TRẦN HIỆP THỦY
(LĐ)
Qua 6 lần tổ chức MDEC, các hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL như một thực thể chung. Tăng cường hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nội vùng, với TPHCM và các vùng, miền khác trong cả nước được đẩy mạnh. Tuy còn tồn tại những hạn chế nhưng đã có sự tiến bộ về nhận thức khi các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương cùng có tiếng nói chung, đồng thuận thảo luận và thống nhất cách thức để khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có làm “tài sản dùng chung” trên cơ sở tăng cường liên kết, hợp tác.
Nhiều sáng kiến, đề xuất qua các lần tổ chức MDEC được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, cụ thể hóa thành các quyết định ban hành các chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như: Quyết định 1033/QĐ-TTg ngày 30.6.2011 về phát triển GDĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL; Quyết định 638/QĐ-TTg ngày 28.4.2011 về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL; Quyết định 1397/QĐ-TTg ngày 25.9.2012 về phê duyệt thủy lợi vùng ĐBSCL...
Tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với các vùng, miền khác ngày càng chặt chẽ, sâu rộng hơn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến tham vấn, đóng góp cho bản dự thảo Quy chế liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013 - 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới. Môi trường đầu tư của các địa phương trong vùng được cải thiện đáng kể, xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) của các tỉnh, thành trong vùng luôn ở mức tốt, năm 2012 toàn vùng có 6/10 tỉnh, thành xếp hạng PCI cao nhất cả nước. Gần đây, các hoạt động của Diễn đàn còn lồng ghép với công tác an sinh xã hội, riêng năm 2013 đã vận động khoảng 650 tỉ đồng để chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách; được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao.
Hướng đến nền kinh tế xanh là vấn đề toàn cầu. ĐBSCL đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ dù còn nhiều thách thức.
Nhận xét
Đăng nhận xét