VTV Cần Thơ, 07/09/2013, 17:45:04
(VTV Cần Thơ) - Tiếp theo tình hình xuất khẩu cũng như tốc độ tăng trưởng vượt bậc của ngành dệt may được phản ánh mới đây, nhóm phóng viên thời sự tiếp tục ghi nhận vấn đề này đối với ngành dược – một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng xuất khẩu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Kiểm nghiệm thuốc tại Cty CP dược Hậu Giang |
Cùng với dệt may, thời gian qua xuất khẩu ngành dược tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể, tại thành phố Cần Thơ - nơi tập trung các công ty dược có quy mô lớn của cả nước, tính chung 8 tháng/2013, xuất khẩu dược phẩm của thành phố đạt gần 4,6 triệu đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài các thị trường truyền thống như: Lào, Campuchia, Myanmar,…hiện dược phẩm được sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long đã có mặt ở các thị trường khó cạnh tranh như: Singapore, Ukraina, Nga,…Làm được điều này không đơn giản chút nào, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ: "Ở đây các ngành được sự chỉ đạo của UBND thành phố chỉ đạo xuống tháo gỡ những khó khăn, nếu vấn đề nào thuộc thẩm quyền giải quyết chúng tôi sẽ giải quyết còn vượt thì xin ý kiến của cấp trên để giải quyết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu".
Xuất khẩu dược phẩm. Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan, để đạt kết quả nói trên phần lớn là do chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc hoạch định ra chiến lược về tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bà Phạm Thị Việt Nga,Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang: "Mình phải dũng cảm, chấp nhận rủi ro đi vào các thị trường mà mình nghĩ là sẽ không thể khai thác xuất khẩu, ví dụ năm nay DHG đã chiếm lĩnh được thị trường Singapore – thị trường mà từ trước đến giờ mình nghĩ quốc gia này không quan tâm đến sản phẩm do người Việt Nam sản xuất, nhưng giờ họ đã sử dụng. Quan trọng là mình phải biết đầu tư maketing giống như ở trong nước cũng phải quan hệ với người tiêu dùng, cũng chào hàng, lúc đó mình mới có được một thị trường đúng nghĩa là người ta có nhu cầu và mình đáp ứng được".
Theo ông Trần Hữu Hiệp – Vụ trưởng Vụ kinh tế, Xã hội, Ban Chỉ đạo tây Nam bộ, ngoài thế mạnh về gạo, thủy sản tiềm năng để phát triển các lĩnh vực xuất khẩu như: dệt may, dược phẩm, giày da,…tại đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Đây là vùng có nguồn lao động dồi dào, có điều kiện thuận lợi để xây dựng các khu công nghiệp lớn,…Vấn đề quan trọng là phải có chính sách đầu tư hợp lý từ các ngành, các cấp.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế - Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: "Theo tôi bên cạnh quan tâm các mặt hàng nông sản chủ lực thì trong hoạt động xuất khẩu chúng ta cần tận dụng khai thác và có một chiến lược để chúng ta phát huy những sản phẩm từ các ngành công nghiệp khác như là dược, dệt may hay dày da của vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2013, lên gần 85 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012. Các sản phẩm như: dệt may, dược phẩm và giày da tăng từ 16-17% so với cùng kỳ năm trước. Những con số nói trên sẽ không dừng lại đó, nếu có những chính sách đầu tư đúng mức và kịp thời cùng với sự đột phá các doanh nghiệp trong xuất khẩu. Việc làm này không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp, mà nó còn là bước đệm quan trọng trong tiến trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước./. (Huỳnh Tâm)
Nhận xét
Đăng nhận xét