Chuyển đến nội dung chính

ĐBSCL - trồng lúa hay trồng màu?

Bài 1: Thách thức sản xuất nông nghiệp

SGGP, Thứ năm, 03/04/2014, 00:42 (GMT+7)
Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang gặp khó khăn, có lẽ những người thường có ý kiến “phải bảo vệ diện tích đất trồng lúa” cũng phải đắn đo. Đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện về chiến lược phát triển cây lúa, có giải pháp đồng bộ thay vì chỉ tập trung vào mũi xuất khẩu gạo để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập nông dân.
        Nghịch lý cây lúa - hạt gạo
Theo Bộ NN-PTNT, với hơn 1,6 triệu ha lúa đông xuân, ĐBSCL sẽ đạt sản lượng khoảng 11,5 triệu tấn. Với mức giá 4.200 - 5.000 đồng/kg lúa tươi (tùy loại) hiện nay, đây là sự thất vọng não nề của hàng triệu nông dân ĐBSCL. Cần phải hiểu, vụ đông xuân là vụ lúa chính trong năm (sau đó là hè thu, thu đông), nên nông dân đặt kỳ vọng vào vụ lúa này rất lớn. Song những kỳ vọng sau gần 100 ngày lui cui trên đồng của nông dân đang rơi vào thế bế tắc. Đây là điều mà nhiều người đã dự đoán khi xuất khẩu gạo đối diện nhiều khó khăn. Gánh nặng lo đầu ra có thể chồng chất khi “nông dân chưa thu hoạch hết lúa đông xuân thì hàng loạt ở nhiều địa phương đã xuống giống tiếp lúa hè thu”, như lo lắng của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát bày tỏ.
Nông dân trồng rau màu lo lắng vì đầu ra bấp bênh. Ảnh: BÌNH ĐẠi
Không ai có thể phủ nhận trong nhiều thời điểm khó khăn, sản xuất nông nghiệp, trong đó then chốt là cây lúa, đã trở thành trụ đỡ cho an sinh xã hội. “Vựa lúa ĐBSCL đã đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực của cả nước. Năm 2013, sản lượng lúa trong vùng tiếp tục tăng, đạt sản lượng khoảng 25 triệu tấn. So với thời điểm năm 1975 chỉ đạt 4 triệu tấn, thành tựu tăng sản lượng khoảng 6 lần là rất đáng trân trọng” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định.
Tuy nhiên, đi ngược với việc gia tăng sản lượng lúa, đời sống nông dân càng ngày lại càng bấp bênh. “Nông dân trồng lúa luôn đối diện nhiều rủi ro, giá bán lúa có khi thấp hơn giá thành sản xuất. Mặn xâm nhập, khô hạn, hay mới xuống giống lúa bị mưa chụp là mất trắng. Chỉ cần một trong những điều trên xảy ra là nông dân phải đi vay nóng” - anh Trần Văn Thức, huyện Long Mỹ, Hậu Giang, cho biết. Nguyên nhân rủi ro trong sản xuất lúa là do nông dân thiếu vốn sản xuất, phải mua phân, thuốc trừ sâu theo dạng “công nợ”, chịu lãi suất khoảng 3%/tháng. Những yếu tố trên thường buộc nông dân phải bán lúa “khẩn” để trang trải nợ nần. 

Chuỗi giá trị lúa - gạo ở ĐBSCL hiện nay là một hệ thống kết nối các phân khúc từ cung cấp đầu vào, trồng trọt và thu hoạch, chế biến (xay xát, lau bóng), phân phối và tiêu thụ. Các tác nhân tham gia gồm nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, công ty cung ứng, công ty xuất khẩu, mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Tham gia vào chuỗi còn có các ngành liên quan, các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và thể chế hỗ trợ. Các chuyên gia lúa gạo cho rằng, điểm yếu nhất trong chuỗi là những người trồng lúa. Đó là một tập hợp rời rạc của hàng triệu nông hộ sản xuất trên mảnh ruộng của mình. Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mưa bão, lũ lụt nên nông dân trở thành nhóm yếu thế nhất, rất dễ bị tổn thương. Nông dân cũng không được bảo hiểm rủi ro, thiếu tài sản, trình độ học vấn thấp nên không có khả năng tiếp cận tín dụng. Khi giá lúa tăng, họ cũng không phải là người được hưởng lợi trọn vẹn, nhưng khi giá lúa sụt giảm thì thiệt hại trực tiếp rất lớn.
Giá lúa thấp nhưng nhiều nông dân phải bán lúa tại ruộng để trang trải chi phí. Ảnh: CAO PHONG
        Không dễ chuyển đổi
Dù dự báo thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2014 sẽ đầy khó khăn, nhưng nhiều địa phương như Long An, Kiên Giang, Trà Vinh vẫn phải để nông dân tăng thêm 13.000ha lúa đông xuân so với năm ngoái. Điều này cũng dễ lý giải. Lâu nay, hàng loạt công trình thủy lợi quan trọng đều tập trung vào cây lúa như “Ngọt hóa bán đảo Cà Mau” hay “Thoát lũ ra biển Tây”, “Đê bao kiên cố” ở các tỉnh đầu nguồn nhằm sản xuất lúa 3 vụ/năm, thậm chí có nơi sản xuất 7 vụ/2 năm. Năm 2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 7 triệu tấn xuống còn 6,5 triệu tấn. Như vậy, trong nhiều năm tiếp theo Việt Nam vẫn phải giải quyết đầu ra cho khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu (tương đương 12 - 13 triệu tấn lúa).

Trong khi đó, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lại thiếu trầm trọng và nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi hàng năm nước ta lại phải nhập khẩu một lượng lớn bắp và đậu nành để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo Cục Trồng trọt, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tiếp tục khan hiếm, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. 50% - 60% nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc (bắp, đậu nành) phải nhập từ nước ngoài. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn bắp hạt; 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành; 600.000 tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác. Với tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3 tỷ USD, tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo. 
Nông dân Lai Vung (Đồng Tháp) trồng đậu nành. Ảnh: HUỲNH LỢI
Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bộ NN-PTNT đã đưa ra tiêu chí đến năm 2015, sản lượng bắp đạt 6 triệu tấn bắp hạt và đến năm 2020 ổn định 7,5 triệu tấn. Như vậy, so với sản lượng bắp cả nước năm 2012, hiện nay đang thiếu ít nhất 1,7 triệu tấn bắp hạt mỗi năm. Vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, do sự sắp xếp cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng chuyển đổi chưa phù hợp nên việc gia tăng diện tích còn gặp nhiều khó khăn, chậm phát triển. 

Câu hỏi “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” trong mãi 2 thập niên qua vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Ngoài lúa gạo, một số nông sản khác có giá trị rất cao như: rau quả, hoa cảnh, tôm, cá tra… cho thu nhập vài tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, đa số nông dân không dễ tiếp cận mô hình sản xuất mặt hàng này do nguồn vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật cao, trong khi về thổ nhưỡng đất đai không phải nơi nào cũng trồng được.
Theo Bộ NN-PTNT, đến năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ quy hoạch chuyển đổi 112.000ha đất gieo trồng lúa sang trồng bắp, đậu nành, rau màu… Bộ NN-PTNT cũng đang đề nghị hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đất chuyển đổi để hỗ trợ mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu; hỗ trợ khâu làm đất 700.000 đồng/ha. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải chọn loại cây trồng nào cho phù hợp và phải đảm bảo đầu ra. Đây là một bài toán khó khi đầu ra cây lúa không đảm bảo, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác thì chưa biết được khâu tiêu thụ ra sao.


Bài 2: Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Thứ năm, 03/04/2014, 23:58 (GMT+7)
Thực tế thời gian qua, một số địa phương ở ĐBSCL đã chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang luân canh cây màu mang lại hiệu quả cao hơn so với độc canh 3 vụ lúa/năm. Thế nhưng khi đề cập đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện rộng thì các tỉnh đều e ngại đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh… nhất là sự gắn kết giữa nông dân trồng màu với doanh nghiệp tiêu thụ.
Trồng thanh long xông đèn ở Long An cho lợi nhuận 300 - 500 triệu đồng/ha.
Hiệu quả bước đầu
Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) được mệnh danh là “vương quốc rau màu” ở ĐBSCL với diện tích sản xuất mỗi năm lên đến 10.000ha. Ông Khúc Văn Bi, ở ấp Hưng Thành, xã Tân Hưng, khoe rằng: “Mới tháng rồi, tôi thu hoạch 15 công khoai lang tím Nhật, đạt năng suất 50 tạ/công, bán giá 860.000 đồng/tạ; trừ hết các khoản chi phí còn lời hơn 450 triệu đồng, mức lợi nhuận khá lớn đối với nông dân. Nếu trồng lúa vụ đông xuân được mùa, được giá, lợi nhuận cũng chỉ 2 - 3 triệu đồng/công; trong khi vụ khoai lang của tôi vừa qua đạt lợi nhuận bình quân tới 30 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần so với lúa”. Ông Huỳnh Văn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân quả quyết: “Mô hình trồng khoai lang xuất khẩu đã giúp nhiều hộ ở vùng nông thôn Bình Tân từ khó khăn vươn lên khá giả, trong đó không ít hộ làm giàu”. Mấy năm qua, từ khi phong trào trồng khoai lang xuất khẩu phát triển đã kéo theo rất nhiều cái lợi. Ai đất nhiều, vốn nhiều thì tập trung đầu tư mở rộng diện tích khoai; ai vốn ít đất ít thì cho thuê đất với giá 6 triệu đồng/công/năm cũng có thu nhập ổn định. Đặc biệt, nghề trồng khoai lang xuất khẩu bây giờ sản xuất quanh năm nên giải quyết được một lượng lớn lao động làm thuê với giá 150.000 - 300.000 đồng/người/ngày.
Không chỉ khoai lang, ở ĐBSCL có nhiều mô hình trồng bắp lai, đậu nành, mè, rau màu các loại thay thế cho lúa hè thu đạt hiệu quả rất cao. PGS-TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết: “Từ 10 năm trước chúng tôi đã nghiên cứu hiệu quả việc trồng màu trên đất lúa hè thu. Theo đó, tại vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, các mô hình trồng dưa hấu, bắp lai, khoai mỡ, bí đỏ… hiệu quả cao hơn lúa hè thu từ 1,3 đến 292%”. Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết: “Qua nghiên cứu thực tế, trồng mè cho lợi nhuận khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/vụ; khoai lang 250 triệu đồng/ha/vụ; đậu bắp 70 triệu đồng/ha/vụ; dưa lê 170 triệu đồng/ha/vụ; huệ 150 - 180 triệu đồng/ha; nấm rơm 200 - 240 triệu đồng/ha/vụ… Tất cả đều cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy, huyện đã quy hoạch vùng ven sông Hậu tập trung cho rau màu”.
Ủng hộ chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết: “Gần đây Long An đã chuyển khoảng 2.000ha đất lúa sang trồng thanh long rất hiệu quả. Những hộ trồng thanh long xông đèn ở huyện Châu Thành thu lời 300 - 500 triệu đồng/ha. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng chuyển đổi 300ha đất lúa vụ 3 sang trồng cây mè; huyện Đức Hòa chuyển 200ha sang trồng bắp lai; huyện Bến Lức chuyển 500ha mía sang trồng chanh… Tất cả đều cho thu nhập cao hơn lúa”.
Xác định mô hình sản xuất
Rõ ràng, hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi các loại cây trồng khác trên đất lúa thời gian qua khá cao. Song, thực tế cho thấy phần diện tích chuyển đổi quá nhỏ so với tổng diện tích canh tác lúa của ĐBSCL. Đa số chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình sản xuất, hoặc người dân tự chuyển đổi theo cách đơn lẻ, quy mô nhỏ, thiếu liên kết, không tập trung… Đặc biệt, đầu ra của các sản phẩm chuyển đổi thường rơi vào trạng thái “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”; và việc tiêu thụ lệ thuộc chủ yếu vào thương lái nên tính bền vững chưa cao. Ông Nguyễn Văn Năm, ở xã Mỹ Phước, huyện Măng Thít (Vĩnh Long) nói: “Mấy năm trước, trồng dưa hấu lời 30 - 40 triệu đồng/ha, nhưng vụ này hàng loạt hộ lỗ vì rớt giá. Có lúc giá dưa còn 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng thương lái không mua”. Hàng loạt nông dân ở TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… trồng bắp cải suốt 1 tháng qua giá xuống thấp, nhiều người đành bán đổ bán tháo, thậm chí bỏ phế ngoài rẫy.
Hiện tại nông dân trong nước trồng đậu nành phải bán từ 17.000 - 18.000 đồng/kg mới có lãi, trong khi giá mà các doanh nghiệp nhập về chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Cạnh tranh không lại nên diện tích đậu nành trong nước giảm mạnh trong vài năm gần đây. Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc DNTN Cỏ May (Đồng Tháp) phân tích: “Ở Argentina khi thu hoạch đậu nành họ chế biến dầu ăn, bơ… sau đó lấy xác đóng bánh làm thức ăn gia súc nên thu lợi cao. Còn ở Việt Nam chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ đậu nành nên giá thành sản xuất cao, nông dân khó có lãi vì chỉ bán nguyên liệu”.
Thêm cái khó hiện nay trong việc phát triển cây màu là thiếu hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng yếu kém. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, băn khoăn: “Mối liên kết 4 nhà hiện nay chưa chặt chẽ, số doanh nghiệp bao tiêu cho rau màu còn rất ít. Do đó, dù nói hàng năm cả nước nhập gần 3,5 tỷ USD nguyên liệu chế biến thức ăn, nhưng sản xuất trong nước vẫn khó tiêu thụ do giá thành cao nên không thể cạnh tranh hàng ngoại nhập”. Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất là nhu cầu cấp bách đặt ra. Song, để chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu hoặc cây con khác có hiệu quả thì không thể làm tràn lan, mà nên phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương. Bước đầu phải thu hút được doanh nghiệp nhảy vào cùng đầu tư với nông dân, tiến tới xây dựng “cánh đồng liên kết” cho các sản phẩm này. Khi sự chuyển dịch gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ thì mới đem lại hiệu quả lâu dài trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.



Nhân rộng mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong tái cơ cấu nông nghiệp
Chiều 3-4, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030”. Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có kỹ năng sản xuất và quản lý; đẩy mạnh đào tạo nghề phi nông nghiệp và chuyển dịch lao động nông thôn ra khỏi khu vực nông nghiệp xuống khoảng 50% vào năm 2020.
Trong tái cơ cấu nông nghiệp thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng. Điều đáng mừng là gần đây nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp nhằm có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu. Vấn đề là có chính sách dài hạn đầu tư các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp… Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, sản xuất nông nghiệp hiện nay còn khó khăn do thường xảy ra “được mùa rớt giá”. Do đó, khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phát huy thế mạnh sẵn có như cá tra, lúa gạo, trái cây… Và đề án cần đi vào cụ thể từng sản phẩm, sản xuất gắn với thị trường, nâng cao vai trò hợp tác, liên kết trong sản xuất để ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập nông dân.

Bài 3: Sử dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên

Thứ sáu, 04/04/2014, 23:03 (GMT+7)
Tái cấu trúc nền nông nghiệp nước ta hiện nay là phải xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực, tái cơ cấu ngành trồng lúa, yêu cầu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và nâng cao đời sống nông dân là yêu cầu hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
        Căn cơ bài toán quy hoạch
Chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là vấn đề thời sự ở của mỗi gia đình làm nông ở khu vực ĐBSCL. Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi tư duy về cây lúa. Chúng ta có quyền tự hào về thành tích xuất khẩu gạo, cũng hoàn toàn có lý khi quyết tâm giữ 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng giữ đất lúa không có nghĩa tất cả đều phải trồng lúa, để rồi lãng phí cơ hội phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị hơn như bắp, đậu nành, thủy sản, gia súc. 

“Nếu những vùng đất kém hiệu quả được chuyển sang trồng bắp và đậu nành, trồng cỏ thì chúng ta không phải tốn 3 - 4 tỷ USD mua thức ăn chăn nuôi mỗi năm, hơn 7 triệu con trâu, bò trong nước không phải thiếu thức ăn, thịt bò Việt Nam không bị thịt bò Australia, New Zealand ép giá”, một chuyên gia nhận định. 
Nông dân huyện An Phú (An Giang) chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng bắp. Ảnh: HUỲNH LỢI
“Cây lúa là một lợi thế ngàn đời, gạo vẫn là số một trong nông nghiệp. Vấn đề là chúng ta phải làm tốt việc xúc tiến thương mại, điều hành việc xuất khẩu hợp lý để tìm đầu ra ổn định, giữ được giá trị hạt lúa”, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tham gia cánh đồng mẫu ở ĐBSCL hoàn toàn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo.
GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất: “Mô hình cánh đồng mẫu lớn nên thực hiện theo Nghị quyết 26, trong đó có phần nói về công ty cổ phần nông nghiệp, nghiên cứu cách làm mới hơn, không phải đơn thuần chỉ là việc góp vốn. Người nông dân có sức lực, lao động và có sản phẩm làm ra có thể đóng góp, mua cổ phần bằng chính sản phẩm làm ra. Như vậy, nông dân mới làm hết sức để vừa mua cổ phần vừa bán sản phẩm của mình, gắn bó thật sự lâu dài với công ty”.

Rõ ràng về quy hoạch, cần tính toán bài toán tổng thể ngay từ đầu: Sản xuất lúa bao nhiêu để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại bao nhiêu lúa hàng hóa. Diện tích nào cần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Qua khảo sát nghiên cứu cho thấy có 20 - 25 huyện thuộc 13 tỉnh, thành trong vùng có thể sản xuất lúa hàng hóa tốt. 

Tâm huyết với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn cho rằng: Phải đầu tư cho cây thức ăn chăn nuôi (bộ phận không thể tách rời của nội hàm an ninh lương thực), cây công nghiệp lâu năm, cây rau, hoa quả với những chính sách khuyến khích, tạo đòn bẩy để hỗ trợ phát triển.
        Thiết kế lại chính sách
Theo PGS-TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), để giúp việc chuyển đổi đưa cây màu vào sản xuất ở ĐBSCL có hiệu quả và bền vững cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, tích cực của ngành nông nghiệp; liên kết với doanh nghiệp đầu vào: Cung ứng giống, vật tư và doanh nghiệp đầu ra; bao tiêu sản phẩm. Nhà nước quy hoạch vùng và cây trồng, vụ trồng thích hợp, liên kết nông dân thành cánh đồng mẫu lớn để dễ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trạm bơm điện, đê bao…). Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong việc tham gia cánh đồng mẫu lớn cho cây màu.
Nghiên cứu về chính sách tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất. Nhà khoa học xác định giống và quy trình canh tác tiên tiến có áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. Tăng cường công tác nghiên cứu giống mới, quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học và bền vững. Đẩy mạnh khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền, tập huấn cho nông dân. Nhà nông chủ động liên kết sản xuất; học hỏi nắm bắt thông tin kinh tế, thị trường, khoa học kỹ thuật…
Tất cả các vấn đề trên nhằm mục đích tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành; đảm bảo cạnh tranh với giá nông sản nhập khẩu và hiệu quả kinh tế phải cao hơn sản xuất lúa. Có như vậy mới đảm bảo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở ĐBSCL có hiệu quả và bền vững ở quy mô lớn. 

Theo PGS-TS Phạm Văn Dư (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT), việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên (đất, khí hậu, nguồn nước) với mức đầu tư thấp nhất (vốn, lao động, vật tư) để đạt được năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất là việc làm thiết thực.
Về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, PGS-TS Phạm Văn Dư nhấn mạnh: Phải chú trọng phát triển công nghệ chế biến tiêu thụ sản phẩm. Gắn liền việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả phải đẩy mạnh gia tăng các sản phẩm chế biến, chú trọng gia công và chất lượng sản phẩm xuất khẩu, giảm xuất khẩu hàng chế biến thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến bằng công nghệ mới. Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên cơ sở phát huy những lợi thế riêng của địa phương để giảm tỷ lệ nhập từ ngoài nước.
Phát triển công nghiệp chế biến rau quả, nước giải khát cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gắn với chương trình phát triển rau quả. Phát triển các hoạt động tín dụng nhằm cung cấp vốn ngắn hạn cho nông dân và vốn trung hạn, dài hạn cho các hộ có điều kiện phát triển dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Theo các chuyên gia, để tạo ra cú hích mạnh cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thì ngay từ bây giờ các địa phương phải nhanh chóng tiến hành quy hoạch, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và tập trung đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác, tập quán sản xuất, điều kiện đất đai của từng vùng để nông dân tham khảo, áp dụng.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống cao sản, giống lai, giống có phẩm chất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà. Đồng thời, cần sớm thúc đẩy, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững trong việc tiêu thụ sản phẩm…
NHÓM PV

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Phải dẹp bỏ '"quy định riêng"

   TRẦN HỮU HIỆP Báo Tuổi Trẻ - 30/08/2021 11:25 GMT+7 TTO - Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế sáng 26-8 - Ảnh: CHÍ CÔNG Mấy ngày qua, đã xảy ra tình trạng xe chở hàng ùn ứ ở cửa ngõ Cần Thơ. Giao thông "luồng xanh" bị ách tắc tại đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. Các địa phương phàn nàn, nhiều doanh nghiệp kêu than, hiệp hội ngành hàng bức xúc kêu cứu, kiến nghị tháo gỡ... "Quy định riêng" của TP Cần Thơ đối với hàng "quá cảnh", dù đã đảm bảo các yêu cầu chung về phòng dịch và được "thông chốt" khi qua các địa phương khác, nhưng khi vào địa bàn thành phố vẫn phải thực hiện các thủ tục khai báo trước với các sở ngành và buộc phải tập kết hàn