Trần Hiệp Thủy
Nông sản ĐBSCL |
Tuần qua, giá lúa gạo, cá tra có nhích lên, song nhìn chung từ đầu năm đến nay, nông dân (ND) ĐBSCL vẫn tiếp tục chịu cảnh “trúng mùa, mất giá”. “Đầu vào”: Vật tư, phân bón, nhiên liệu, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi thủy sản; kể cả nhân công, dịch vụ nông nghiệp đều tăng giá. Trong khi “đầu ra” nông sản (lúa, mía, trái cây, cá tra) ứ đọng, giá xuống thấp, tiêu thụ khó khăn. ND chịu chung nỗi khổ: “Đầu vào lên, đầu ra xuống”. Bị “đòn đau” nhất là dân nuôi thủy sản. Trong khi giá nguyên liệu “đầu vào” ước tăng khoảng 40% so năm trước, thì “đầu ra” con cá tra có lúc rớt xuống đáy ở mức 18.000đ/kg, nông dân “tính rợ” cũng gánh lỗ mỗi ký cá 5.000 - 7.000 đồng. Con tôm cũng chịu chung số phận, dịch bệnh gây thiệt hại, toàn vùng có hơn 37.200ha tôm nuôi chết, chiếm 98% diện tích tôm bị thiệt hại cả nước.
Hình ảnh ví von chỉ thực trạng sản xuất nông nghiệp của ND miền Tây như “Cây đòn gánh” rất đáng suy ngẫm. Một bên đòn gánh là “nguyên liệu đầu vào”, bên kia là “đầu ra nông sản”. Cả 2 đều đang “gặp vấn đề” nên “rung, lắc” người ND trong thế bị động.
Trong các tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định về việc mua tạm trữ 1,5 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 3 triệu tấn lúa vụ đông xuân và hè thu. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NNPTNT đã công bố giá thành sản xuất lúa để làm cơ sở định giá thu mua đảm bảo “ND lãi 30%”. Không thể phủ nhận những những tác động tích cực của những giải pháp “đầu ra” đó. Nhưng, rõ ràng để tháo gỡ khó khăn cho ND, không chỉ là “đầu ra” mà phải giải quyết đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ mang lại lợi nhuận bền vững. Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; các cơ chế, chính sách đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chính là cách “giữ thăng bằng” để ND đi tiếp trên chặng đường phát triển.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ NNPTNT, các bộ, ngành trung ương và địa phương nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa; hoàn thiện đề án liên kết vùng ĐBSCL. Thực tế đang cần một hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ cho “tam nông”, mà trước mắt là các chính sách hỗ trợ về tín dụng, tài chính, thị trường (kéo dài thời gian cho vay, điều chỉnh điều kiện vay, cho vay thêm; miễn, giảm thuế, phí...) cho nông sản, giúp giải tỏa gánh nặng nỗi khổ “tăng đầu vào, giảm đầu ra” của ND.
Nhận xét
Đăng nhận xét