10:03 | 06/07/2012
Kinh tế biển được xem là "trục chính" trong định hướng của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và là một trong những giải pháp cốt lõi để đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu mạnh từ biển. Tuy nhiên, để mục tiêu trên trở thành hiện thực, trước tiên Việt Nam cần quy hoạch lại các khu kinh tế (KKT) ven biển với những tiêu chí phù hợp hơn, nhằm tạo động lực cho các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phát triển.
Ảnh: LTT
Chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư
Từ năm 2002, Chính phủ đã thí điểm xây dựng và hình thành hệ thống các KKT ven biển để tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của đất nước cũng như áp dụng thể chế và chính sách kinh tế mới nhằm huy động tối đa nguồn nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng.
Đến nay, cả nước đã có 15 KKT ven biển được thành lập, gồm 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung và 3 KKT ở Đồng bằng sông Cửu Long. Một số KKT đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng như Chu Lai, Dung Quất, Nghi Sơn. Lũy kế đến nay, các KKT ven biển đã thu hút được hơn 31 tỷ USD vốn FDI và gần 564 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển khoảng trên 20.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển; trong đó có khoảng 7.000 ha đã triển khai các dự án thứ cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển, các KKT ven biển còn tồn tại một số vấn đề bất cập như chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển quá nhanh về số lượng, đầu tư phát triển còn dàn trải; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý... Trong đó, vấn đề bất cập lớn nhất là các KKT hiện vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương, chưa huy động được các nguồn lực xã hội khác để đầu tư, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải phân bổ cho nhiều KKT.
Về hiệu quả, hầu hết các KKT ven biển vẫn trong giai đoạn mới hình thành. Khác với KCN, KKT ven biển có diện tích lớn hơn rất nhiều lần, bao gồm cả núi, đồi, sông biển và các hoạt động xã hội, dân sinh, mặt khác các KKT ven biển được hình thành chủ yếu ở vùng duyên hải, khó khăn, xuất phát điểm thấp hơn so với nơi có các KCN rất nhiều. Ngoài ra, các KKT hình thành trên cơ sở xác định các dự án công nghiệp động lực, chủ yếu là những lĩnh vực như hoá dầu, luyện thép, điện năng, cảng biển... Đây là những dự án khổng lồ, thời gian thực hiện rất lâu, quy mô vốn lớn. Do đó, để các dự án động lực này đi vào hoạt động cần thời gian dài hơi hơn. Vì vậy, chưa có một quá trình đủ điều kiện để có thể đánh giá hiệu quả các KKT ven biển.
Xây dựng bộ tiêu chí mới
Theo TS. Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa, hỗ trợ phát triển vùng trung du miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài chính là tiền đề quan trọng cho chiến lược kinh tế biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Từ đó đưa các vùng ven biển làm căn cứ tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Bởi vậy, dọc ven biển phải kiến tạo các cực phát triển mạnh (trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội...) tức là các đô thị lớn ven biển có bán kính ảnh hưởng rộng, có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực biển Đông; các hành lang kinh tế ven biển, lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận mà còn vào sâu nội địa và lan ra xa ngoài biển.
Theo đó, chúng ta cần lựa chọn và xác định một số KKT ven biển trong 15 KKT đã được thành lập để tập trung trong giai đoạn 2012 - 2015 gồm 5 tiêu chí cụ thể như: Có cảng biển đầu mối vận chuyển hàng hóa với quy mô, trọng tải, công suất cảng lớn, đáp ứng được nhu cầu phát triển; Cảng hàng không thuận lợi cho KKT với vị trí, khoảng cách, quy mô, mức độ thuận lợi đối với hoạt động của KKT; Dự án động lực của KKT có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế vùng, thu hút các dự án đầu tư; Thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư vào các KKT ven biển và đóng góp của các dự án vào phát triển kinh tế địa phương. Cuối cùng là vị trí chiến lược KKT đối với phát triển vùng, có sự đóng góp của địa phương trong phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng.
Bước đi tiếp theo, nhiều chuyên gia cho rằng, nên tổ chức lại không gian biển để chuẩn bị cho việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, theo hướng tập trung rà soát và phân loại các dự án hạ tầng phục vụ kinh tế biển, bao gồm cảng biển, KKT biển và hạ tầng kết nối. Trong đó, cần xác định rõ các dự án có tính thương mại cao nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, các dự án có tính thương mại hạn chế để thu hút đầu tư tư nhân theo các mô hình BOT, BTO, BT, thí điểm áp dụng đầu tư theo mô hình PPP và các dự án không có tính thương mại được đầu tư từ Chính phủ.
Nguyên Minh
Nhận xét
Đăng nhận xét