Theo yêu cầu của tòa, bà L. đã nộp tiền tạm ứng án phí hơn 600 ngàn đồng.
Như Pháp luật TP.HCM đã thông tin, ngày 13-2, bà L. đi trên chuyến bay của hãng hàng không Vietjetair từ Đà Nẵng vào TP.HCM. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), bà không nhận được va li của mình nên báo nhân viên phụ trách tìm kiếm hành lý thất lạc. Ngày 19-2, bà được thông báo không tìm thấy hành lý, tài sản xem như bị mất. Qua điện thoại, hãng hàng không nói sẽ bồi thường 50.000 đồng/kg hành lý. Bà L. không chấp nhận mà đề nghị hãng bồi thường theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng nhưng không được đáp ứng. Bà khởi kiện ra TAND quận Tân Bình đòi bồi thường khoảng 25 triệu đồng.
Ngày 6-5, TAND quận Tân Bình thông báo không thụ lý đơn kiện và chuyển hồ sơ đến TAND quận Ba Đình (TP Hà Nội) theo thẩm quyền vì nơi đây đặt trụ sở của hãng hàng không. Bà L. khiếu nại vì cho rằng khoản 1 Điều 66 Luật Hàng không dân dụng quy định vé hành khách, hành lý và phiếu nhận hành lý là chứng từ vận chuyển hành khách, hành lý bằng tàu bay và là bằng chứng về việc ký kết hợp đồng... Sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những nơi thực hiện hợp đồng. Đồng thời, theo Điều 36 LTTDS, thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết. Do vậy, bà khởi kiện ra TAND quận Tân Bình là phù hợp, tòa không thụ lý đơn kiện là không đúng quy định. Đến cuối tháng 7, TAND quận Ba Đình đồng ý với đề nghị của bà L. và đã chuyển hồ sơ lại cho TAND quận Tân Bình.
HOÀNG YẾN
Nhận xét
Đăng nhận xét