Hữu Hiệp
Đã mấy tuần trôi qua, vụ bác sĩ
thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người, vứt xác nạn nhân phi tang, gây chấn động
dư luận vẫn còn làm nhiều người bàng hoàng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim
Tiến đã bị “choáng, sốc, phẫn nộ, đau xót và buồn”. Bộ đã chỉ đạo “tổng kiểm
tra” (TKT) các cơ sở hành nghề thẩm mỹ trên toàn quốc. Đây là việc làm cần
thiết, nhưng nếu hệ thống y tế thực hiện thanh, kiểm tra thường xuyên, có hiệu
quả để phòng ngừa vi phạm, chắc chắn sẽ tốt hơn.
Không khó để nhận thấy các cơ
quan “quản lý theo đuôi” như vậy. Xảy ra ngộ độc tập thể thì “TKT” an toàn vệ
sinh thực phẩm. Phân bón giả tràn lan, nông dân bón phân, lúa không trổ bông,
cây trồng không ra trái: “TKT” phân bón giả. Xảy ra vụ giám đốc DN nhà nước
nhận “lương khủng” thì mới “TKT” quỹ lương DN. Cháy rừng, cháy cây xăng: “TKT”
cây xăng và công tác phòng, chống cháy rừng. Xảy ra chết người thương tâm do
chìm tàu, đò thì “TKT” bến tàu, đò, phương tiện thuỷ ...
Ông bà ta xưa không có quyền cao,
chức trọng, học thông, nói thạo “công nghệ quản lý”, nhưng biết dạy cháu con
“đừng để mất bò mới lo làm chuồng”. Tại sao các cơ quan chức năng không chủ
động phòng ngừa vi phạm để không phải chạy theo đuôi thiệt hại? Nhiều người chỉ
nhớ “cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” mà quên rằng họ còn có “nghĩa vụ”.
Một đội ngũ công chức “đẹp như mơ” - chỉ có “1% không hoàn thành nhiệm vụ” như
báo cáo của bộ chuyên ngành mà thường để xảy ra “sự cố” như vậy, là đội ngũ cần
được “làm mới” về chất và đạo đức công vụ.
Lỗ hỗng lớn hiện nay của công tác
quản lý ở nhiều nơi là “lỗ hổng trách nhiệm”. Chính nó đã tạo ra tình trạng thụ
động, trông chờ hoặc đùn đẩy nhau. Nhiều cơ quan chờ chỉ đạo của chủ tịch tỉnh,
bộ trưởng, Thủ tướng mới thực thi nhiệm vụ mà pháp luật quy định họ phải làm.
Đó cũng là “lỗi thiết kế” của một chế độ công vụ thiếu động lực làm việc và chế
tài xử lý trách nhiệm nghiêm minh. Nhiều sai phạm chỉ bị “phê bình, rút kinh
nghiệm”.
Có vị cán bộ cao cấp đã từng than, sợi dây kinh nghiệm dài quá, rút hoài mà không hết. Đã đến lúc phải qui cho được trách nhiệm “công chức không hành động” hoặc “hành động không đúng chức trách”. Một chế tài nghiêm khắc trong chế độ công vụ và đạo đức công vụ trong sáng sẽ giúp phòng ngừa sai phạm, đoạn tuyệt với cung cách quản lý theo đuôi thiệt hại như vừa qua.
Có vị cán bộ cao cấp đã từng than, sợi dây kinh nghiệm dài quá, rút hoài mà không hết. Đã đến lúc phải qui cho được trách nhiệm “công chức không hành động” hoặc “hành động không đúng chức trách”. Một chế tài nghiêm khắc trong chế độ công vụ và đạo đức công vụ trong sáng sẽ giúp phòng ngừa sai phạm, đoạn tuyệt với cung cách quản lý theo đuôi thiệt hại như vừa qua.
Nhận xét
Đăng nhận xét