17/09/2013, 19:58:01
(VTV Cần Thơ) - Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2020 là phát triển có trọng điểm, tạo ra các vùng động lực, các trung tâm kinh tế phát triển mạnh, trong đó lấy thành phố Cần Thơ và các đô thị của tỉnh, gắn với trục kinh tế theo các quốc lộ, tỉnh lộ, vành đai ven biển, vành đai biên giới Campuchia gắn với các khu kinh tế cửa khẩu làm hạt nhân. Theo đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng nơi đây đã được Chính phủ và các địa phương trong vùng quan tâm. Đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ. Trên cơ sở đó, hệ thống giao thông nơi đây từng bước hoàn thiện và đảm bảo lưu thông thông suốt với tất cả các địa phương trong vùng. Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của ĐBSCL đến thời điểm này vẫn chưa có được sự đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn. Đây là nguyên nhân làm cho việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư bị ảnh hưởng. Liên quan đến vấn đề này, từ hôm nay, VTV Cần Thơ sẽ giới thiệu loạt phóng sự về thực trạng hệ thống giao thông đường bộ ở ĐBSCL. Mở đầu sẽ là ghi nhận về những thành tựu quan trọng của lĩnh vực này trong hơn một thập niên qua.
Điểm nhấn cho sự đầu tư về hạ tầng giao thông của ĐBSCL là sự kiện vào ngày 21/5/2000, cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (vào thời điểm lúc bấy giờ) chính thức thông xe và đưa vào sử dụng. Nhờ đó, từ năm 2005 – 2009, tỷ trọng khối lượng vận tải hành khách bằng đường bộ tăng mạnh từ 65% lên 79% năm 2009. Khối lượng hàng hóa từ 6 triệu 300 ngàn tấn lên gần 10 triệu 400 ngàn tấn. Tiếp sau đó, Chính phủ tiếp tục đầu tư hàng loạt các cầu lớn khác như cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên. Điều này từng bước tạo đột phát cho vấn đề vận tải đường bộ, với lưu lượng hàng hóa tăng gần 2 triệu tấn/năm.
Anh Dương Minh Trí, huyện Chợ Mới – An Giang phấn khởi so sánh: "Có cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, giờ đi thành phố HCM nhanh lắm, rút ngắn khoảng 2 – 3 tiếng. Chí phí cũng giảm nhiều hơn trước. Qua đó, thu nhập mình cũng tăng lên".
Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho thấy, hơn 10 năm qua, ĐBSCL đã được tập trung đầu tư lớn về hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ. Theo đó, toàn bộ hệ thống cầu trên QL 1A đã xong, góp phần thông suốt toàn tuyến từ Lạng Sơn về Năm Căn. Toàn vùng đã xây dựng mới trên 10 tuyến QL, tổng chiều dài hơn 2.500 km; xây dựng 11.453 cầu, trên 27 ngàn km đường các loại. Tổng kinh phí đầu tư của Nhà nước cho khu vực lên tới 75 ngàn tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng mức đầu tư cho giao thông cả nước. Hệ thống đường bộ đã kết nối liên vùng, đã xây dựng tuyến Nam sông Hậu, tuyến Phụng Hiệp, đang xây dựng tuyến xuyên Đồng Tháp Mười, sắp tới sẽ kết nối bằng các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh.
Anh Võ Văn Khải, Trưởng phòng Kinh doanh – Cty Thép Tây Đô cho biết hiệu quả kinh doanh nhờ hệ thống cầu đường rộng mở: "Có thể nói ĐBSCL đã có sự phát triển vượt bậc về giao thông, nếu trước đây chúng tôi chỉ có thể vận chuyển hàng hóa khoảng 30.000 tấn/năm thì nay khoảng 70.000 tấn/năm. Đặc biệt là từ quốc lộ có các đường nhánh vào tận huyện, xã, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế".
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh: " Nhiều năm qua, ĐBSCL được tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cầu đường, tạo ra diện mạo mới. Hệ thống được đầu tư đường dọc, đường ngang và các cầu vượt sông lớn, tạo ra sự kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển thế mạnh kinh tế ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
Theo đánh giá của các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp, hơn một thập niên đầu tư lớn, có trọng điểm, đã góp phần tạo ra một diện mạo mới cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ ở đồng bằng sông Cửu Long. Nền tảng cơ bản đã có. Vấn đề hiện nay của các địa phương trong vùng là phát triển hệ thống giao thông đường bộ ở một mức độ cao hơn, có tầm nhìn xa, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cấp bách của quá trình phát triển kinh tế ở vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước./. (Duy Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét