Trần Hữu Hiệp
Liên kết vùng đã thể
hiện ngày càng rõ nét vai
trò “nhạc trưởng” – “đầu mối chỉ đạo, điều phối” của Ban
Chỉ đạo Tây Nam Bộ do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban trong việc
tham mưu, đề xuất cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ
động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương (đều là Thành viên kiêm
nhiệm Ban Chỉ đạo). Hoạt động liên kết không chỉ được chú trọng trên lĩnh vực quốc phòng an
ninh, các liên kết kinh tế, mà ngày càng nổi rõ hơn trong các hoạt động đào
tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL.
Lấp bớt “khoảng trống” trong giáo dục - đào tạo
Liên kết vùng ĐBSCL trong giáo
dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khắc phục tình
trạng “chia cắt” theo địa giới hành chính, “mạnh ai nấy làm”. Nhìn ở cấp độ
chiến lược nguồn nhân lực của vùng và thị trường lao động, gắn với thị trường
hàng hoá – dịch vụ, thì thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo chưa gắn kết tốt với
nhu cầu sử dụng, thường bị đóng khung bởi những “qui định hành chính” xơ cứng.
Lâu nay, vựa lúa gạo, trái cây, thuỷ sản Miền Tây được xem là “vùng
trũng”, nhiều chỉ tiêu giáo dục – đào tạo thấp kém hơn so các vùng, miền và cả
nước. Song, việc thực thi chính sách chung còn nhiều bất cập do “cơ chế, chính
sách” chưa sát với đặc thù vùng này. Thí dụ vấn đề “nghèo khó” ở vựa lúa Miền
Tây cũng khác nhiều nơi. Với đặc thù “nghèo đều”, hộ nghèo xấp sỉ bình quân
chung cả nước, nhưng hộ cận nghèo cao, vùng này không có huyện nào nghèo “theo
thống kê” để được nhận hỗ trợ, đầu tư và nhiều chính sách an sinh xã hội khác
theo chương trình hỗ trợ 62 huyện nghèo của cả nước. Tất nhiên, cũng không có
“chính sách đặc thù” trong phát triển nguồn nhân lực, nguy cơ tụt hậu ngày càng
xa. Để tháo gỡ khó khăn trong
GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL, thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo xây dựng chính sách ưu tiên cho con em đồng bào 20 huyện nghèo vùng
biên giới, hải đảo trong vùng (không thuộc diện hưởng chính sách 62 huyện
nghèo) được hưởng chính sách ưu tiên “giảm 1- 2 điểm sàn” khi được xét tuyển
vào các trường đại học có nhu cầu xét tuyển. Các đề án đào tạo nguồn nhân lực
chuyên ngành cho vùng ĐBSCL của các Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (kỹ sư
qui hoạch, kiến trúc sư), ĐH Y dược Tp Hồ Chí Minh (bác sĩ đa khoa, chuyên
ngành) và ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (cao học chính sách công) đã được xây dựng
công phu, bắt đầu áp dụng từ 3 năm qua cho con em “vùng trũng GD-ĐT”. Các hoạt
động liên kết đào tạo này không chỉ đạo điều kiện cho con em Miền Tây được
“rộng đường” vào đại học, học cao học mà còn phải đảm bảo chất lượng đào tạo,
giữ được “thương hiệu” cho các trường, gắn chặt với địa phương trong việc xác
định nhu cầu và “chia sẻ” kinh phí, đặc biệt là trách nhiệm bố trí, sử dụng các
em sau khi học, địa chỉ sử dụng. Tương tự, nhiều cán bộ công chức thuộc các cơ
quan Trung ương đang công tác ở địa bàn Tây Nam Bộ lâu nay luôn bị “thiệt thòi”
về chỉ tiêu, điều kiện được đào tạo. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối
hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện khu
vực IV mở các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính và các lớp
chuyên ngành. Nỗ lực liên kết vùng trong giáo dục – đào tạo của Ban Chỉ đạo Tây
Nam Bộ có thể chỉ mới là hoạt động “kết nối”, “lấp khoảng trống” trong chính
sách đào tạo do các qui định hành chính tạo ra, nhưng bước đầu cũng có tác dụng
thiết thực hỗ trợ “vùng trũng” ĐBSCL tăng tốc để nâng cao chất lượng nhân lực.
Cần những quyết sách căn cơ
Thực tiễn đã chứng minh, liên kết vùng ĐBSCL là
cần thiết, không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, ứng phó biến đổi khí
hậu, quản lí nguồn nước, phòng chống dịch bệnh, liên kết kinh tế … mà rất cần
trong lĩnh vực GD-ĐT, phát triển nhân lực. Cùng với việc xây dựng và triển khai
thực hiện Chiến lược nguồn nhân lực quốc gia và các tỉnh, rất cần một Chiến
lược nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL mà đến nay vẫn chua có. Các qui hoạch phát
triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, trường phổ thống …
phải dựa trên Chiến lược quan trọng này, cần “hướng cung” là nhu cầu thị trường
lao động, nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị, trước
hết là trong vùng ĐBSCL.
Những “cơ chế đặc thù” trong GD-ĐT ưu tiên cho
vùng khó khăn như ĐBSCL là cần thiết để tăng tốc, đuổi kịp các vùng, miền khác.
Nhưng cũng cần phải thấy, đó chỉ là “chính sách nhất thời”. Vùng này cần phải
đi lên bằng chính “đôi chân” của mình chứ không thể dựa vào sự hỗ trợ “đặc thù”.
Hệ thống giáo dục – đào tạo từ mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học đến các
trường nghề, hệ thống giáo dục xã hội trong vùng cần được quan tâm đầu tư để đủ
sức tạo ra “sản phẩm nhân lực” tốt hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã
hội, chứ không phải trông chờ vào chính sách ưu tiên “điển sàn, điểm chuẩn” hay
tăng chỉ tiêu đào tạo chỉ tạo ra “lợi thế ảo” không căn cơ. Hoạt động liên kết
vùng ĐBSCL trong phát triển nguồn nhân lực cần được tiếp tục được tăng cường về
chất, nội dung, phương thức phù hợp hơn nữa trước yêu cầu phát triển nguồn nhân
lực của vựa lúa gạo, trái cây, thuỷ sản Miền Tây thời kỳ hội nhập.
Nhận xét
Đăng nhận xét