Cập nhật lúc 09:00, Thứ sáu, 13/07/2012 (GMT+7)
Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa nhằm giảm chi phí đầu tư trong sản xuất ở ÐBSCL.
|
Vùng kinh tế trọng điểm Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) gồm bốn tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ được thành lập với mục tiêu nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và toàn vùng. So với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, tăng trưởng GDP giai đoạn 2009-2010 của khu vực này gấp khoảng 1,2 lần; riêng thời kỳ 2011 - 2020 sẽ gấp khoảng 1,25 lần. Tuy nhiên, đã qua hơn ba năm triển khai thực hiện, vùng "tứ giác động lực" này vẫn còn những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ.
Làm đầy cho vùng trũng
"Tứ giác động lực" Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên hơn 16.600 km2, chiếm 44% diện tích và hơn 36% dân số ÐBSCL. Thời gian qua, có thể thấy vùng kinh tế trọng điểm này thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trên các lĩnh vực như có hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong vùng; là nơi tập trung các ngành công nghiệp lớn và tiêu biểu, mang tầm quốc gia, gồm công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp khí-điện-đạm, sản xuất đường, xi-măng; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật... Tính đến đầu tháng tư năm nay, các địa phương này có 108 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4 tỷ 780 triệu USD, chiếm hơn 45% tổng vốn đầu tư toàn vùng ÐBSCL.
Cùng với những kết quả đáng ghi nhận trên đây, cần thấy rõ một trong những điểm yếu "chí tử" là khu vực này chưa tạo ra sự tăng tốc, nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa có nhiều sản phẩm hàm lượng chất xám cao; sử dụng tài nguyên đất đai và lao động chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: Ngoài nguyên nhân điểm xuất phát thấp, hạ tầng yếu kém, việc đầu tư hỗ trợ của Trung ương (T.Ư) cho thành phố vẫn còn hạn chế và cần sự ủng hộ nhiều hơn từ các bộ, ngành. Về chủ quan, trong thời gian qua, Cần Thơ chưa khai thác được hết các tiềm năng, thế mạnh, chưa đề ra được chiến lược phát triển thật sự phù hợp...
Ngoài ra, do tập quán canh tác của nhân dân, cùng những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu ngày một rõ nét hơn, thời gian qua nền nông nghiệp của vùng phát triển còn hạn chế. Các địa phương trong vùng đều đề ra mục tiêu phát triển theo xu hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ. Thế nhưng, hơn 20 năm qua, khu vực quan trọng này vẫn phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Sự thiếu liên kết của các địa phương trong quản lý, quy hoạch, xây dựng thương hiệu... khiến sản phẩm nông nghiệp của vùng chỉ mới dừng lại ở xuất khẩu thô, tinh chế không nhiều và tác động trực tiếp đến nông hộ sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù có sự phát triển ở một số lĩnh vực, nhưng riêng về hạ tầng giao thông, nhiều địa phương đã ví von, ÐBSCL có hai "vùng trũng" là hạ tầng giao thông và giáo dục. Trong chỉ đạo và thực tế thời gian qua, Chính phủ dành ưu tiên đầu tư cho mạng lưới giao thông để kết nối vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL với vùng Ðông Nam Bộ, các vùng khác của cả nước và khu vực cũng như kết nối các đô thị lớn trong vùng. Theo ông Ngô Thịnh Ðức, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ đã xây dựng một quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông cho vùng này. Tuy nhiên, nếu chỉ huy động nguồn vốn ngân sách thì cơ sở hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm sẽ khó phát triển. "Khi thống nhất về quy hoạch và chiến lược cho vùng kinh tế trọng điểm, sẽ phối hợp giữa địa phương và T.Ư, vấn đề nào Chính phủ làm, Chính phủ sẽ đầu tư. Về nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn của T.Ư làm vốn mồi, thí dụ chúng ta đầu tư PPP, BOT, nhà nước sẽ tham gia vào một số lĩnh vực, còn lại sẽ huy động nguồn lực của các doanh nghiệp ở trong vùng...". Ông Ngô Thịnh Ðức nhấn mạnh.
Tận dụng lợi thế, tăng tốc cho đầu tàu kinh tế
"Tứ giác động lực" vùng ÐBSCL bước đầu đã phát huy vai trò đầu tàu kinh tế. Thế nhưng, để tạo động lực, "lôi kéo" sự phát triển nhanh hơn theo hướng bền vững cho cả vùng, đầu tàu này phải cần tăng tốc. Trong đó, cần xây dựng vùng ÐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản; là một trong những trung tâm năng lượng cả nước. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng ÐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng; tập trung xây dựng xã nông thôn mới. Ðiều quan trọng nhất là các bộ, ngành và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm các hoạt động mang tính kết nối cao; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp, xây dựng các dự án có tính liên kết vùng tạo sự đột phá trong phát triển, hướng sản xuất các sản phẩm mà từng vùng có thế mạnh theo hướng tinh chế, giá trị gia tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát, nhận định: Hướng mà chúng ta cần phát triển đó là phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương. Do vậy, trước hết chúng ta nên tập trung phát huy những lợi thế này như lúa, thủy sản. Mặt khác, mỗi địa phương vùng kinh tế trọng điểm cũng có lợi thế riêng cũng cần phải tập trung phát huy.
Cũng nhấn mạnh thêm rằng, điều kiện hàng đầu để phát triển nhanh là cần có một chính sách để thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho khu vực. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách T.Ư thì ÐBSCL khó có thể tạo sự đột phá. Bởi vậy, Chính phủ cần ban hành cơ chế chính sách đặc thù riêng cho vùng kinh tế trọng điểm này.
Song trước hết, bốn địa phương là Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang cần chủ động tăng cường hơn nữa sự liên kết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau; đầu tư phát triển công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Trong giai đoạn hiện nay, các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm cần duy trì có hiệu quả hơn năm giải pháp của Chính phủ nhằm vượt qua khó khăn, ngăn chặn suy giảm kinh tế.
* Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành cơ chế đặc thù riêng cho vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL như sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, tăng cường xây dựng một số dự án liên kết vùng, tranh thủ sự ủng hộ của bộ, ngành Trung ương trong việc kêu gọi nguồn vốn ODA... Có như vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư cho vùng kinh tế trọng điểm mới khả thi, từ đó tạo sự phát triển cho toàn vùng.
THANH TÙNG (theo báo Nhân Dân)
Nhận xét
Đăng nhận xét