Hữu Hiệp
22,5 triệu học
sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới. Cùng với nỗi lo chất lượng dạy và
học của thầy trò, đồng phục học sinh lại nóng lên do những “câu chuyện lạ” vừa
qua trong trường học. Đồng phục đáng ra là một biểu hiện tốt đẹp, nhưng lại bị
“lăn tăn” bởi tác động của đồng tiền,
thiếu sự đồng tình của dư luận.
Chuyện hơn
trăm học trò của Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ bị buộc về
nhà vì mặc quần ống hẹp, gợi nhiều suy nghĩ về “tư duy giáo dục và cái quần ống
túm”. Chuyện học trò trường THPT Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang bị cắt dép vì không
mang giày ba ta trắng đúng qui định, làm không ít người phẫn nộ về cách hành xử
đáng chê trách của thầy giáo. Chuyện một bộ đồng phục giá “1 tạ thóc” và kết
quả nghiên cứu gần đây được công bố, chi phí cho bộ đồng phục học trò chiếm từ 8,5%
- 14,9% tổng chi tiêu cho giáo dục gia
đình, làm nặng thêm “rổ chi tiêu” của mỗi nhà, đã trở thành nỗi lo lớn của
nhiều người. Không ít gánh nặng đó bị đè nặng thêm do những người quản lý giáo
dục làm biến dạng bộ đồng phục thành các đơn hàng với các toan tính bằng tỉ lệ “hoa
hồng, chiết khấu”.
Đồng phục học
trò không chỉ tạo nên nguồn cảm hứng của thơ ca, nhạc hoạ, mà trong kí ức một
thời đi học của bất kỳ ai, chắc chắn vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về “sắc
áo” trường mình, về tà áo dài tím mộng mơ hay trắng trinh nguyên duyên dáng của
nữ sinh. Nhiều thế hệ học trò ngày trước “ba đời anh, chị, em” mặc chung một bộ
đồng phục sờn vai vẫn thấy vui, thấy tự hào, tự nhiên, không gượng ép. Môi
trường giáo dục văn minh, lịch sự không thể chấp nhận kiểu ăn mặc lố lăng.
Nhưng giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho giới trẻ thông qua hình thức trang phục
cũng không thể là sự áp đặt, ép buộc mà cần trang bị sự cảm nhận về giá trị
đích thực của cái đẹp. Cùng với các qui định “cấm dạy thêm”, xây dựng “trường
học thân thiện, học sinh hiếu học”, cũng đã đến lúc Bộ, hay chí ít là các Sở
Giáo dục và Đào tạo cần có “bộ qui tắc” hướng dẫn về trang phục học sinh thành
thị, nông thôn, vùng miền sao cho phù hợp, vừa làm đẹp trường học, tăng tính giáo
dục thẩm mỹ, vừa tránh những câu chuyện nhố nhăng liên quan đến “đồng phục –
đồng tiền” để tạo được sự đồng tình của xã hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét