(PetroTimes) - Nền kinh tế vốn đã ảm đạm, nay phải gánh thêm hệ lụy do những cuộc “đào tẩu” của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để lại khiến nó càng thêm u ám. Khi câu chuyện chuyển giá chưa có hồi kết, các DN FDI lại làm nóng dư luận khi hàng trăm DN đột ngột “vắng chủ”. Tuy đây không phải là chuyện hoàn toàn mới, song cho đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay với câu chuyện… chờ sửa luật.
Chủ bỏ đi, “lỗ hổng” ở lại
Mới đây, thông tin từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, theo thống kê của các địa phương, đến hết tháng 5/2013, đã có tới 518 DN FDI bỏ trốn. Theo đó, tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các DN này khoảng hơn 903,1 triệu USD. Trong đó, 2 địa phương có số chủ DN FDI bỏ trốn cao nhất là TP HCM (166) và Hà Nội (105). Tại Bình Dương, địa phương thu hút được lượng vốn FDI lớn, nhiều trong số các DN FDI đã rời đi mà không để lại dấu vết như Công ty TNHH Deok Chang Complex, TNHH Woodus, TNHH LD Scanmach Việt Nam, Diing Long Việt Nam...
Tuy nhiên, ngay từ những năm trước, tình trạng nhiều ông chủ các DN FDI bỏ trốn đã diễn ra và cơ quan chức năng đã có những cảnh báo về tình trạng này.
Tháng 6/2012, Tổng cục Thống kê đã công bố thực trạng sự tồn tại của các DN năm 2011, theo đó, số các DN FDI có dấu hiệu bỏ trốn là rất lớn. Vào thời điểm đó, có tới 983 DN FDI không thể xác minh, trong đó, TP HCM có 760 DN và Hà Nội có 161 DN.
Chỉ trong tháng 8 đã có gần 600 doanh nghiệp hoạt động trở lại
Theo đánh giá của cơ quan thống kê, nguyên nhân được xác minh chính là các nhà đầu tư FDI làm thủ tục xin cấp phép dự án đầu tư, nhưng khi triển khai dự án, đã không xin được đất hoặc có nhiều nguyên nhân khác nên chủ DN bỏ trốn.
Các cán bộ điều tra của Tổng cục Thống kê xuống làm việc, thường lần theo địa trong giấy chứng nhận đầu tư nhưng thực tế không tìm thấy DN nào tồn tại trên địa bàn.
Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, các chủ DN bỏ trốn chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực dịch vụ (xây dựng, bất động sản, thương mại, phần mềm, ăn uống, nhà hàng...) và đều đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Đa số các nhà đầu tư này đều thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác, nhưng không có hoạt động kinh doanh hay xây dựng cơ bản. Nguyên nhân của tình hình trên là do các DN hoạt động không hiệu quả, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không trả được lương cho người lao động, không trả được nợ... nên phải đóng cửa, ngừng kinh doanh.
Còn theo GS.TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đối với các DN FDI vắng chủ hiện nay, có ít nhất 3 loại. Đó là DN gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, không còn khả năng vận hành tiếp; DN vào Việt Nam không có vốn, phải vay mượn của ngân hàng, sau đó làm ăn thua lỗ và cuối cùng là các DN có ý định lừa đảo ngay từ khi có kế hoạch bước chân vào Việt Nam.
“Nếu vì lý do khách quan do nền kinh tế khó khăn thì có thể xử lý theo Luật Phá sản của Việt Nam; đối với các DN làm ăn thua lỗ, lợi dụng vay vốn thì xử lý theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế; DN có dấu hiệu lừa đảo phải xử lý theo luật hình sự…” - ông Nguyễn Mại đề xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, hệ lụy về mặt kinh tế từ hiện tượng chủ DN FDI bỏ trốn có thể không quá nghiêm trọng vì số lượng không lớn so với 12.000 DN FDI đang hoạt động, về vốn cũng chỉ chiếm 1%. Tuy nhiên, hệ lụy về xã hội thì rất lớn vì hàng chục ngàn lao động bị mất việc. Ngoài ra, hầu hết các DN trên đều nợ bảo hiểm xã hội hoặc không trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động, ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ bảo hiểm của người lao động.
Không dừng ở đó, nạn nhân tiếp theo của các DN này còn là ngân hàng, bảo hiểm xã hội, đối tác làm ăn…
Rào giậu muộn màng
Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước thời gian qua khá đau đầu với việc xử lý tình trạng DN FDI “đào tẩu”. Năm 2012, cơ quan hải quan, đã cảnh báo và yêu cầu các cục hải quan địa phương rà soát danh sách DN đang nợ thuế. Nhưng tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở đó.
Sở KH&ĐT các tỉnh cũng rất lúng túng khi xử lý các DN FDI bỏ trốn và nhiều lần phải “cầu viện” Bộ KH&ĐT, nhưng vướng mắc nằm ở quy định pháp lý, nên vẫn chưa đi đến đâu.
“Pháp luật hiện hành chưa có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với DN FDI vắng chủ. Việc giải thể, thanh lý DN đối với các DN FDI vắng chủ, có phát sinh các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác cũng không dễ dàng. Thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác cũng khó, vì còn phải xử lý các tài sản đã hình thành trên đất…”, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) thừa nhận.
Theo các chuyên gia kinh tế, pháp luật về đầu tư nước ngoài của chúng ta hiện chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ, nhiều quy định chồng chéo và còn nhiều lỗ hổng trong cơ chế quản lý hoạt động của các DN FDI, đặc biệt là công tác quản lý Nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đơn cử, Luật Đầu tư năm (2005) cho phép nhà đầu tư nước ngoài được bình đẳng vay vốn ngân hàng trong nước, vì vậy, có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài “vẽ” dự án vay hàng trục triệu USD của ngân hàng trong nước rồi lặn mất tăm, hoặc có tình trạng nhà đầu tư bất động sản chỉ đem theo “vốn mồi”, rồi huy động vốn của khách hàng ứng trước để xây nhà bán nhưng rồi cũng ôm tiền bỏ trốn... Trong khi hệ thống văn bản pháp lý của chúng ta chưa đầy đủ thì các nhà đầu tư nước ngoài lại nghiên cứu rất kỹ hệ thống pháp luật của chúng ta, nhiều nhà đầu tư trong số đó có thể sẽ tiếp tục tìm kẽ hở để lách luật. Vì vậy, việc quản lý, giám sát hoạt động của DN FDI phải được điều chỉnh tốt hơn bởi pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ trong khâu giám sát.
Trao đổi về tình trạng các DN FDI bỏ trốn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, việc xử lý căn cơ tình trạng DN “vắng chủ”, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu sửa Luật Đầu tư năm 2005 vì khi xây dựng Luật Đầu tư 2005, chúng ta cũng chưa hình dung hết vấn đề này.
“Nhưng với từng trường hợp cụ thể thì không phải vì chúng ta chưa sửa luật mà chưa xử lý. Chính phủ đã chỉ đạo cho từng địa phương, đặc biệt là nơi có nhiều khu công nghiệp, sát vào từng trường hợp cụ thể trên tinh thần là bảo vệ không chỉ cho ông chủ, mà là bảo vệ tài sản của cộng đồng đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trong chừng mực có thể cố gắng duy trì bảo vệ nó và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người lao động. Chính phủ đã chỉ đạo đây vẫn là công việc thường xuyên”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, không chỉ DN FDI, có cả DN trong nước có hiện tượng tạm gọi là vắng chủ, nhất là vào thời điểm cuối 2011, đầu 2012, khi kinh tế đặc biệt khó khăn. Khi đó Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ một phần cho người lao động ở những DN vắng chủ đó, giúp cho họ vượt qua những khó khăn.
Phương Vũ
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Thích pháp luật
Nhãn:
Thích pháp luật
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét