Trần Hiệp Thuỷ
Người nghèo ở khu vực nông thôn,
miền núi, dân cư phân tán, đi lại khó khăn nên khi có bệnh ít được đến các cơ
sở y tế điều trị. Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) ở những nơi này thường kết dư lớn.
Ngược lại, ở thành phố luôn bội chi Quỹ BHYT. Nghịch lý “người nghèo bù đắp chi
phí cho người giàu” trong khám, điều trị bệnh bằng BHYT đã được các đại biểu
Quốc hội mổ xẻ. Song, đó chưa phải là nghịch lý duy nhất của tình trạng “người
giàu - người nghèo” hiện nay.
Kỳ tích của ngành sản xuất lúa
gạo Việt Nam
đã đưa nước ta từ một quốc gia thiếu lương thực, chỉ sau vài năm tham gia xuất
khẩu gạo trở lại đã chiếm vị trí thứ 2 của một cường quốc xuất khẩu gạo trên
thế giới. Những người nông dân - phần lớn là hộ thu nhập thấp thuộc diện nghèo,
cận nghèo - đã đóng vai trò quan trọng tạo ra kỳ tích đó. Thế nhưng, thu
nhập của họ so với nhóm người trung gian (thương lái, doanh nghiệp kinh doanh
lúa gạo) - phần lớn là những người khá, giàu - cũng đang là một nghịch lý. Theo
kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu
phát triển ĐBSCL cho thấy, với bình quân 0,4ha/hộ trồng lúa, nông dân ĐBSCL khó
thoát nghèo. 30% lợi nhuận từ trồng lúa (nếu có) của một hộ độc canh lúa còn
thấp hơn mức thu nhập 1USD/người/ngày! Chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay có quá
nhiều nấc, có quá ít giá trị gia tăng; trong đó nông dân hưởng lợi từ sự gia
tăng chưa tương xứng. Đó là một nghịch lý!
Mặc dù đạt được thành tựu ấn
tượng về “xóa đói, giảm nghèo”, đóng góp to lớn cho mục tiêu “Thiên niên kỷ”
của Liên Hiệp Quốc, nhưng chênh lệch giàu - nghèo ở nước ta đang là một thách
thức lớn. Theo số liệu thống kê, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của
nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất trong cả nước năm 1990 là 4,1 lần,
năm 1995 là 7 lần, năm 2004 là 8,4 lần, năm 2010 là 9,2 lần. Mức chênh
lệch này hiện nay tăng lên 10 lần. Đáng lo ngại là “vựa lúa gạo, trái cây, thủy
sản” ĐBSCL lại có số hộ nghèo cao (9,2% hộ nghèo, xếp thứ 3/8 vùng cả nước),
hiện còn 6,5% hộ cận nghèo, cao hơn cả Tây Nguyên. Càng đáng lo ngại hơn khi
xuất hiện tình trạng “không muốn thoát nghèo” vì những bất hợp lý trong chính
sách. Giàu nghèo không chỉ thuần túy là mức thu nhập, mà nó đang bị chi phối
bởi tâm lý xã hội, đặc biệt là “cơ chế đối xử” giàu - nghèo. Đừng đẩy khoảng
cách đó ngày càng xa hơn bằng những cơ chế nghịch lý như cơ chế vận hành Quỹ
BHYT và thực trạng thu nhập của người trồng lúa so với người kinh doanh lúa
gạo.
Nhận xét
Đăng nhận xét