Trần Hiệp Thủy
Từ năm 2004, Thủ tướng đã ký Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể đảo Phú Quốc; năm 2010 ban hành Quyết định số 633/2010/QĐ-TTg điều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc đến năm 2030 và hàng loạt văn bản khác đã hình thành các cơ chế chính sách đặc thù cho huyện đảo này.
Để thực thi, nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế đã được mời lập quy hoạch, hàng ngàn tỉ đồng đã được ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng tạo ra diện mạo mới hấp dẫn hơn của đảo ngọc. Có người cho rằng, khó có cơ chế, chính sách nào tốt hơn nữa. Nhưng thực sự có phải vậy?
Thực tế cho thấy, các qui định pháp luật thiếu đồng bộ, văn bản này “đá” văn bản nọ. “Cái cần thì chưa có, cái có cũng như không, cái trông mong chưa được cụ thể hóa” nên một số “cơ chế, chính sách đặc thù” chưa đi vào cuộc sống. Có 3 việc cần quan tâm rà soát và đề xuất mới cho phù hợp. Một là, qui định mới được ban hành, nhưng chưa được thực thi. Theo BQL đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, thì thời gian qua huyện đảo này chưa được “hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ta ban hành” như Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg do vướng các qui định pháp luật khác có liên quan.
Tương tự, qui định “cơ chế thông thoáng về xuất nhập cảnh cho các nhà đầu tư, khách du lịch” đến Phú Quốc cũng chưa thực hiện được vì Phú Quốc chưa có cửa khẩu quốc tế, trong khi không hề có một qui định “liên thông” nào cho du khách qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, TPHCM. Hai là, có những qui định chung, chưa được cụ thể hóa. Thí dụ như từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã giao “Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang nghiên cứu tăng quyền hạn, tổ chức, biên chế phù hợp cho huyện đảo Phú Quốc”, nhưng mãi đến ngày 26.6.2012, bộ này mới thành lập “Tổ Biên tập đề án nghiên cứu”.
Tương tự, mặc dù Phú Quốc được hưởng cơ chế, chính sách tương tự như khu kinh tế, nhưng cho đến nay chưa có một quyết định thành lập Khu kinh tế Phú Quốc nên đã tạo ra “độ vênh” khi thực thi cụ thể. Ba là, thực tiễn đang cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc.
Mới đây, trong chuyến làm việc tại Kiên Giang, đồng chí Lê Hồng Anh - Thường trực Ban Bí thư cho biết - sẽ đề nghị Bộ Chính trị có nghị quyết chuyên đề về Phú Quốc để tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát triển toàn diện hơn cho huyện đảo này.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng giao BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành trung ương đề xuất thành lập tổ công tác liên bộ để nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển Phú Quốc, tham mưu xây dựng lộ trình phát triển đảo và thường xuyên phối hợp với tỉnh chỉ đạo thực hiện. Một chiếc áo pháp lý cho đảo ngọc Phú Quốc rất cần được may đo phù hợp.
Nhận xét
Đăng nhận xét