Lâu nay vùng kinh tế chỉ là một phép cộng cơ học. Nếu có chính quyền vùng quản lý, hiệu quả vùng kinh tế mới được phát huy.
Trong ngày làm việc thứ hai của hội thảo Kinh tế mùa xuân 2014 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh ngày 29-4, các chuyên gia kinh tế tiếp tục thảo luận về cải cách thể chế.
Phân quyền phải rõ ràng, cụ thể
TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng khi nói đến thể chế gồm có bốn bộ phận bao gồm người chơi (Nhà nước, tổ chức sự nghiệp, dân sự...); cơ chế chơi hay cách thức chơi; luật chơi; và sân chơi (thị trường). Đổi mới thể chế chính là đổi mới cả bốn bộ phận đó trên tinh thần: Cái gì có lợi cho đất nước, dân tộc này thì làm; cái gì không lợi thì bỏ.
TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: TP
Trong bốn yếu tố đổi mới thể chế thì vai trò Nhà nước trong nền kinh tế được tập trung hơn cả. Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước thì phải phân định một cách rạch ròi công việc của các cơ quan, từng bộ phận và xem bộ phận nào là quan trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra ngoài Quốc hội, Chính phủ và chỉ căn cứ vào luật pháp để làm việc.
Ông Bá ví dụ trong 10 việc của nền kinh tế thì Đảng làm bao nhiêu việc, Nhà nước làm bao nhiêu việc, rồi tiếp đến Quốc hội, Chính phủ, tư pháp làm bao nhiêu việc. Quan trọng nhất là sự phân công này cần quy định thành luật. “Quan điểm phải làm rõ trách nhiệm và phải có chế tài khi cơ quan công quyền không thực hiện được nhiệm vụ. Kể cả Chính phủ, Quốc hội và tòa án làm sai cũng phải chịu phạt như người dân” - ông Bá nêu ý kiến.
Bỏ cấp huyện, thành lập cấp vùng
Cùng song hành với phân rõ trách nhiệm của cấp trung ương thì trong quá trình cải cách thể chế phải tìm lại cách tổ chức chính quyền nhà nước tại địa phương. Ông Bá đề xuất nghiên cứu thành lập chính quyền cấp vùng, bởi lâu nay chúng ta vẫn chia ra các vùng kinh tế trọng điểm nhưng thực chất đó chưa phải là vùng kinh tế mà chỉ là phép cộng cơ học của các tỉnh.
Để thực hiện điều này, tổ chức bộ máy nếu muốn giữ bốn cấp thì bỏ cấp huyện, thành lập chính quyền cấp vùng. Với thay đổi này chính quyền địa phương không làm kinh tế mà chỉ có trung ương cùng với các vùng đệm làm kinh tế. Nếu trong trường hợp chúng ta không thành lập kinh tế vùng thì có thể thực hiện chế độ Quốc hội hai đầu. “Thực hiện theo cách này mới ra được chiến lược cụ thể, mang nhiều giá trị chứ giờ tỉnh nào cũng muốn làm công-nông nghiệp, dịch vụ thì dư thừa quá!” - ông Bá phân tích.
Xã hội dân sự giám sát Nhà nước và thị trường
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, điểm nghẽn của thể chế đang nằm ở vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vai trò này hiện nay không còn phù hợp và cần phải đổi mới thể chế toàn diện. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng thị trường vẫn có thất bại vì luôn mang tính tự phát, bất đối xứng thông tin. Vì vậy vẫn cần chú trọng tới vai trò Nhà nước trong định hướng nguồn lực. Nhà nước sẽ thực hiện chức năng kiến tạo phát triển cho thị trường. Cùng với đó, để đảm bảo cho Nhà nước và thị trường song song tồn tại, phát triển, cần hình thành xã hội dân sự để giám sát hai trụ cột này. Đó là hình mẫu của thể chế xã hội hiện đại.
TRÀ PHƯƠNG
Cần có luật trưng cầu ý dân
Trong thời gian tới cần tính đến phương án soạn thảo luật trưng cầu ý dân. Muốn có được việc vĩ đại phải có cải cách vĩ đại. Việt Nam muốn đột phá phải có những bước đột phá, nếu chúng ta vẫn làm từ từ như thời gian qua thì kết quả vẫn cứ từ từ, sẽ không có đột phá.
TS LÊ XUÂN BÁ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
|
Nhận xét
Đăng nhận xét