Trần Hiệp Thuỷ
Lãng phí được hiểu là việc
quản lý, sử dụng tiền, tài sản, thời gian, lao động và tài nguyên thiên nhiên
không hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, các công trình đầu tư công đang gây thất
thoát, lãng phí từ 20 - 30%. Nhưng bức xúc hơn, có những công
trình như chợ xây xong không ai vào mua bán, cầu hoàn thành không có đường đi,
kênh mương thuỷ lợi làm cho có... thì lãng phí đến 100%. Trả lời Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Sinh Hùng về dự án Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang
Vinh khẳng định: "Lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu
tư”.
Hỏi ai có quyền ra chủ trương đầu
tư công? Là chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ tưởng cơ quan ngang bộ... Việc phê
duyệt chủ trương, quyết định đầu tư tràn lan, dàn trải, không tính đến khả năng
cân đối vốn, dẫn đến thi công kéo dài, nợ đọng xây dựng cơ bản, gây lãng phí.
Tình trạng trên còn được “tiếp tay” bởi cơ chế “ứng trước vốn kế hoạch”, “địa
phương xây dựng công trình trước, trung ương trả vốn sau”. Người ra chủ trương
đầu tư sai, không hiệu quả, không dùng được là người lãng phí nhất.
Nguyên nhân của tình trạng này
được nhận diện là do thiếu “cơ chế giám sát tốt và chế tài trách nhiệm” rõ
ràng. Theo Bộ trưởng KHĐT, nếu Luật Đầu tư công được ban hành theo hướng siết
chặt lại chủ trương đầu tư, quy trình, thẩm định, phê duyệt... chắc chắn sẽ
“phanh” lại được vấn nạn đầu tư tràn lan, gây lãng phí. Một đạo luật về đầu tư
công là cần thiết, nhưng nó không phải là “đũa thần”; càng ít tác dụng khi nó
chỉ là “những nguyên tắc chung chung”. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
cũng đã qui định trách nhiệm của người quyết định đầu tư, nghiêm cấm việc bố
trí dàn trải vốn, gây nợ đọng khối lượng xây dựng, qui trách nhiệm của người có
liên quan trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự
án đầu tư vi phạm, gây lãng phí thì phải bị xử lý kỷ luật.
Nhưng vẫn khó xử lý người quyết
định đầu tư sai. Cũng đã có nhiều đạo luật rất hay, nhiều qui định ban hành ra
để đó, dùng được rất ít như Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc
lá. Thậm chí, Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật, nhiều qui định hay cũng
bị lờ đi. Đó là qui định cơ quan trình dự án luật phải chuẩn bị dự thảo nghị
định, trình dự thảo nghị định phải có dự thảo thông tư... để văn bản pháp luật
nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nhưng cuộc sống vẫn phải chờ luật, “nợ đọng văn
bản” vẫn gây bức xúc.
Để không tiếp tục lãng phí đầu tư
công, cần một đạo luật tốt, nhưng cần hơn và thực hiện nghiêm pháp luật ngay từ
khi Luật Đầu tư công chưa ra đời.
Nhận xét
Đăng nhận xét