Bài trên báo LAO ĐỘNG ngày 26-7-2012
Hữu Hiệp
Hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá của vùng ĐBSCL, thời gian qua luôn được quan tâm đầu tư “đi trước một bước”.
Nhu cầu đầu tư lớn
Sân bay quốc tế Phú Quốc đang gấp rút thi công để khánh thành cuối năm 2012 |
Hệ thống giao thông huyết mạch, nhiều cầu vượt sông lớn giảm ách tắc giao thông liên vùng, liên tỉnh; nhiều công trình trọng điểm của vùng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ TPHCM - Năm Căn, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường nối Cần Thơ - Vị Thanh, QL 61, 91B và nhiều tuyến quốc lộ; cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Đầm Cùng... Một số công trình được triển khai sớm hơn so với kế hoạch đề ra như cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông đã phát huy tác dụng. Các công trình quan trọng như đường Hồ Chí Minh giai đoạn II, đường hành lang ven biển phía Tây Nam cũng được khởi công. Về hàng không, đã hoàn thành xây dựng sân bay quốc tế Cần Thơ, nâng cấp 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau; cuối năm 2012 đưa vào sử dụng sân bay quốc tế Phú Quốc mới. Về đường thủy, đã hoàn thành nâng cấp 2 tuyến đường thủy TP HCM - Kiên Lương và TPHCM - Cà Mau; đã khởi công nâng cấp tuyến vận tải thủy từ TPHCM qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đến Hà Tiên và TPHCM - kênh Chợ Gạo - Chợ Lách - Mang Thít - Đại Ngãi - Bạc Liêu. Hoàn thành cảng An Thới, cảng Cái Cui; ...
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông (HTGT), nhất là GT liên vùng, GT kinh tế vẫn là “điểm yếu” của ĐBSCL. Nhiều công trình quan trọng tạo động lực phát triển vùng như tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối 2 cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, đường Hồ Chí Minh... tiến độ thực hiện chậm so với dự kiến. Vấn đề khó hiện nay là giải bài toán kinh phí như thế nào trước nhu cầu đầu tư lớn, bức xúc?
Quyết định 638/QĐ-TTg về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu HTGTVT vùng ĐBSCL đã xác định giai đoạn 2012-2015, toàn vùng có 56 dự án cần ưu tiên đầu tư với tổng nhu cầu vốn là 144.954 tỉ đồng. Ngành chức năng mới cân đối bố trí được 23.360 tỉ đồng, xác định được nguồn 27.226 tỉ đồng, còn đến 94.368 tỉ đồng chưa có nguồn, chiếm hơn 65% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Trong khi đó, theo Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết 11, thắt chặt đầu tư công, nguồn vốn ngân sách bố trí cho GTVT ngày càng hạn hẹp, nên nhiều công trình phải giãn tiến độ đến sau 2015.
Ưu tiên liên kết vùng, khơi thông các kênh vốn
Trước tình hình đó, Bộ GTVT kiến nghị xác định danh mục theo thứ tự ưu tiên công trình trọng điểm liên kết vùng để tập trung nguồn lực đầu tư. Việc triển khai các dự án phải sát với tình hình thực tế, gắn với ưu tiên thực hiện các dự án liên kết vùng, đồng thời phải huy động tối đa các nguồn lực. Nguồn nguồn ngân sách, cần phát hành trái phiếu Chính phủ, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách, mở rộng nguồn vay thương mại, nhượng bán quyền thu phí...
Tại Hội nghị triển khai Quyết định 638/QĐ-TTg mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành trong vùng đã thống nhất đề xuất của Bộ GTVT, giai đoạn 2012 - 2015 cần tập trung đầu tư cho 34 dự án trọng điểm, cấp bách với tổng nhu cầu vốn là 111.672 tỉ đồng. Trong đó, đã bố trí và xác định được nguồn vốn 47.972 tỉ đồng, chiếm 43% tổng nhu cầu và tập trung tìm nguồn 63.700 tỉ đồng để thực hiện các công trình bức xúc còn lại. Các dự án ưu tiên được xác định gồm các cầu: Cổ Chiên, Năm Căn, Cao Lãnh, Vàm Cống, Mỹ Lợi; các tuyến: Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ; hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 1); QL91 đoạn Cần Thơ - Cái Sắn, Tịnh Biên - Châu Đốc; kênh Chợ Gạo; dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL, luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu; ...
Phát triển HTGT luôn là nhu cầu bức xúc của nhiều địa phương. Song, để đảm bảo tính khả thi và phát huy tác dụng các công trình, các nhà hoạch định chủ trương đầu tư cần vượt lên “tư duy hành chính tỉnh”, ưu tiên kết nối vùng, liên vùng để giải bài toán kinh phí ngành giao thông ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét