TRẦN HỮU HIỆP
TT - Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt; song khi mà nhiều quốc gia dùng gạo đã có những điều chỉnh quan trọng về chính sách, thì VN cũng phải nghĩ đến một “hệ điều hành” mới sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “hai bảo đảm” - an ninh lương thực quốc gia và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa - đồng thời bổ sung tính linh hoạt.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Giá lúa ở ĐBSCL nhích lên chút ít sau khi Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp mua tạm trữ đang quay đầu giảm giá. Một lần nữa nhận thức về an ninh lương thực, 30% lợi nhuận cho người trồng lúa... cần được xem xét lại với yêu cầu hoạch định chính sách dài hạn để định hình cho những đối phó ngắn hạn thời gian qua.
Thời gian qua, cơ quan tài chính công bố giá thành sản xuất lúa theo đơn vị hành chính tỉnh để làm cơ sở “hạch toán lãi 30%” cho người trồng lúa. Ai cũng biết giá thành sản phẩm bao gồm cả khấu hao tài sản cố định, những hao mòn vô hình. Để tạo ra giá trị sản phẩm như lúa gạo phải bao gồm cả “hao mòn” đất đai, công cụ sản xuất, sức khỏe - sức lao động của nông dân trong môi trường sản xuất nông nghiệp hiện tại. Chắc chắn còn nhiều “chi phí” đầu vào đang bị bỏ sót trong hạch toán giá thành hạt lúa như chi phí đầu tư và vận hành hạ tầng nguồn nước, chi phí về sức khỏe và các chi phí khác do ô nhiễm nguồn nước... nên mức lãi 30% cho người trồng lúa cũng chỉ để “nói mà chơi”. 30% chắc chắn là mức lãi hấp dẫn trong kinh doanh, nhưng đã là kinh doanh thì có lãi, có lỗ. Ngành trồng lúa chỉ được đảm bảo lãi khi có sự tách biệt rõ ràng giữa hai mục tiêu làm an ninh lương thực - phải được bù lỗ và thương mại hóa ngành lúa gạo - cần được khuyến khích, hỗ trợ.
Do tính chất nhạy cảm của vấn đề an ninh lương thực nên doanh nghiệp đang bị đặt vào tình thế ngày càng khó khăn khi phải theo đuổi cả hai mục tiêu thương mại và xã hội, mà họ lại chưa được chuẩn bị tốt để làm tốt những mục tiêu này. Thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Khả năng cạnh tranh của ngành phải xây dựng trên cơ sở hiệu quả và đổi mới, chứ không phải trên thù lao giá rẻ cho nông dân.
Những bức xúc từ lúa gạo và nông dân đang đòi hỏi sự tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy hoạch sử dụng đất trong việc thực hiện chủ trương giữ 3,81 triệu hecta đất trồng lúa đã được Đảng và Nhà nước khẳng định. Cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở “vùng lõi”, “vành đai” và các khu vực trồng lúa bình thường khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực hay lúa hàng hóa. Điều quan trọng hơn là phải tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang “tính chính trị - xã hội” và tính thương mại để có chính sách rõ ràng, phân biệt giữa hai mục tiêu để tăng cường hỗ trợ nhóm thực hiện mục tiêu chính trị - xã hội, giải phóng một phần gánh nặng để tăng lợi nhuận, đồng thời nâng cao trách nhiệm cho nhóm thương mại.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều chỉnh “cung - cầu” nông sản, chính sách mua tạm trữ gạo đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân, nhìn từ ngành lúa gạo chỉ được thực hiện thành công bằng một chiến lược đa ngành, lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu... để cùng đảm đương nhiệm vụ an ninh lương thực và chống suy dinh dưỡng chứ không đặt hết gánh nặng “an ninh lương thực” lên vai người trồng lúa.
Nhận xét
Đăng nhận xét