/kg,
xương ống 15.000-18.000 đồng/kg.
Nhiều khách hàng cho biết họ thường mua thịt ngoại
nhưng cũng có người không thích sử dụng loại thịt đông lạnh này. Chị Lê Ngọc
Mai, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM đang đứng tại quầy thịt nhập khẩu Siêu thị
Metro nhận xét hiện nay thịt ngoại bán rất nhiều nhưng thỉnh thoảng mới mua vì
không biết chất lượng ra sao. “Hơn nữa, gia đình tôi thích sử dụng thịt tươi
sống hơn là hàng đông lạnh” - chị Mai giải thích.
Đánh giá về việc thịt heo Canada nói riêng và thịt
nhập ngoại nói chung đang tràn vào Việt Nam, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc
Công ty Vissan, lý giải nguyên nhân là do giá thành chăn nuôi sản phẩm động vật
của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của thế giới 25%-30%.
“Thế nên thịt nhập khẩu dù đã cộng thêm 15% thuế (chưa
tính đến giảm thuế theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do) vẫn còn
thấp. Điều này đe dọa ngành chăn nuôi trong nước khi giá cao, chất lượng không
đồng đều và không truy xuất được nguồn gốc” - ông Mười nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Âu Thanh
Long bổ sung thêm: “Thịt gà nhập từ lâu đã chiếm thị phần đáng kể tại Việt Nam,
hiện thịt gà nội chiếm 55%, gà nhập chiếm 45%. Còn thịt heo ngoại bắt đầu xuất
hiện trên thị trường từ năm ngoái với giá cạnh tranh và hiện nay đang gia tăng
ấn tượng về số lượng. Đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa thịt nội với thịt
ngoại về chất lượng, giá bán mà phần thua nghiêng về phía người chăn nuôi trong
nước”.
Nước ngoài chớp thời
cơ tốt
Trước sự đổ bộ của thịt ngoại, nhiều công ty cho rằng
thói quen tiêu dùng thịt tươi sống, nóng là lợi thế của sản phẩm trong nước.
Tuy nhiên, ông Trần
Hữu Hiệp, ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, phản biện:
“Trên thực tế ngày càng có nhiều suất ăn công nghiệp, quán ăn dùng thịt đông
lạnh nhập khẩu với số lượng lớn. Chưa kể có nhiều gia đình bắt đầu có thói quen
đi siêu thị mua hàng một lần để cất trong tủ lạnh dùng cho nhiều ngày. Và các
mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu đang khai thác, đón đầu khá tốt xu hướng này”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ Âu Thanh
Long cũng nêu thực tế hiện nay ở các bếp ăn tập thể, quán cơm bình dân hay quán
thức ăn nhanh, thịt đông lạnh đang được tiêu thụ với số lượng lớn nhất và tương
đối ổn định. “Thực tế cho thấy ở những nơi này, người ăn không phải là người
quyết định mua, bởi chủ quán đặt hàng chủ yếu căn cứ trên giá mua rẻ hay mắc và
hiệu quả kinh tế. Nắm bắt được điều này, các nhà phân phối thịt đông lạnh đã
đáp ứng khá tốt và nhanh”.
Ông Long dẫn chứng trước đây khi mới cung cấp thịt
ngoại đông lạnh cho các bếp ăn tập thể, quán cơm bình dân, quán nhậu…, những
công ty nước ngoài thường đóng trong thùng loại 30 kg/thùng. Điều này làm khó
cho các bếp ăn nhỏ hay quán ăn bình dân, do rã đông xong là phải nấu hết ngay,
để lại có thể sẽ hư hỏng. Nhưng hiện nay các công ty nước ngoài đã chuyển sang
đóng gói chỉ 5 kg/thùng, từ đó tạo thuận lợi cho nơi mua.
Muốn được cạnh tranh
công bằng
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng
trong giai đoạn hiện nay, một số vấn đề khó khăn đã được các công ty trong nước
có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm giải quyết.
Chẳng hạn các đơn vị này đã đầu tư công nghệ hiện đại,
áp dụng mô hình sản xuất an toàn, nhập khẩu con giống năng suất cao, cải tạo
đàn… để kéo giảm giá thành. Nhưng có những vấn đề thuộc về vĩ mô, thuộc trách
nhiệm của các bộ, ngành cần phải được giải quyết cùng lúc.
“Chẳng hạn phí và lệ phí còn cao; các công ty đầu tư
nước ngoài có hiện tượng liên kết giá, thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi;
các đơn vị phân phối thuốc, vaccine kiếm lợi nhuận “khủng” do độc quyền phân
phối sản phẩm… Những vấn đề bất cập này khiến giá bán những sản phẩm trên tại
Việt Nam cao hơn 25%-50% so với sản phẩm cùng loại tại nước sở tại hay các nước
như Malaysia, Indonesia, Thái Lan” - ông Long nhấn mạnh.
Ông Long cũng chỉ ra rằng Việt Nam cho nhập thịt ngoại
“tự do” trong khi lại không có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát chất
lượng sản phẩm như các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan đang làm. Đơn cử đối
với gà, thị trường Mỹ thường chỉ ăn ức chứ ít dùng thịt đùi, cánh gà. Từ đó dẫn
đến sản phẩm này dư thừa, giá rẻ và họ bán thoải mái sang Việt Nam. Trong khi
thị trường Việt Nam lại không thích ăn ức nên dư thừa, giá rẻ và muốn bán qua
Mỹ nhưng bị nước này dựng hàng rào kỹ thuật nên không vào được. Chính điều này
làm khó các doanh nghiệp Việt.
“Nếu chúng ta giải quyết được những bất cập trên, cộng
với việc doanh nghiệp Việt có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với công ty ngoại
thì ngành chăn nuôi có thể trụ được và có cơ hội xuất khẩu thịt” - ông Long
nhận định.
Giấc mơ xuất khẩu thịt
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM Trần
Quang Thắng cho rằng việc hình thành thói quen tiêu dùng hàng đông lạnh sẽ là
mối lo thật sự cho ngành chăn nuôi trong nước. Do vậy các công ty Việt phải
nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh, bởi yếu thì có thể sẽ chết. Không chỉ
vậy, cần biến ước mơ xuất khẩu thịt do Việt Nam sản xuất sang các nước thành
hiện thực.
Đồng quan điểm, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám
đốc Công ty Vissan, nhấn mạnh: “Không nên coi việc phải nhập khẩu ồ ạt thịt
ngoại là tất yếu, là điều hiển nhiên mà phải nghĩ đến việc xuất khẩu ra nước
ngoài”.
_____________________________
Cục Chăn nuôi thuộc
Bộ NN&PTNT cho hay riêng trong sáu tháng đầu năm ngoái, Việt Nam nhập
khoảng 50.000 tấn thịt gà gồm đùi, chân, gà thải loại nguyên con… Đối với bò Úc,
riêng trong bảy tháng đầu năm ngoái Việt Nam nhập 210.000 con.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét