(VOV) - Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế cũng như việc sử dụng tài nguyên chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Theo Quyết định 492 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/4/2009, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm 4 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ đã được thành lập. Mục tiêu lớn của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL là nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và toàn vùng kinh tế trọng điểm.
Một trong bốn nhà máy nước sạch trọng điểm tại ĐBSCL. |
Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 của vùng kinh tế trọng điểm đạt gấp khoảng 1,2 lần và thời kỳ 2011 – 2020, và gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm triển khai quyết định, bên cạnh những kết quả đáng tự hào thì vùng “tứ giác động lực” này vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
“Tứ giác động lực” Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên trên 16.600 km2, chiếm 44% diện tích và có khoảng gần 6,3 triệu người, chiếm trên 36% dân số ĐBSCL.
Trong thời gian qua, có thể thấy rõ vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trên các lĩnh vực nổi trội như có hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong vùng; là nơi tập trung các ngành công nghiệp lớn và tiêu biểu, mang tầm quốc gia, gồm công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp khí-điện-đạm, sản xuất đường, xi măng; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Tính đến đầu tháng 4/2012, các địa phương trong vùng đã có 108 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,78 tỷ USD, chiếm hơn 45,6% tổng vốn toàn vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi, điều cần thẳng thắn nhìn nhận là vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL còn nhiều hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, điểm yếu “chí tử” là chưa tạo ra sự tăng tốc, nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa có nhiều sản phẩm hàm lượng chất xám cao. Việc sử dụng tài nguyên đất đai và lao động chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ cho rằng, sự phát triển của TP vẫn còn những khó khăn. Chưa vững vàng với vai trò của một trung tâm có tác động lan tỏa tới toàn vùng. Có nguyên nhân từ kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, từ việc thành phố có điểm xuất phát thấp, hạ tầng yếu kém. Đồng thời, việc đầu tư hỗ trợ của Trung ương cho thành phố vẫn còn hạn chế và cần sự ủng hộ nhiều hơn từ các Bộ, ngành. Về chủ quan, trong thời gian qua, Cần Thơ chưa khai thác được hết các tiềm năng, thế mạnh, chưa đề ra được chiến lược phát triển thực sự phù hợp…
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, ngoài việc góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia,đảm bảo an sinh xã hội còn đóng góp tích cực vào thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên, thời gian qua nền nông nghiệp của vùng phát triển còn hạn chế, do tập quán canh tác của nhân dân, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu ngày một rõ nét hơn.
Các địa phương trong vùng ĐBSCL đều đề ra mục tiêu phát triển theo xu hướng giảm dần nông nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ, nhưng hơn 20 năm qua, ĐBSCL vẫn phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Sự thiếu liên kết của các địa phương trong quản lý, quy hoạch, xây dựng thương hiệu... khiến sản phẩm nông nghiệp của vùng chỉ mới dừng lại ở xuất khẩu thô, tinh chế không nhiều và tác động trực tiếp đến nông hộ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tuy có sự phát triển ở một số lĩnh vực, nhưng riêng về hạ tầng giao thông, nhiều địa phương đã “ví von” khi cho biết cùng với giáo dục, lĩnh vực này cũng là “vùng trũng” ở ĐBSCL.
“Tứ giác động lực” vùng ĐBSCL bước đầu đã phát huy vai trò đầu tàu kinh tế. Tuy nhiên, để lôi kéo sự phát triển nhanh hơn theo hướng bền vững cho cả vùng, đầu tàu này phải cần tăng tốc. Trong đó, cần xây dựng vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng cả nước.
Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế,các mặt văn hoá, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng; tập trung xây dựng xã nông thôn mới.
Đặc biệt, các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm các hoạt động mang tính kết nối cao; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp, xây dựng các dự án có tính liên kết vùng tạo sự đột phá trong phát triển, hướng sản xuất các sản phẩm mà từng vùng có thếmạnh theo hướng tinh chế, giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, điều kiện hàng đầu đểcho vùng kinh tế trọng điểm khu vực phát triển nhanh là cần có một chính sáchđể thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào đây. Nhưng cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành cơ chế chính sách đặc thù riêng cho vùng. Do vậy, cứ dựa vào nguồn ngân sách Trung ương thì ĐBSCL khó có thể tạo sự đột phá.
Ông Vương Bình Thạnh đề nghị: “Muốn chính sách đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành cơ chế đặc thù riêng cho vùng kinh tế trọng điểm này như sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, tăng cường xây dựng một số dự án liên kết vùng, tranh thủ sự ủng hộ của bộ, ngành Trung ương trong việc kêu gọi nguồn vốn ODA…Có như vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL mới khả thi, từ đó tạo sự phát triển cho toàn vùng. Trong khi thực hiện các nghị quyết, chỉ thị 03 về giảm đầu tư công thì nếu không có cơ chế sẽ không bức phá”.
Để vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, các chuyên gia kinh tến hận định, vùng ĐBSCL cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế để giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh những bất cập trong quy hoạch, nâng mức hỗ trợ đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.
Mặt khác, các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm cần tiếp tục thực hiện tốt 5 giải pháp của Chính phủ nhằm vượt qua khó khăn, ngăn chặn suy thoái kinh tế để qua đó là đầu tàu phát triển cho cả vùng ĐBSCL trong tương lai./.
Nhận xét
Đăng nhận xét