(VTV9)-
Vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 đã được công bố.
Trong đó, ngoài những bất ngờ như Đà Nẵng trở lại vị trí đầu bảng, Bình Dương
tiếp tục rớt hạng,… thì các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cũng tạo được
ấn tượng khi tiếp tục có sự chuyển dịch khá rõ nét. Khu vực này vẫn được đánh
giá là vùng sáng về chỉ số năng lực cạnh tranh trên bản đồ PCI của cả nước. Thế
nhưng, vẫn còn đó những chỉ số thành phần chưa đạt như mong muốn; vẫn còn đó
những yếu tố có thể cản trở nỗ lực thu hút đầu tư của các địa phương.
Chính
vì vậy mà hiện nay, nhiều tỉnh thành trong vùng đang tập trung phân tích, mổ xẻ
và tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để có giải pháp tăng cao hơn nữa
những chỉ số thành phần trong PCI. Mục tiêu là tiếp tục cải thiện môi trường
đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những hội thảo lớn, quy mô cấp vùng về vấn đề này cũng sẽ được tổ chức trong
vài ngày tới.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực
cạnh tranh năm 2013, đồng bằng sông Cửu Long có đến 3 địa phương được xếp
vào nhóm “Rất tốt” gồm Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre; 2 tỉnh
thành thuộc nhóm “Tốt” là thành phố Cần Thơ và Trà Vinh. Trong đó,
ấn tượng nhất là nỗ lực của Kiên Giang khi vươn lên từ hạng 6 năm 2012 để đứng
hạng 3.
Năm vừa qua cũng là năm đầu tiên thành
phố Cần Thơ nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu của cả nước. Cần Thơ cũng được
đánh giá là có sự duy trì các chỉ số khá ổn định qua các năm; nghĩa là chất
lượng điều hành của chính quyền được duy trì khá tốt và có sự cải thiện trong
thời gian qua.
Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND
thành phố Cần Thơ cho biết, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng rất quan tâm và chỉ
đạo cho các sở ngành, qua từng năm có sự đánh giá từng chỉ tiêu một. Trên cơ sở
đó có giải pháp để khắc phục, theo hướng cải thiện, nâng lên ở từng chỉ tiêu…để
góp phần cải thiện triệt để và tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư.
Nếu so với những năm trước, chỉ
số năng lực cạnh tranh của vùng có sự chuyển dịch khá rõ nét. Có địa
phương bứt phá lên nhóm “Rất tốt”, nhưng cũng có nơi rơi vào nhóm “Tương
đối thấp”, cụ thể là Cà Mau. Một số địa phương từng dẫn đầu cả vùng hoặc cả
nước thì nay lại rớt hạng như Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp,...
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo
Tây Nam Bộ thì nhìn tổng thể, đồng bằng sông Cửu Long đã có bước tiến trong cải
thiện môi trường đầu tư. Nhưng không thể vì thế mà chủ quan, bởi nếu mổ xẻ theo
từng chỉ số thành phần thì vẫn còn những vấn đề cần được cải thiện.
Ông Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho
rằng, cái chỉ số về đào tạo lao động thì toàn vùng, ngoài thành phố Cần Thơ và
Long An ra thì các nơi còn lại đạt khá thấp. Chưa có nơi nào vượt qua 6 chấm.
Nó cũng phản ánh thực tế là việc đào tạo nghề ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn
ở rất xa so với nhu cầu của doanh nghiệp.// Cái chỉ số thứ 2 cần quan tâm là
việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở địa phương.
Dù thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có ý nghĩa tương đối, nhưng lại phản ánh chính xác
những đánh giá của doanh nghiệp hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Nhưng sự đánh giá đó không phải dựa vào các kế hoạch, chính sách, hay dự định
của địa phương mà dựa trên thực tế hoạt động. Điều đó thể hiện qua những nỗ lực
cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; chính sách ưu đãi; chính sách tiếp
cận đất đai; và đặc biệt là nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính có liên quan
đến doanh nghiệp.
Theo ông Phan Quang Thuận, Phó Chủ
tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam thì, thí dụ tỉnh này mà thủ tục vầy, tỉnh kia thủ
tục rắc rối quá. Nếu mà nhà đầu tư tới, thấy khó khăn quá thì người ta kiếm chỗ
khác dễ hơn. Chứ thủ tục khó khăn quá, vốn người ta vốn vay thì kéo dài là
người ta chết rồi. Thì người ta phải chọn phương án là tìm những địa phương nào
thủ tục dễ dàng, thứ nhì là hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế nào đó thì người ta
chọn.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh,
dù chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng đã nhận được sự quan tâm, cầu thị của
lãnh đạo nhiều địa phương trong xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của từng nơi, có lẽ, cũng nên bắt
đầu từ vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi tính năng động và tiên
phong của lãnh đạo địa phương cũng là 1 trong 9 chỉ số thành phần của PCI.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây
Nam Bộ cho biết, lãnh đạo tỉnh có vai trò hết sức quan trọng trong việc đề ra
và định hướng cải cách trong bộ máy chính quyền. Việc quyết tâm của lãnh đạo
tỉnh sẽ truyền cảm hứng cho toàn bộ máy trong việc tạo điều kiện cho các nhà
đầu tư.Nhưng mà điều quan trọng hơn là địa phương mình làm tốt, hướng đến
mục tiêu tốt hơn cho nhà đầu tư. PCI không phải là thành tích thi đua hàng năm.
Cần phải hướng tới không gian rộng lớn hơn, của cả vùng, cần tạo môi trường đầu
tư rộng lớn hơn cho doanh nghiệp chứ không chỉ đóng khung trong ranh giới hành
chính tỉnh.
9 năm qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã giúp cho
nhiều địa phương nhìn lại quá trình hoạt động của mình thông qua sự hài lòng
của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Nhờ đó mà không ít tỉnh thành đã mạnh dạn
đổi mới lề lối làm việc, kịp thời khơi thông – gỡ khó cho doanh nghiệp bằng
những cơ chế, chính sách phù hợp. Điều quan trọng sau chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh không nằm ở thứ hạng cao thấp, mà nằm ở mức độ thân thiện, làm
hài lòng cộng đồng doanh nghiệp của từng địa phương.
Nói cách khác, cải thiện chỉ số năng
lực cạnh tranh cấp tỉnh không phải hướng đến mục tiêu hơn thua vị trí trên bảng
xếp hạng mà là để chính quyền mỗi địa phương lắng nghe, thay đổi và tạo điều
kiện tối đa cho doanh nghiệp vượt khó, duy trì và phát triển sản xuất./.
Quốc Minh
Nhận xét
Đăng nhận xét