Chinhphu.vn. 05:04 CH, 03/04/2014
(Chinhphu.vn) - Đồng Tháp phải mạnh dạn lựa chọn các mô hình liên kết sản xuất các ngành hàng nông sản để thí điểm thực hiện nhằm phát huy hơn vai trò của kinh tế hộ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu trong cuộc họp cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, chiều 3/4. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã nhấn mạnh yêu cầu này trong cuộc họp cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Là tỉnh đầu tiên trong vùng ĐBSCL xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở vững mạnh.
Đề án của Đồng Tháp xác định 5 ngành hàng nông, thủy sản chủ lực gồm lúa gạo, cá tra, vịt, xoài và hoa cây cảnh. Cùng với Đề án chung của toàn tỉnh, Đồng Tháp cũng có kế hoạch xây dựng 10 đề án chi tiết gắn với việc phát triển 5 ngành hàng trên, hoàn toàn do thị trường quyết định.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị phải có đột phá về thể chế để xây dựng mối liên kết bền chặt trong nông dân và thu hút sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp ngay từ khâu sản xuất ban đầu.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá đây là một Đề án táo bạo khi không chỉ đặt ra mục đích thay đổi tư duy, cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp mà còn đặt ra cả các vấn đề sắp xếp dân cư trên địa bàn. Câu chuyện xác định quy hoạch sản xuất của Đồng Tháp nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung, thì không phải riêng Đồng Tháp có thể làm được mà các bộ, ngành cần vào cuộc cùng với địa phương thực hiện.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh mạnh dạn lựa chọn các mô hình liên kết sản xuất các ngành hàng nông sản để thí điểm thực hiện nhằm phát huy hơn vai trò của kinh tế hộ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng thương hiệu nông sản của vùng. Được biết một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thuê đối tác nước ngoài xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu.
Nhận xét
Đăng nhận xét