Hữu Hiệp
Vừa qua, tại diễn đàn Quốc hội, nghị trường nóng lên khi thảo luận về đầu tư công cho tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) (NN, ND, NT). Chuyện này, biết rồi, nói mãi nhưng chưa thấy sửa. Là công bộc của dân, hằng ngày ăn gạo do ND sản xuất nhưng ND lại vẫn cứ còn nghèo nên chúng ta, dù ở cương vị công tác nào, dường như đang mắc nợ ND.
Bao giờ nông dân thôi cảnh "tráng mùa, mất giá" |
NN, ND luôn là sự "cứu nguy” cho kinh tế đất nước. Kỳ tích đổi mới của Việt Nam được cả thế giới biết đến cũng bắt đầu từ NN, ND và NT. Đất nước từ thiếu đói thành cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai thế giới là nhờ NN. Cuối thập kỷ 1990, khi châu Á rơi vào cơn "bão tài chính”, nhờ tăng nguồn lực đầu tư, chuyển đổi sản xuất NN theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế đất nước đã vượt qua khó khăn. Cuối năm 2007, khi cả thế giới oằn mình gánh chịu cơn khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy thoái kinh tế, tác động mạnh mẽ đến khu vực công nghiệp và dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam mới hội nhập thì một lần nữa, NN đã cứu nguy, đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, tăng xuất khẩu gạo, thủy sản ở mức kỷ lục, trở thành "cứu cánh” cho nền kinh tế đất nước
Vậy mà, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, đầu tư cho tam nông chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, vốn chỉ mới đáp ứng được 55 - 60% yêu cầu. Chuyển đổi cơ cấu NN chậm, ND được hưởng lợi ít nhất. Chênh lệch về mức sống giữa NT và thành thị ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo ở NT còn cao, đến 16%, trong khi ở thành thị chỉ hơn 5%. Nhìn ở góc độ vùng, miền, thì ĐBSCL - vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản của cả nước, nơi đảm bảo "sức khỏe”cho nền NN Việt Nam, thì ND đang chịu thiệt thòi và bất công: Vùng trũng về y tế, giáo dục, thấp kém về hạ tầng giao thông. Những sản phẩm chủ lực của vùng vẫn phát triển trong thế "bị đe dọa”: "Hạt gạo bị cắn chia làm 8 phần”; "Con cá tra bị xẻ ra làm 3 khúc”; "Cây mía đang bị chặt làm nhiều lóng”;... ND vẫn luôn chịu nhiều thua thiệt, vẫn tái diễn cảnh "trúng mùa, rớt giá”, "được giá, hết hàng”;…. Trong khi cả nước luôn "nhập siêu” nhiều năm qua, thì ĐBSCL luôn "xuất siêu” nhờ sự đóng góp ngày càng nhiều hơn từ lúa gạo, thủy sản, trái cây. ĐBSCL đang cho nhiều hơn nhận. Năm 2012 này, trong khi cả nước đang khó khăn thì 6 tháng qua, ĐBSCL vẫn xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo.
Thấy rõ thế mạnh tam nông của vùng ĐBSCL, các bộ trưởng hứa tăng nguồn lực và tăng chất lượng đầu tư cho tam nông. Ngày 4-7-2012, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, ngành kế họach và đầu tư, Chính phủ đồng ý tăng thêm 20.000 tỉ đồng cho tam nông. Đó mới chỉ là một cách "trả nợ” sòng phẳng cho ND để vùng ĐBSCL trở thành cực tăng trưởng của cả nước. Tam nông cần nhiều hơn thế, và xứng đáng được nhiều hơn thế.
Nhận xét
Đăng nhận xét