Hữu Hiệp
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than -
Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẩn trương chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thành lựa chọn
địa điểm Dự án cảng trung chuyển than khu vực ĐBSCL trong tháng 8-2012
(trước đó yêu cầu hoàn thành trong tháng 4-2012), gửi Bộ Công Thương thẩm định,
trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2012. Đây là lần thứ 2 trong vòng 3
tháng qua, lãnh đạo Chính phủ hối thúc TKV thực hiện nhiệm vụ cấp bách này.
Theo Quy
hoạch điện VII, trong 20 - 30 năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng mới nhiều nhà máy
nhiệt điện sử dụng than trong nước và nhập khẩu. Tại ĐBSCL, các nhà máy nhiệt
điện lớn sử dụng nhiên liệu than đã được qui hoạch, chuẩn bị đầu tư và khởi
công xây dựng như Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc
Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang), ... để đi vào hoạt động từ năm 2015 trở đi. Theo Bộ
Công Thương, đến thời điểm này, nước ta sẽ phải nhập khẩu khoảng 46-77 triệu
tấn than/năm và đến 2020 là 140-196 triệu tấn/năm. Chỉ riêng các trung tâm
nhiệt điện ĐBSCL đã cần khoảng 13-15 triệu tấn vào năm 2015. Trong khi đó,
Nhóm cảng số 6 hiện đang trong tình trạng quá tải, thiếu cảng chuyên dùng để tiếp
nhận than. Theo tính toán của Bộ GTVT, việc xây dựng cảng cho tàu có trọng tải
trên 10 vạn DWT tại khu vực ĐBSCL rất khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng cảng
trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện là yêu cầu bức thiết đảm bảo cho
các nhà máy vận hành trong tương lai.
Xây cảng trung chuyển than ở đâu là mối quan tâm của nhiều người. Nhiều vị
trí đã được đề xuất như: Năm Căn (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), Trần Đề (Sóc
Trăng), Hòn Chông (Kiên Giang) … Mỗi vị trí có điểm mạnh và hạn chế nhất
định. Vấn đề là cần chọn lựa phương án tối ưu dựa trên lợi ích chung mang tính
“liên kết vùng”. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc chọn địa điểm xây dựng cảng trung chuyển than phải được xem
xét toàn diện, có cân nhắc giới thiệu của các tỉnh để nghiên cứu, so sánh. Cần
thực hiện trên cơ sở tính toán đủ các chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành
của tất cả các hạng mục công trình, các quá trình vận chuyển (nội địa, quốc
tế,...) để lựa chọn phương án tối ưu; đồng thời đề xuất phương thức đầu tư, các
cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết của Nhà nước ...
Một cảng trung
chuyển than là nhu cầu cấp bách, cần được khởi động và đảm bảo vận hành cùng
với tiến độ và nhu cầu sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện than trong vùng
ĐBSCL. Hy vọng một địa điểm và phương án tối ưu sẽ được đệ
trình không trễ hạn sau tháng 9 năm nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét