Hữu Hiệp
Hai ngày 4 và 5 tháng 7, hơn 637.000 thí sinh cả nước tham dự đợt I, kỳ thi đại học (ĐH) năm 2012. Theo Bộ GDĐT, đề thi năm nay được ra theo tiêu chí “ba không” - không quá dài, không quá khó, không đánh đố thí sinh. Các trường ĐH, CĐ trên địa bàn vùng ĐBSCL được phân bổ 50.360 chỉ tiêu, tăng 10,5% so với năm 2011. Quy chế tuyển sinh mới cũng “mở rộng cửa” vào ĐH hơn cho các em, được nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, 3 vào nhiều trường khác nhau. 10 năm qua, số trường ĐH ở ĐBSCL đã tăng rất nhanh. Năm 2000, chỉ duy nhất có ĐH Cần Thơ, nay tăng lên 12 trường và 1 phân hiệu đại học. Mỗi năm vùng lúa gạo này có thêm 1 trường ĐH. Số sinh viên ĐH, CĐ trong vùng cũng tăng lên rất nhanh, Vĩnh Long (tăng 8,5 lần), Trà Vinh (5 lần), Đồng Tháp (4 lần), Kiên Giang và Cần Thơ (3 lần). Đường đến giảng đường ĐH, CĐ của các em như rộng hơn.
Học nghề |
Ngược lại, cổng trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang ngày càng khó thu hút người học hơn. Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, 6 tháng đầu năm 2012, các cơ sở dạy nghề trong vùng chỉ tuyển sinh được khoảng 83.000 người, mới đạt bằng 30% kế hoạch. Trong đó, cao đẳng nghề 410 người (bằng 6%), trung cấp nghề 1.200 người (hơn 8%)... Trong khi đó, nhiều năm qua vẫn tồn tại “hệ trung cấp” trong lòng trường ĐH, càng làm khan hiếm “nguồn tuyển sinh” hơn đối với các trường TCCN. Mặc dù Bộ GDĐT đã rất kiên quyết “trả hệ trung cấp về cho trường trung cấp”, buộc các học viện, trường ĐH không được tuyển sinh đào tạo hệ TCCN. Nhưng lộ trình “xóa sổ” kiểu đào tạo “anh giành của em” này được kéo dài đến năm... 2017. Các trường TCCN phải “chịu đựng khó khăn” 5 năm nữa.
Hệ quả của tình trạng trên là, nhân lực đồng bằng vốn đã ít được đào tạo, lại thêm mất cân đối. Trong số 8,3% lao động của vùng được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật vào thời điểm 2010, thì số lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên chiếm tỉ lệ cao nhất với 4%, trong khi TCCN chỉ 2,1%, dạy nghề dài hạn 0,8% và dạy nghề ngắn hạn chiếm 1%. Nhân lực đồng bằng rơi vào cảnh “thầy ít”, nhưng vẫn “thừa thầy, thiếu thợ”.
Bài học tuyển chọn nhân sự của một tập đoàn CNTT nổi tiếng cách đây không lâu - thẳng tay loại bỏ các ứng viên tốt nghiệp ĐH để chỉ chọn công nhân lành nghề cho vị trí mà họ đang cần - chính là câu trả lời cho “nhu cầu xã hội thực chất”. Giảng đường ĐH rộng mở hơn, nhưng cổng trường trung cấp đang vắng bóng là chuyện cũng rất đáng để suy ngẫm cho nguồn nhân lực đồng bằng!
Nhận xét
Đăng nhận xét