Báo Nhân Dân, Chủ nhật, 20/04/2014 - 09:17 PM (GMT+7)
Tỉnh Quảng Ninh hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi và ưu thế để phát triển, xứng đáng là một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của miền bắc và cả nước. Trong chiến lược phát triển của mình, Quảng Ninh đang quyết tâm và hướng tới xây dựng mô hình đặc khu kinh tế (ÐKKT) góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng đồng bằng sông Hồng và trong khu vực.
Phát huy tối đa nguồn lực
Với diện tích rộng hơn 2.000 km2, Vân Ðồn có những điểm khác biệt rất lớn so với 14 khu kinh tế (KKT) ven biển của cả nước, điều kiện giao thông thuận lợi cả đường bộ, hàng không, đường biển. Cùng với đó là những giá trị về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, sinh thái, vùng biển rộng với hơn 600 đảo đá và đất là điều kiện để Vân Ðồn có cơ hội phát triển công nghiệp giải trí và kinh tế biển. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ÐKKT Vân Ðồn sẽ trở thành KKT tổng hợp và du lịch biển đảo chất lượng cao với tổng diện tích tương đương với quốc đảo Xin-ga-po. Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã lập quy hoạch và chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu cho KKT Vân Ðồn trong tương lai nhằm phát huy và khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch to lớn, đặc sắc của vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, tạo động lực để phát triển, đồng thời chủ động khai thác lợi thế trong hợp tác phát triển dọc vành đai kinh tế ven biển Việt Nam - Trung Quốc. Có thể thấy định hướng và mục tiêu phát triển của ÐKKT Vân Ðồn có sự khác biệt, không phá vỡ quy hoạch với các KKT liền kề, mà góp phần liên kết thúc đẩy phát triển KKT cửa khẩu Móng Cái, Hải Hà và Ðình Vũ - Cát Hải.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Ðọc khẳng định: "Tỉnh Quảng Ninh định hướng phát triển ÐKKT Vân Ðồn nhằm thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào xây dựng và phát triển khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, hiện đại quy mô lớn; có ca-si-nô, các ngành sản xuất kinh doanh bổ trợ và có điều kiện phát triển như dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, vườn ươm công nghệ, công viên phần mềm, một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và nông nghiệp sinh thái, khai thác nuôi trồng chế biến nông, thủy sản cao cấp... phục vụ nhu cầu phát triển dịch vụ du lịch cao cấp". Theo đó, quá trình nghiên cứu triển khai lập Ðề án xây dựng ÐKKT Vân Ðồn được tỉnh thực hiện hết sức thận trọng và trách nhiệm. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo triển khai việc xây dựng đề án, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tổ chức nhiều buổi làm việc với các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư để tranh thủ những ý kiến tham gia chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đồng thời tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, nhất là tại các quốc gia đã xây dựng thành công các mô hình ÐKKT, KKT tự do ở Trung Quốc, Hàn Quốc...
Ông An-đru Gran, Giám đốc hợp danh cấp cao lãnh đạo toàn cầu khối Khu vực công, Tập đoàn Mc Kinsey Xin-ga-po chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi Quảng Ninh đang lựa chọn việc phát triển ÐKKT làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ðó là sự khác biệt của Quảng Ninh, và điều này cần được ủng hộ. Quảng Ninh có nhiều cơ hội và tiềm năng để thành công, thậm chí thành công rất lớn khi có lộ trình đúng để phát triển mô hình ÐKKT. Do đó, Quảng Ninh cần có các cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính, đất đai để thu hút nhà đầu tư; cơ chế thu hút nhân tài cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để vận hành ÐKKT".
Một góc thị trấn Vân Đồn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).
Cần xây dựng cơ chế vận hành phù hợp
Là một trong các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh được xác định là một trong ba đầu tàu thúc đẩy kinh tế vùng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá, GDP đạt gần 10%. Cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh đang dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Tỉnh đang nỗ lực tập trung lãnh đạo thực hiện ba khâu đột phá chiến lược và chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Trong đó, trọng tâm là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Việc chuyển dịch dần khỏi việc phụ thuộc vào ngành khai khoáng, hệ thống giao thông kết nối vùng được tập trung đầu tư, các KKT, khu công nghiệp tập trung đã giúp tỉnh Quảng Ninh thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Với sự năng động đổi mới, thu hút FDI của Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều dự án quy mô lớn, các lĩnh vực trọng điểm được tăng cường như điện lực, công nghiệp chế biến, phụ trợ, du lịch, dịch vụ. Ðến nay, tỉnh Quảng Ninh có 94 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội thảo phát triển ÐKKT-kinh nghiệm và cơ hội, nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới, qua đó đề xuất được các chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển mô hình ÐKKT tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Trong ba ÐKKT được Chính phủ định hướng phát triển thì ÐKKT Vân Ðồn nằm trong tam giác kinh tế phía bắc, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Theo đó, ÐKKT Vân Ðồn sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch cao cấp, trung tâm thương mại và tài chính quốc tế, đầu mối giao thương và hậu cần, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Ðể làm được điều này, tỉnh Quảng Ninh xác định việc cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế hành chính có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy ÐKKT vận hành và phát triển. Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Ðình Huệ cho rằng: "Ðể xây dựng thành công các ÐKKT, cần phải có các giải pháp. Trước hết, Việt Nam cần phải có luật về ÐKKT, đặc khu hành chính kinh tế. Ðồng thời, phải xây dựng các thể chế về hành chính, thể chế về kinh tế một cách vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực cũng như cạnh tranh trong nước cho các ÐKKT hiện nay của Việt Nam. Trong các thể chế, những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước phải được xem trọng nhất". Nhìn nhận việc xây dựng và phát triển ÐKKT Vân Ðồn ở một góc độ khác, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng gợi ý: "Xây dựng ÐKKT là cụ thể hóa ba khâu đột phá chiến lược mà T.Ư Ðảng, Chính phủ đã xác định. Vấn đề chỉ còn là xây dựng thể chế cho ÐKKT như thế nào để vừa phù hợp chuẩn mực quốc tế, vừa tạo sự khác biệt nổi trội, tạo được niềm tin của nhà đầu tư".
Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm và kỳ vọng vào Vân Ðồn sẽ trở thành ÐKKT trọng điểm trong vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời có sức lan tỏa mạnh tới toàn vùng và là điểm trung chuyển chiến lược từ khu vực Ðông Á xuống Ðông-Nam Á, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, nằm trong khu vực hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po và khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, đặc biệt là trong chiến lược phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, trục tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong chuỗi đô thị quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng. Hướng đến xây dựng thành công mô hình ÐKKT, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà không phải trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.
BÀI VÀ ẢNH: QUANG THỌ
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
kinh tế Nhìn ra Đồng bằng
Nhãn:
kinh tế
Nhìn ra Đồng bằng
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét