Huy Bình - Hiệp Thủy
Hội thảo khoa học “Xây dựng Khu hành chính -
kinh tế đặc biệt Phú Quốc” (gọi tắt là đặc khu – ĐK) diễn ra đầu tuần qua ngay
tại Phú Quốc, đã xới lên nhiều suy nghĩ cho các nhà chiến lược phát triển, về
tương lai hòn đảo ngọc ngà này - vốn có diện tích “nhỉnh” hơn hẳn quốc đảo Singapore
- đang khát một cơ chế đầu tư để tự đánh thức.
Một góc Phú Quốc |
Thời gian qua, Chính
phủ đã dành nhiều ưu tiên cho Phú Quốc. Hàng ngàn tỷ đồng đã được đổ vào hòn
đảo lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam
này. Kinh tế Phú Quốc hiện đạt mức tăng trưởng 22%, có sân bay hiện đại hơn và
tần suất bay cũng cao hơn sân bay quốc tế Cần Thơ – “thủ phủ” miền Tây…
Đặc khu Phú Quốc, hay tỉnh Phú Quốc?
Tuy nhiên, theo
ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng vụ Kinh tế trực thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thì “Nhiều
mỹ từ trong Quyết định 178 của Chính phủ ban hành tháng ngày 5/10/2004 về Đề án
phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020, đã được đưa ra, nhưng rất tiếc,
không thể dùng làm “đũa thần” đưa Phú Quốc sánh vai với Jeju (Hàn Quốc), Phuket
(Thái Lan), hay Bali (Indonesia)… Càng không thể hình thành một ĐK Phú Quốc
theo kiểu lập ra “tỉnh thứ 64” của Việt Nam. Tất cả các cơ chế chính sách hiện
có không thể biến Phú Quốc trở nên xứng tầm với những gì nó đang sở hữu.
Thực trạng hiện
nay của Phú Quốc, đầu tư thì chưa thấy rõ, nhưng đầu cơ thì đã thấy rõ rồi, là
suy nghĩ của nhiều người dân ở thị trấn Dương Đông, khi nhóm tác giả thực hiện bài
viết này tiếp xúc. Trường hợp Bãi Trường là một ví dụ. Trước đây chỉ có một Khu
du lịch tư nhân Ngàn Sao (Thousand Star resort), làm hàng trăm cái tum trên bờ
rồi nghiễm nhiên lấn xuống bãi biển như của riêng mình. Nay hàng trăm mảnh đất
chạy theo Bãi Trường của tư nhân “băm” nát bờ biển bằng hàng rào lấn chiếm, lại
cấm du khách mon men bãi cát sát mép nước… Tình hình đó khiến vị giáo sư già
Nguyễn Ngọc Trân, một chuyên gia kỳ cựu về biến đổi khí hậu - phải thốt lên là
“Phú Quốc lo”. Ông tỉ mỉ tìm đến nhiều góc trên đảo để ghi nhận, chụp ảnh và
gửi phản ảnh của mình cho báo chí.
Một vấn đề khác
của Phú Quốc hiện nay là điện thế nào, kéo cáp ra sao? Nước sinh hoạt thì nguồn
nước ngọt tại chỗ là hữu hạn; từ Bắc đến Nam đảo phát triển thế nào để không
phá vỡ cảnh quan, những nét tự nhiên chỉ Phú Quốc mới có. Dù được quan tâm của
Chính phủ với nhiều cơ chế đặc thù (Quyết định 178/2004/QĐ-TTg), song nhìn
chung tốc độ phát triển của huyện đảo vẫn chậm. Vẫn chỉ là làng chài nghèo,
những CSSX nước mắm, đồ trang sức, mỹ nghệ truyền thống nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng
kỹ thuật và xã hội lạc hậu. Các chính sách hiện hành chưa đủ để tạo ra bước đột
phá trong phát triển huyện đảo. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý
và chính sách đặc thù áp dụng cho đảo Phú Quốc là rất bức thiết.
PGS.TS Nguyễn
Minh Phương, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước Bộ Nội vụ, cho biết: Việc nghiên
cứu thành lập ĐK Phú Quốc trực thuộc TƯ không chỉ cần thiết đối với sự phát
triển KT-XH của Phú Quốc hoặc tỉnh Kiên Giang, mà còn có ý nghĩa quan trọng góp
phần cung cấp luận cứ khoa học để thiết lập chính quyền địa phương theo yêu cầu
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng “Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của
chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo”.
Phú Quốc chưa phát triển được: Do thể chế?
TS. Trần Du
Lịch nói: “Phú Quốc chưa phát triển được là do thể chế. Nếu có thể chế tốt,
không sợ thiếu tiền để đầu tư phát triển huyện đảo. Trước mắt cần tháo gỡ cái
vướng lớn nhất của đảo là tình trạng đầu cơ đất; giá đất ở đây đang thoát ly
rất xa giá trị thực tế của nó. Không triệt đầu cơ đất, Phú Quốc không phát
triển được”. TS Trần Du Lịch còn dẫn chứng một nghịch lý khác ở huyện đảo là,
chi phí điện chiếm rất cao trong hoạt động SXKD, đơn cử chi phí điện chiếm 20%
tổng chi phí hoạt động của khách sạn. Vấn đề bức thiết khác là Phú Quốc đang
lãng phí tài nguyên nước ngầm khá lớn. Để giải quyết khó khăn trước mắt, trong
thời gian chờ Đề án được phê duyệt, TƯ cần cho đảo ứng kinh phí mua lại đất,
đầu tư hạ tầng và đưa ra giá cạnh tranh, tránh tình trạng “loạn” giá như hiện
nay; hỗ trợ Phú Quốc đầu tư các công trình, dự án hạ tầng thiết yếu...
Theo dự thảo Đề
án xây dựng ĐK Phú Quốc, xây dựng “Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, nghỉ
dưỡng, trung tâm công nghệ, tài chính, thương mại, giải trí, giao thương quốc tế
hiện đại của cả nước và quốc tế…”. PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho rằng với mục
tiêu này, dự thảo Đề án cần làm rõ hơn các tiềm năng, lợi thế để đảo Phú Quốc
phát triển thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc TƯ. Tính đến khả năng
thu hút đầu tư, cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế; các tác động ảnh hưởng
tích cực và tiêu cực đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội khi thành
lập đặc khu.
“Đặc khu hành chính” là mô hình đã được các
nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất từ nhiều năm qua, nhưng chưa thể thí điểm. Do
vậy, việc xây dựng đề án này vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong bối cảnh
các phương án khác nhau về chính quyền địa phương được đề xuất trong dự thảo
Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đều có quy định: “Việc thành lập đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính ở hải đảo do luật định”. TS. Nguyễn Xuân Cường,
Phó trưởng Ban kinh tế TƯ cho rằng, Đề án đưa ra mô hình hành chính đặc biệt
khá mới mẻ, nước ta chưa có tiền lệ. Do vậy, ban soạn thảo đề án cần nghiên cứu
sâu hơn mô hình kinh tế đặc thù của các quốc gia đã thành công (Trung Quốc, Hàn
Quốc). Đã xác định là ĐK thì quy hoạch phải mang tầm quốc tế. Bởi năm 2015, các
hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của
nước ta, nên cần quy hoạch phù hợp, tính đến tính thời đại, khả thi, hấp dẫn.
Yêu cầu của ĐK là các thiết chế hoạt động phải đạt công nghệ cao, đời sống ở
mức cao nhất, môi trường ở mức sạch cao nhất… Cần làm rõ nội hàm đặc khu hành
chính trực thuộc TƯ.
Theo TS.Trần Du
Lịch, khi xây dựng ĐK phải hiểu là xây dựng “quốc gia trong quốc gia”, ở đó
thậm chí áp dụng hệ thống pháp luật riêng. Đây là triết lý phát triển khi xây
dựng ĐK. Vấn đề ĐK Phú Quốc đã bàn nhiều năm nay, nhưng chưa làm được, nếu chấp
nhận như thế thì mô hình mới phát triển được. Dường như trong đề án chưa đề cập
rõ nội dung này, mà chỉ cố gắng tạo ra một số chính sách đặc thù so với mặt
bằng thể chế và chính sách hiện hành của chúng ta. ”Muốn cạnh tranh, phải so
sánh với bên ngoài, không nên so ta với ta!”. TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. Ông
cũng cho rằng, xây dựng mô hình tổ chức chính chính quyền ĐK trực thuộc TƯ,
nhưng chính quyền phải là 1 cấp, thực hiện vai trò tự chủ. Chính quyền ĐK có tư
cách pháp nhân, nhưng cần làm rõ là một “pháp nhân công quyền”, tuy có các đặc
điểm về pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự, nhưng khác với các pháp
nhân dân sự, vì thực thi một phần quyền lực của nhà nước. Đây là điểm đột phá
về địa vị pháp lý của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tính tự chủ, tự chịu
trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cần làm rõ 4 lĩnh vực của chính quyền ĐK:
thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tài chính công; bộ máy tổ chức
và nhân sự; quản lý nhà nước phải phân định rõ phần việc nào của TƯ, phần nào
của chính quyền ĐK để tăng tính chịu trách nhiệm, tự chủ, xóa cơ chế xin cho.
Phú Quốc phải “lột xác” để nắm bắt cơ hội!
Các chuyên gia
đồng tình rằng, cần thể chế riêng cho ĐK hành chính, thoát khỏi cơ chế ràng
buộc cũ; bởi có như vậy, Phú Quốc mới phát triển toàn diện. Vấn đề là cần rà
soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng thể chế phù hợp. Đồng
thời, phải tính đến cơ chế thu hút các ngành công nghệ đặc thù, công nghệ cao;
nguồn nhân lực cho sự phát triển. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Hà Thanh Toàn,
Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Con người là nhân tố quan trọng quyết
định sự thành công của mô hình chính quyền ĐK. Trường ĐHCT sẽ đồng hành cùng
Phú Quốc trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát
triển mới”…
Cơ chế, mô hình
hiện nay (theo QĐ 174) không còn phù hợp để phát triển Phú Quốc. Trong 10 năm
qua, tổng mức đầu tư cho huyện đảo trên 15.000 tỷ đồng, nhưng không đủ để làm
bàn đạp cho Phú Quốc phát triển, vì CSHT vẫn còn lạc hậu, nghèo nàn. Phú Quốc
ngoài tiềm năng kinh tế biển, du lịch… còn có vị trí đặc biệt về an ninh quốc
phòng trên biển Tây; và nếu được đầu tư tốt, không chỉ phát triển cho Kiên
Giang mà cho toàn vùng ĐBSCL và cả nước. Tuy nhiên, “Cơ chế, chính sách để phát
triển Phú Quốc là vấn đề trăn trở của địa phương. Hiện đa phần diện tích trên
đảo được quy hoạch phát triển du lịch, để tạo nguồn thu cho huyện, nhưng phần
lớn là đất nông nghiệp!”. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn băn khoăn.
“Phú Quốc nhiều
tiềm năng, nhưng chưa phát huy được hết, và cần có bộ cơ chế, chính sách đặc
biệt: đột phá trong tổ chức cấp chính quyền, thống nhất thể chế hoạt động!”. Phó
Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, nhấn mạnh như vậy, và khuyến nghị tỉnh Kiên
Giang cần chủ động phối hợp cùng Tổ công tác nghiên cứu các đóng góp của các nhà
khoa học và đề xuất cơ chế.
Huyện
đảo Phú Quốc có tổng diện tích tự nhiên 59.305ha, gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ nằm
trong Vịnh Thái Lan, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc (diện tích 56.700ha).
Phú Quốc có diện tích mặt giáp biển với các nước ASEAN, rất gần với các trung
tâm du lịch phát triển và công nghiệp như: Thái Lan, Malaysia, Singapore …
Nhận xét
Đăng nhận xét