Trần Hiệp
Thủy
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, lang thang trên đất Bắc, vãn
cảnh chùa Hương, tình cờ ghe câu ca vọng cổ với tiếng đờn bầu vẳng xa ở một góc
chùa.
Đờn độc
huyền âm thanh trầm bổng, réo rắt vui buồn, gợi nhớ xa xôi. Lời ca, giọng hát
phương Nam vang trên đất thủ đô, bảng lảng trong sương khói ban chiều như đưa
tôi về miền ký ức tuổi thơ miền Tây xưa một thời gian khó…
Thuở trước quê nghèo, xã
tôi chỉ vài người có máy hát đĩa, thâu băng. Ở cái xứ không điện, thắp đèn dầu,
máy “nghe, nhìn” chạy bằng pin, bình ácquy, nên người ta xài rất tiết kiệm. Nhớ
những đêm bơi xuồng đi ruộng, ngang nhà có máy thâu băng, nghe Minh Cảnh, Mỹ
Châu, Út Trà Ôn hát vọng cổ của Viễn Châu, tiếng đờn Văn Vĩ mà không dám khua
dầm để xuồng đi chầm chậm, chờ xuống hết câu vọng cổ. Thời khó khăn, ít được
nghe cải lương, vọng cổ trên truyền hình, trong máy thâu băng, thì nghe dân tài
tử đờn ca ngoài đời.
Viễn Châu được mệnh danh là ông vua viết lời vọng cổ (Trong
ảnh: Soạn giả Viễn Châu cùng vợ trong một bài vọng cổ)
Bác Ba, thím
Tám, thằng Năm trong xóm cũng thành danh với ngón đờn, chất giọng chẳng thua
kém gì dân chuyên nghiệp. Chị ruột tôi lấy chồng xóm trên, gia nhập luôn nhóm
tài tử gia đình gồm cha chồng, vốn là thầy đờn có tiếng, chồng chị là tay đờn
tài hoa, em chồng và chị tôi trở thành danh ca phục vụ đám cưới, đám ma, đám
giỗ hay tụ họp tùy hứng. Chất hào sảng, phóng khoáng của những con người phương
Nam như đọng lại, rồi bật ra từ tiếng đờn, lời ca vọng cổ.
Tôi đọc ở
đâu đó phân tích của một nhà phê bình âm nhạc, khi chơi một bản nhạc của
Mozart, Beethoven hay Chopin, thì người ta phải đánh ra bấy nhiêu nốt, ngừng
lại bấy nhiêu lâu, không sai một ly, chỉ có khác ở lối diễn tả bằng cảm xúc.
Còn đờn ca tài tử Nam Bộ, thì lại trao cho người chơi cái quyền “sáng tạo” ngẫu
hứng rất cao.
Từ căn bản,
nhịp nhàng của bài tổ, thì cùng một bài, người đờn, người hát khác nhau. Cùng
một người đờn, người hát, nhưng khi này, khi khác biểu diễn khác nhau. Đó chính
chất tài tử mà vẫn tạo ra cái thần của môn nghệ thuật dân gian này.
Những ngày
cuối tháng 4, đồng bằng quê tôi đang nô nức chờ đợi sự kiện lớn, chưa từng có ở
vùng đất này: Festival đờn ca tài tử – Một loại hình nghệ thuật độc đáo có một
không hai trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc được UNESCO vinh danh di sản
văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Từ thuở cha
ông đi mở cõi phương Nam, thuở “cọp rầm, sấu quậy”, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa
lềnh tựa bánh canh”, nay thành một dải đồng bằng hơn 18 triệu dân, nối sông
liền biển, là tâm điểm của 500 triệu dân ASEAN. Quê tôi, ngày ấy, bây giờ.
Vẫn tiếng
đờn, lời ca ấy, nhưng nay đã khác xưa khi cái bình dị thường ngày trong xóm,
ấp, được nâng tầm di sản nhân loại. Nhớ tiếng đờn, lời ca vọng cổ, như nhớ lời
cha ông, bao thế hệ phải giữ gìn, phát huy tài sản vô giá của nhân loại.
Nhận xét
Đăng nhận xét