HỮU HIỆP - TRƯỜNG CA
09:37 28/03/2014
BizLIVE - Tái cơ
cấu ngành sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL đang là một đòi hỏi bức xúc. Nhưng
phải bắt đầu từ đâu? Ai làm và làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Sự khốc liệt của "cuộc
chiến nông nghiệp"
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê
duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát
triển bền vững. Ở ĐBSCL, một số địa phương cũng đã xây dựng đề án tái cơ
cấu ngành nông nghiệp riêng để triển khai nhằm mục tiêu vực dậy nền nông
nghiệp, cải thiện đời sống của người dân.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của
Chính phủ ra đời trong bối cảnh năng suất và sản lượng lúa gạo của ĐBSCL liên
tục tăng trưởng nhanh. Sau hơn 20 năm, sản lượng lúa từ hơn 9 triệu
tấn (năm 1990) lên gần 25 triệu tấn (năm 2013), tổng kim ngạch xuất khẩu gạo
luôn chiếm khoảng 90% cả nước.
Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng nhưng
hiệu quả kinh tế của ngành mang lại hạn chế, giá trị sản phẩm chưa cao. Những
người nông dân vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.
Theo Bộ Tài chính, hiện người trồng
lúa đang “chịu thiệt kép” khi xuất khẩu đang gặp khó khăn. Từ đầu tháng 3/2014,
giá lúa giảm hàng tuần. Sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL hiện nay như “cây đòn
gánh”. Một đầu gánh nặng nguyên liệu, vật tư, phân bón, chi phí ngày càng cao;
đầu kia là tiêu thụ bấp bênh, giá thấp.
Người trồng lúa vừa gánh, vừa bị lắc
lư trong thế dễ ngã. Đó là bức xúc nổi lên, nếu chậm được khắc phục, thì “kỳ
tích lúa gạo” - thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới - sẽ chỉ là quá khứ.
Bên cạnh đó, sản xuất gạo sản lượng
lớn không hẳn là giải pháp cho an ninh lương thực và giúp nông dân làm giàu.
Muồn làm giàu, họ cần có cách tiếp cận đa ngành. Trong đó, rất cần có sự phân
biệt rõ ràng giữa đáp ứng cho mục tiêu chính trị - xã hội - công cộng và kinh
tế - thương mại – tạo lợi nhuận hợp lý và bền vững cho người trồng lúa.
Tái cơ cấu: Bắt đầu từ đâu?
Trước những khó khăn của ngành lúa
gạo mà người nông dân đang gặp phải, tái cơ cấu là cần thiết. Song tái cơ ngành
trồng lúa" bắt đầu từ đâu? Câu trả lời có lẽ phải bắt đầu bằng cụm từ
"đổi mới tư duy làm nông nghiệp".
Tái cơ cấu ở vùng trọng điểm lúa số
1 của cả nước cần được bắt đầu từ chính những yếu kém nội tại và tận dụng lợi
thế của vùng này trước thách thức cạnh tranh nông nghiệp ngày càng gay gắt, ứng
phó với biến đổi khí hậu.
Hơn cả tái cơ cấu, đây cần phải là
cuộc "lột xác" thật sự. Nó phải được tiến hành bằng tư duy mới, tư
duy khoa học và thực tiễn, chính sách dài hạn phải được quan tâm hơn là những
đối phó ngắn hạn.
Nó phải là quá trình hiện đại hóa
ngành sản xuất lúa gạo gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp hàng chục
triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành "doanh nhân nông
nghiệp", làm giàu được bằng chính nghề nông của mình.
Khó có thể có "cuộc chuyển đổi
lớn" mang tính cải cách mạnh mẽ, trong khi vẫn còn đó những "cản
trở" về chính sách đất đai, thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật cho sản
xuất hàng hóa lớn, mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh lương thực hài hòa về
lợi ích…
Không thể lắt nhắt một ít chính sách
trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học
kỹ thuật có tính đối phó ngắn hạn.
Việc "chuyển đổi" là cần
thiết, nhưng phải trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch, phân công, phân vai
và có trách nhiệm trong liên kết vùng, tạo giống mới cạnh tranh, nhằm tạo
ra mô hình tổ chức sản xuất và kinh doanh vượt chội so với hiện nay.
Nó rất cần tư duy hoạch định cơ chế,
chính sách đất đai, làm nông nghiệp, tổ chức sản xuất. Cái gì Nhà nước làm, cái
gì doanh nghiệp làm và thị trường điều tiết, cần chính sách tác động vào.
Về người nông dân ĐBSCL, họ cần được
giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh.
Việc giải phóng kiến thức phải được
đào tạo nghề bài bản, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành
hàng chủ lực của vùng (lúa gạo, trái cây và thủy sản); đồng thời với đào tạo
nghề phi nông nghiệp để tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông
thôn.
Đó là cách thức giúp nông dân không
chỉ đứng vững trên đồng ruộng, mà còn có thể làm giàu từ nông nghiệp, nông
thôn.
Nhận xét
Đăng nhận xét