Chuyển đến nội dung chính

Kỳ bí ngôi miếu cổ thờ Hoàng tử Ba Thắc trên bãi xương người ở Sóc Trăng

An NInh Thủ Đô Chủ nhật 06/04/2014 06:16

ANTĐ - Miền Tây Nam bộ, một vùng mênh mang đất, mênh mang nắng và chứa đựng những giá trị văn hóa phong phú từ nhiều nguồn gốc mà không phải cứ dùng những lý luận logic có thể giải mã được. Miếu Ba Thắc trên vùng đất Sóc Trăng là một ví dụ. Ngôi miếu thờ một hòn đá lớn có hình đầu người, trên mảnh đất có nhiều hài cốt cùng những huyền tích cũng như câu chuyện linh thiêng đã quyến rũ bao nhiêu nhà văn hóa và cả bao nhiêu thầy đồng cốt, thầy phù thủy… Nhưng những bí mật vẫn vĩnh viễn là bí mật.

Cổ miếu Ba Thắc


Ngôi cổ miếu huyền bí

Mới đây, những lời đồn đại về ngôi cổ miếu có chứa rất nhiều vàng bạc châu báu của một vị thế tử từ xa xôi trốn về đây nương náu sau cơn nội loạn đã kéo nhiều người chuyên tìm kho báu đến ngó nghiêng. Người ta còn kể chuyện có người còn bắt gặp hai người từ một nước phương bắc nửa đêm đi lại ngoài cổ miếu, tay cầm la bàn săm soi. Nhiều người còn lấy lý do đào xới xung quanh cổ miếu, nhưng kết quả chỉ có những hài cốt không đầy đủ của người xưa lộ ra. Những người trụ trì đành chôn cất những hài cốt không ai thừa nhận vào một ngôi mộ, gọi là mộ vô danh. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, nhiều người đã mang lễ vật đến đây cầu xin thánh thần phù hộ cho tai qua nạn khỏi, phúc lộc đầy nhà. Câu chuyện về một người mang lễ đến cầu lộc, xin một con số và chiều về mua xổ số theo số đuôi đồng tiền bốc ngẫu nhiên trên bàn thờ và trúng được giải độc đắc đã kéo thêm bao nhiêu người đến với cổ miếu Ba Thắc. Chẳng ai biết câu chuyện người trúng độc đắc có thật hay không, nhưng dân trong ấp Chợ Cũ ai cũng biết.

Chúng tôi đến cổ miếu Ba Thắc vào một ngày cuối tháng 3-2014. Con đường từ TP Sóc Trăng qua thị trấn Mỹ Xuyên chừng hơn 2 km nhìn thấy chiếc cổng thanh mảnh nhưng rất đẹp đề 4 chữ: “Ba Thắc cổ miếu”. Đi thêm vài trăm mét trên con đường bê tông chạy giữa đôi bờ cây trái trĩu quả, chúng tôi gặp cổ miếu. Dưới một gốc đề lớn, thân rộng mấy người ôm, ngôi cổ miếu nằm khiêm tốn, âm u mà linh thiêng. Ông Ngô Văn Minh, (SN 1951), Phó ban Trị sự quản lý ngôi cổ miếu cho biết: “Theo ông bà tôi kể lại, hồi xưa ngôi miếu cất bằng cây gỗ tạp theo lối kiến trúc cổ của người Kh’mer. Lúc đó, thưa người, cây cối rập rạm, ngôi miếu nhỏ nằm ẩn mình sâu trong góc rừng. Đến năm 1927, ngôi miếu hư mục nên ông Thái Chấn An (Hội trưởng Tế tự) bắt tay cùng ông Chánh tổng Lê Văn Hoạnh đứng ra vận động, quyên góp tiền bạc từ các thân hào để  sửa chữa, cất mới bằng xi măng cốt thép theo kiến trúc Triều Châu. Tổng diện tích xây dựng là 5.000m2. Thời đó, ông Hoạnh rất uy quyền nên việc quyên góp tiền bạc dễ dàng. Sau khi sửa chữa, trên tấm biển xi măng ở mái dựng chánh điện, thợ xây tạo hàng chữ Pháp: “Pagode de Bassac”, tức “Miếu thờ ông Bassac”. Trải qua một thời chiến tranh ác liệt, Ba Thắc cổ miếu bị hư hao do bom đạn nên được trùng tu lần cuối vào năm 1995. Chánh điện hiện thờ một hòn đá có tượng hình đầu người, theo truyền thuyết đó là đầu hóa đá của Hoàng tử nước Lào tên là Ba Thắc.

Nhưng những chuyện kỳ lạ nằm ở xung quanh ngôi cổ miếu. Theo rất nhiều người cao tuổi trong ấp Chợ Cũ, trước đây trong các hốc cây đề có một cặp trăn ngựa lớn, đầu to bằng chiếc bát, dài đến trên 10m. Dân trong ấp vẫn coi là cặp Thần xà. Cặp trăn này sống trong các hốc rỗng của thân cây đề, rất thân thiện với người. Tuy nhiên cách đây khoảng 10 năm, cặp trăn tự nhiên biến mất, nhiều người nói cặp trăn đã tu thành chính quả. Không phải chỉ gần đây khi có tin cổ miếu có kho báu, những người đào đất mới đào thấy hài cốt mà từ ngày xưa, thỉnh thoảng mưa gió cũng làm lộ ra nhiều hài cốt. Có thể nói cổ miếu này được xây dựng trên một mồ chôn tập thể rất nhiều người. Những hài cốt lộ ra chứng tỏ đã được chôn tại đây hàng trăm năm. Theo bà con địa phương, những xương cốt lộ ra có kích thước lớn hơn những hài cốt của dân địa phương, chứng tỏ, đây là hài cốt của những người từ nơi khác đến. Nhiều đời các cụ trông coi cổ miếu phải chôn cất các hài cốt xưa, thành những ngôi mộ vô danh xung quanh cổ miếu.

Hoàng tử Ba Thắc có thật hay truyền thuyết?

Những bô lão từ nhiều đời trước truyền miệng lại cho con cháu rằng, từ đầu thế kỷ 18, Công chúa nước Lèo (tức Lào) cãi lệnh vua cha yêu một tráng sĩ thường dân tên là Bak Sak. Vua cha tức giận ngầm sai người truy sát tráng sĩ. Công chúa nghe tin đã mật báo cho người yêu. Thế rồi hai người cùng một số gia nhân, tùy tùng lên thuyền chạy trốn. Họ xuôi theo dòng sông Mê Kông nhắm hướng hạ nguồn rong ruổi ngày đêm. Do người Lèo chỉ sử dụng loại thuyền đường sông, nên khi ra cửa biển Trấn Di (nay gọi là Trần Đề) họ bị sóng biển đánh đắm. Thế là Bak Sak, công chúa và nhóm gia nhân đành hạ trại định cư. Sau này, nơi đó được gọi là Sóc Lèo, có nghĩa là làng của người Lào (hiện nay, nơi đây có tên hành chính là ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú).

Bak Sak và Công chúa đi sâu vào đất Bãi Xàu (nay là Chợ Cũ, Mỹ Xuyên) khai phá rừng hoang xây dựng cơ ngơi. Ông Bak Sak là người có công mở cửa cảng giao thương Bãi Xàu rất sung túc tại đây vào thời điểm giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là một trong những trung tâm thương mại của vùng Hậu Giang, nơi tập trung nhiều thương nhân người Hoa và thương buôn từ các nước kéo đến. Khi ông Bak Sak mất, hài cốt được hỏa táng theo lễ nghi và xây tháp thờ tại chùa vua Bak Sak, tức chùa Bốn Mặt (cách miếu thờ Ba Thắc khoảng 500m). Để tưởng nhớ công khai phá vùng đất Bãi Xàu, đồng bào 3 dân tộc Kinh, Kh’mer và Hoa đã xây thêm 1 ngôi miếu thờ ông tức cổ miếu Ba Thắc. Bak Sak là cách gọi theo phiên âm tiếng Kh’mer, tiếng Pháp là Bassac. Còn Ba Thắc là cách gọi của người Hoa và người Kinh. Không nghe ai nhắc đến chuyện thờ bà công chúa Lào, vợ ông Bak Sak. Cũng không ai lý giải thỏa mãn nguyên do bàn thờ ông Bak Sak không tượng, không di ảnh mà chỉ có một viên đá hình đầu người.

Ngoài ra, cũng có những truyền thuyết khác như ông là người Lào đi du ngoạn đến vùng đất này thì bị bệnh và chết. Lại có suy luận cho rằng, ông là người Kh’mer hoặc người Hoa đến vùng này để giao thương mua bán và bệnh chết… Nhưng tất cả những truyền thuyết ấy đều không tìm được những căn cứ lịch sử để chứng minh. Có thể, ngôi cổ miếu này của những người chủ cũ của đất này lập ra, khi họ di cư đi nơi khác, những người dân Việt đến sau thấy có nơi thờ tự nên tiếp tục khói hương cho đến nay. Những huyền tích sinh ra trong quá trình biến động dân cư rất khó minh định.

Cổ miếu là nơi chôn cất quân Xiêm trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn?

Để giải mã bãi xương người trên nền đất cổ miếu Ba Thắc, nhiều nhà nghiên cứu đã nêu giả thuyết cho rằng, nơi đây từng là chiến trường quyết tử giữa quân Xiêm với quân Tây Sơn. Khoảng tháng Giêng năm Giáp Thìn (1784), vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tiên phong, thống lĩnh 2 vạn thủy quân và 300 chiến thuyền, hợp cùng 1.000 quân của Nguyễn Phúc Ánh từ Kiên Giang kéo lên Gia Định. Đồng thời vua Xiêm phái thêm 2 tướng Lục Côn và Sa Uyển phối hợp cùng với Chiêu Thùy Biện (một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm) đem hai đạo binh trên 3 vạn người, hành tiến sang Chân Lạp rồi đánh thốc xuống Gia Định. Liên quân tiến vào sông Ba Thắc và dừng lại tại rạch Trà Tân. Trấn thủ Gia Định là Trương Văn Đa thấy sức giặc quá mạnh, ra lệnh cho các nơi vừa chặn đánh vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng. Quân Tây Sơn giữ đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Châu Đốc ở biên cương rút về Cần Thơ. Quân Xiêm đuổi theo. Quân Tây Sơn theo bờ Hậu Giang lui dần xuống Ba Thắc. Quân Xiêm đuổi đến Ba Thắc bị quân Tây Sơn phục kích đánh cho một trận tơi bời phải thối lui. Tại Rạch Gầm - Xoài Mút trên sông Tiền Giang, một đạo quân Xiêm cũng bị quân Tây Sơn phục kích đánh tan tác. Có thể nói, mặt trận Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ diễn ra trên sông Tiền mà kéo dài sang sông Hậu, đến tận Bãi Xàu - địa điểm ngôi miếu cổ Ba Thắc.

Kết thúc trận chiến, 5 vạn quân Xiêm chỉ còn sống sót vài nghìn tìm đường về nước bằng nhiều đường khác nhau. Hàng vạn tử thi chồng chất lên nhau là điều không tránh khỏi. Nếu địa danh Ba Thắc đúng là nơi quân Tây Sơn phục kích quân Xiêm thì dưới nền sân miếu chính là nấm mồ tập thể chôn quân Xiêm tử trận. Theo truyền thống nhân đạo, nhân dân Ba Thắc đã cất một ngôi miếu nhang khói chung cho những người chết trận. Để tượng trưng chung cho những người trận vong, dân địa phương dùng một cục đá hình đầu người đặt trong miếu thay cho di ảnh. Nếu giả thiết này đúng thì các nhà khoa học khảo cổ cần tổ chức khai quật, xác định để trả lại vị trí của cổ miếu Ba Thắc, làm sáng tỏ thêm một giai đoạn lịch sử vệ tổ quốc hào hùng của dân tộc.
Ngày nay, mỗi năm Ba Thắc cổ miếu tiến hành lễ cúng kị vào các ngày 21, 22 (chính) và 23 tháng 2 âm lịch, thu hút hàng nghìn người tham dự. Cứ đến ngày rằm tháng Bảy, Ban Trị sự miếu đều mời những người nghèo tại địa phương đến nhận gạo từ thiện. Đặc biệt, Tết Nguyên đán năm nào miếu cũng có khoảng 5.000 lượt khách tứ xứ cúng bái. Ngôi miếu cổ Ba Thắc trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa tín ngưỡng của địa phương.

Thạch Thị Sang

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...