Hội thảo khoa học góp ý cho Đề án xây dựng Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương: Cần có bộ cơ chế, chính sách đặc biệt cho Phú Quốc
Thứ hai, 16/09/2013 20 giờ 15 GMT+7 | |||||
Ngày 16-9, tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì "Hội thảo khoa học góp ý cho Đề án xây dựng Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương" để lấy ý kiến của các diễn giả, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia và doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Đề án. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình thành lập Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc, nhưng cần làm rõ thể chế, mô hình chính quyền.
Vướng thể chế
TS Trần Du Lịch nói: "Phú Quốc chưa phát triển được là do thể chế. Nếu có thể chế tốt, không sợ thiếu tiền để đầu tư phát triển huyện đảo. Trước mắt cần tháo gỡ cái vướng lớn nhất của đảo là tình trạng đầu cơ đất; giá đất ở đây đang thoát ly rất xa giá trị thực tế của nó. Không triệt đầu cơ đất, Phú Quốc không phát triển được". TS Trần Du Lịch còn dẫn chứng một nghịch lý khác ở huyện đảo là chi phí điện chiếm rất cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đơn cử chi phí điện chiếm 20% tổng chi phí hoạt động của khách sạn. Vấn đề bức thiết khác là Phú Quốc đang lãng phí tài nguyên nước ngầm khá lớn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, trong thời gian chờ Đề án được phê duyệt, Trung ương cần cho đảo ứng kinh phí mua lại đất, đầu tư hạ tầng và đưa ra giá cạnh tranh, tránh tình trạng "loạn"’ giá như hiện nay; hỗ trợ Phú Quốc đầu tư các công trình, dự án hạ tầng thiết yếu...
Theo dự thảo Đề án xây dựng Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương, xây dựng "Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm công nghệ, tài chính, thương mại, giải trí, giao thương quốc tế hiện đại của cả nước và quốc tế…". PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho rằng với mục tiêu này, dự thảo Đề án cần làm rõ hơn các tiềm năng, lợi thế để đảo Phú Quốc phát triển thành đặc khu hành chính- kinh tế trực thuộc Trung ương. Tính đến khả năng thu hút đầu tư, cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế; các tác động ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội khi thành lập đặc khu.
Cần làm rõ mô hình chính quyền đặc khu
TS Nguyễn Xuân Cường, Phó Ban kinh tế Trung ương cho rằng, đề án đưa ra mô hình hành chính đặc biệt khá mới mẻ, nước ta chưa có tiền lệ. Do vậy, ban soạn thảo đề án cần nghiên cứu sâu hơn mô hình kinh tế đặc thù của các quốc gia đã thành công (Trung Quốc, Hàn Quốc). Đã xác định là đặc khu thì quy hoạch phải mang tầm quốc tế. Bởi năm 2015, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của nước ta, nên cần quy hoạch phù hợp, tính đến tính thời đại, khả thi, hấp dẫn. Yêu cầu của đặc khu là các thiết chế hoạt động phải đạt công nghệ cao, đời sống ở mức cao nhất, môi trường ở mức sạch cao nhất… Cần làm rõ nội hàm đặc khu hành chính trực thuộc Trung ương.
TS Trần Du Lịch nói: "Khi xây dựng đặc khu phải hiểu là xây dựng quốc gia trong quốc gia, ở đó thậm chí áp dụng hệ thống pháp luật riêng. Đây là triết lý phát triển khi xây dựng đặc khu. Vấn đề đặc khu hành chính Phú Quốc đã bàn nhiều năm nay, nhưng chưa làm được, nếu chấp nhận như thế thì mô hình mới phát triển được. Dường như trong đề án chưa đề cập rõ nội dung này, mà chỉ cố gắng tạo ra một số chính sách đặc thù so với mặt bằng thể chế và chính sách hiện hành của chúng ta. Muốn cạnh tranh phải so sánh với bên ngoài, không nên so ta với ta". TS Trần Du Lịch cho rằng, xây dựng mô hình tổ chức chính chính quyền đặc khu trực thuộc Trung ương, nhưng chính quyền phải là 1 cấp, thực hiện vai trò tự chủ. Chính quyền đặc khu có tư cách pháp nhân, nhưng cần làm rõ là một "pháp nhân công quyền", tuy có các đặc điểm về pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự, nhưng khác với các pháp nhân dân sự, vì thực thi một phần quyền lực của nhà nước. Đây là điểm đột phá về địa vị pháp lý của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cần làm rõ 4 lĩnh vực của chính quyền đặc khu: thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tài chính công; bộ máy tổ chức và nhân sự; quản lý nhà nước phải phân định rõ phần việc nào của Trung ương, phần nào của chính quyền đặc khu để tăng tính chịu trách nhiệm, tự chủ, xóa cơ chế xin cho.
Các đại biểu dự hội thảo đồng tình cho rằng, cần thể chế riêng cho đặc khu hành chính, thoát khỏi cơ chế ràng buộc cũ. Có như vậy, Phú Quốc mới phát triển toàn diện. Vấn đề là cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng thể chế phù hợp. Đại diện các bộ ngành Trung ương cho rằng khi xây dựng thể chế cần tính đến yếu tố toàn cầu hóa, hiện nay chúng ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, cần tận dụng được các cơ hội phát triển. Đồng thời, tính đến cơ chế thu hút các ngành công nghệ đặc thù, công nghệ cao; nguồn nhân lực cho sự phát triển. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nói: "Con người là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của mô hình chính quyền đặc khu. Trường ĐHCT sẽ đồng hành cùng Phú Quốc trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển mới"…
Kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: "Về tên gọi chưa thống nhất, nhưng đa phần các diễn giả tham dự hội thảo đều đồng tình với tên gọi Khu hành chính-kinh tế đặc biệt. Phú Quốc nhiều tiềm năng, nhưng chưa phát huy được hết. Phú Quốc cần có bộ cơ chế, chính sách đặc biệt. Có đột phá trong tổ chức cấp chính quyền; thống nhất thể chế hoạt động. Tỉnh Kiên Giang cần chủ động phối hợp cùng Tổ công tác nghiên cứu các đóng góp của các nhà khoa học và đề xuất cơ chế". Phó Thủ tướng lưu ý, Tổ công tác cần nghiên cứu các quy hoạch trước đây để điều chỉnh những quy hoạch không còn phù hợp. Cần có kế hoạch tổng thể quản lý chặt chẽ quỹ đất trên đảo; thu hút nguồn lực đầu tư. Các nhà khoa học, chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, đóng góp để hoàn chỉnh để án.
Bài, ảnh: GIA BẢO
|
Nhận xét
Đăng nhận xét