Hữu Hiệp
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao 8 tỉnh, thành phố báo cáo chuyên đề nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT), trình BCĐ Trung ương chậm nhất vào ngày 30.7.2012. Cần Thơ là địa phương duy nhất của ĐBSCL được chọn báo cáo và thực hiện thí điểm theo kế hoạch.
Một góc Cần Thơ |
Thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (CQĐP) đặt ra yêu cầu phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn. Cần Thơ tuy là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đảm nhận vai trò “trung tâm vùng”, nhưng về cơ bản “không có gì khác” so với CQĐP cấp tỉnh. Từ năm 2006, Hội thảo "Xây dựng CQĐT TPHCM - Một yêu cầu cấp thiết của cuộc sống" đã đặt vấn đề xây dựng đề án thí điểm tổ chức CQĐT. Đến năm 2011, đề án "CQĐT Đà Nẵng” cũng được hoàn tất. Tuy nhiên, xây dựng CQĐT là vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm, gắn với tổ chức của bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị. Khó khăn đầu tiên là cơ sở lý luận, nền tảng pháp lý; đặc biệt là thực tiễn về chính quyền đô thị, chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Hiến pháp năm 1992 hiện nay không có điều khoản nào phân biệt giữa “CQĐT” với chính quyền nông thôn nói riêng và CQĐP nói chung.
Theo kế hoạch, 8 địa phương sẽ nghiên cứu đề xuất 3 phương án về mô hình tổ chức CQĐT. Một là, xây dựng mô hình CQĐT theo 3 cấp hành chính như hiện nay, xác định rõ mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động mới đối với CQĐT theo hướng phân biệt với chính quyền nông thôn. Hai là, xây dựng mô hình CQĐT theo 3 cấp hành chính như hiện nay, nhưng có sự đổi mới về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động phù hợp với xu hướng tổ chức CQĐT hiện đại của các nước trên thế giới. Ba là, cải cách mạnh CQĐP, xây dựng mô hình CQĐT theo mô hình mới là chính quyền một cấp đại diện, hai cấp hành chính.
UBND TP.Cần Thơ được giao nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức CQĐT và quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền đô thị (HĐND và UBND thành phố trực thuộc Trung ương, quận, phường và thị trấn) và chính quyền nông thôn trong CQĐT.
Một CQĐT hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của một trung tâm vùng, đô thị cửa ngõ hạ lưu sông Mêkông ra biển Đông đang là đòi hỏi cấp bách không chỉ cho Cần Thơ mà nó còn có tác động chi phối, lan tỏa cho sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét