Sai phạm nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng
Ông Chấn đoàn tụ gia đình sau 10 năm tù oan. Ảnh: Phi Long |
Đọc kết luận điều tra, cáo trạng, bản án của tòa án với ông Nguyễn Thanh Chấn cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng ở Bắc Giang khi nhận định tính chất vụ án. Theo đó, họ cho rằng đây là vụ án hiếp dâm, dù thực chất là vụ án cướp của. Nhiều tang vật của vụ án đã bị bỏ qua...
Kết luận quá đơn giản, dễ dãi
Một trong những nguyên nhân khiến cơ quan điều tra cho rằng, đây là vụ án hiếp dâm vì ông Chấn có tính hay trêu ghẹo phụ nữ. Để minh chứng, kết luận điều tra đã đưa ra được một ví dụ từ năm 2000! Từ đấy, các cơ quan tố tụng tập trung cho hướng điều tra này.
Các cơ quan tố tụng mô tả rất chi tiết cách ông Chấn đã hiếp dâm chị Nguyễn Thị Hoan. Việc ông Chấn giết chị Hoan như thế nào? Có lẽ cách tả tỉ mỉ, chính xác như những thước phim quay chậm, nên họ nghĩ đối tượng khó có thể chối cãi.
Nhưng tại tòa, ông Chấn đã phản cung. Ông Chấn nói có đi qua nhà chị Hoan, có thấy hai mẹ con chị Hoan ở phía sau nhà, nhưng không thừa nhận những hành vi phạm tội như cáo trạng nêu. Lý do, tại cơ quan điều tra ông Chấn khai nhận như vậy là do bị ép cung.
Luật sư bảo vệ cho ông Chấn khi tranh tụng đã nói: Cơ quan tố tụng cần xem xét lại thời gian đi lấy nước, đặc biệt, việc vết tay có máu ở cánh cửa chưa được xem xét.
Theo nhận xét của phiên tòa sơ thẩm, Chấn thấy chị Hoan xinh, chỉ muốn gạ gẫm giao cấu, nhưng bị chống cự quyết liệt, sợ mang tiếng với vợ con, dân làng nên mới nảy sinh việc giết chị Hoan. Dựa trên đánh giá này, các vị thẩm phán bỏ ngoài tai lời kêu oan của bị cáo Chấn và những ý kiến tranh luận của luật sư và vẫn cho rằng: Có đủ cơ sở để khẳng định cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15.8.2003 là do Nguyễn Thanh Chấn gây ra. Còn tòa phúc thẩm quyết định: Y án.
Bỏ qua tình tiết bị cướp 2 nhẫn vàng
Những dấu hiệu sai phạm của các cơ quan tố tụng thể hiện trong vụ án này khá rõ. Thứ nhất, như luật sư bảo vệ cho ông Chấn đã đề cập đến vết máu trên cửa, nhưng cơ quan điều tra bỏ qua. Sau 3 ngày xảy ra vụ án, cơ quan điều tra mới lấy mẫu máu, do đó đã không phân tích được. Thứ hai, về con dao đâm chị Hoan, ông Chấn khai là nhặt được cách đó vài tháng khi dọn dẹp nhà hàng của mình, nhưng không ai biết ông Chấn có con dao này. Đây là điều không bình thường, vì con dao như vậy chẳng lẽ vợ con ông Chấn cũng không biết, đặc biệt là gia đình ông Chấn có quán bán hang, hay phải sử dụng đến dao?
Tuy nhiên, điều tưởng như khó chấp nhận này đã không được các cơ quan tố tụng lưu tâm. Thậm chí, với lời khai của ông Chấn vứt chuôi dao ra nơi thu mua phế liệu nên không tìm thấy, họ cũng không nghi ngờ tính xác thực của lời khai. Lẽ ra, với hai yếu tố về dao như vậy thì cơ quan chức năng cần phải đặt câu hỏi nghi vấn về những lời khai này.
Thứ ba, kích thước dấu chân của ông Chấn gần đúng với dấu chân thu được tại hiện trường cũng được các cơ quan tố tụng coi là một cơ sở để luận tội!
Thứ tư, tại tòa, bà Hội (mẹ chị Hoan) đề nghị được xem xét việc chị Hoan còn bị mất 2 chiếc nhẫn đeo ở tay. Tuy nhiên, đề nghị này bị các cơ quan tố tụng bỏ qua. Đây là điều khó hiểu với các cơ quan tố tụng, nhất là dấu vết đeo nhẫn còn hằn trên ngón tay của chị Hoan.
- Theo quy định của pháp luật, sau 15 ngày ra quyết định, Hội đồng thẩm phán chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao. Viện KSND Tối cao sẽ chuyển hồ sơ lại cho cơ quan điều tra của Bộ CA để điều tra lại vụ án. Nếu điều tra lại mà ông Chấn không phạm tội thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông Chấn và khôi phục lợi ích hợp pháp, bồi thường cho ông Chấn.
- Nếu có dấu hiệu tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao sẽ xác minh, điều tra, khởi tố vụ án để xử lý nghiêm, đảm bảo sự đúng đắn của hoạt động tư pháp.
|
Chưa tuyên ông Chấn vô tội là không thỏa đáng
07/11/2013 12:21 (GMT + 7)
TTO - Khi xử tái thẩm, TAND Tối cao chỉ tuyên hủy hai bản án để điều tra lại, vẫn chưa đình chỉ vụ án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Quyết định này là chưa thỏa đáng, kéo dài thời gian oan sai cho ông.
Ngày 6-11, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao đã tái thẩm vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (ngụ thôn Me, xã Nghĩa Trung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, ra quyết định hủy cả 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm đã xử phạt tù chung thân (tội giết người) đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán chỉ tuyên giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra để điều tra lại mà không đình chỉ vụ án đối với ông.
Rất nhiều người băn khoăn, cảm thấy Hội đồng thẩm phán TANDTC không tuyên rõ Nguyễn Thanh Chấn vô tội là không thỏa đáng. Tòa chỉ tuyên hủy hai bản án, giao hồ sơ cho cơ quan điều tra lại là còn kéo dài thêm những tháng ngày đau khổ cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Bởi sắp tới sẽ phải qua điều tra lại, cơ quan tiến hành tố tụng (Công an điều tra, Viện kiểm sát) mới xem xét ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Chấn. Phải đến lúc có quyết định đình chỉ điều tra thì ông Chấn mới được pháp luật minh oan hoàn toàn.
Điều mọi người mong chờ Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao dõng dạc tuyên bố Nguyễn Thanh Chấn vô tội đã chưa xảy ra.
Theo quy định tại khoản 2 và 3 của Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), thì thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm được ra các quyết định như sau:
- Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị tái thẩm, để điều tra lại hoặc xét xử lại (trường hợp ông Chấn là để điều tra lại).
- Hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án (tức kết thúc vụ án bị kháng nghị tái thẩm).
Trường hợp này, nếu Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định hủy bản án và đình chỉ vụ án (theo khoản 3 Điều 298 Bộ luật TTHS), thì thỏa đáng hơn, tức là đã kết thúc được vụ án oan đối với cá nhân ông Nguyễn Thanh Chấn.
Vì trước đó, Viện KSND Tối cao cho biết cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với nghi can thực sự của vụ giết người là Lý Nguyễn Chung (24 tuổi, thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Cơ quan tố tụng không ngại rằng đình chỉ vụ án Giết người (oan) đối với ông Nguyễn Thanh Chấn thì không thể điều tra, truy tố, xét xử đối với nghi can Lý Nguyễn Chung.
Qua vụ án này, đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS theo hướng: giao quyền cho hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm cả việc sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu có căn cứ rõ ràng. Không nhất thiết trường hợp nào cũng phải điều tra, xét xử lại. |
Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM
(Ủy viên hội đồng Luật sư Toàn Quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh BR-VT
Viện trưởng Viện KSND tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH: Khả năng phạm tội của Lý Nguyễn Chung khá rõ ràng
TT - Giữa vòng vây báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngày 7-11, những người có trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn đã trả lời.
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Tôi có thể khẳng định những vi phạm (nếu có) của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý, chứ không phải tái thẩm thì tránh được hoặc giám đốc thẩm mới bị. Khi vụ án có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm những tập thể, cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm.
Thế còn tại sao tái thẩm? Tôi rất tiếc là một số người có ý kiến về việc này. Tái thẩm là vì có tình tiết mới mà trước đây tòa không biết có tình tiết đó, làm thay đổi bản chất vụ án. Ở đây có sự xuất hiện của nhân vật Lý Nguyễn Chung. Tuy tòa chưa tuyên nhưng khả năng phạm tội của Lý Nguyễn Chung khá rõ ràng. Và với tình tiết mới như vậy làm thay đổi bản chất vụ án nên phải tái thẩm”.
* Thưa ông, trong kháng nghị của viện kiểm sát có những chứng cứ cho thấy quá trình điều tra, truy tố trước đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tại sao mình không lấy đấy làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm để minh oan nhanh hơn cho ông Chấn?
- Kể cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của tòa án trong luật đã ghi rồi: hoặc là bác kháng nghị, hoặc là chấp nhận kháng nghị, hoặc là hủy án trả lại để điều tra từ đầu. Các kết luận của tái thẩm hoặc giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm có thể kết luận khác mà giám đốc thẩm kết luận khác.
Phó chánh án TAND tối cao TRẦN VĂN ĐỘ:
Oan thì phải sửa, sai phải bồi thường
* Thưa ông, việc hung thủ thật sự xuất hiện có ý nghĩa như thế nào trong vụ án này?
- Đó chính là tình tiết mới. Tôi không gọi là hung thủ mới. Mà tôi gọi là anh Lý Nguyễn Chung tự thú và có một vài lời khai của những người khác cho rằng anh này phạm tội. Sau này nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh rằng tình tiết này đúng thực tế làm thay đổi toàn bộ vụ án thì như vậy gọi là tái thẩm.
* Vậy trong vụ án này có những điều kiện để thỏa mãn cả hai: tái thẩm và giám đốc thẩm?
- Yếu tố quyết định ở đây chính là tự thú của anh Chung. Qua đó mới xem xét lại thì thấy trong quá trình tố tụng có những vi phạm nhất định, nhưng cái này chưa thể khẳng định được. Về nguyên tắc TAND tối cao là tòa phá án, hủy các bản án trước đó để điều tra lại một cách cẩn trọng.
* Tại sao TAND tối cao không bàn sâu về những vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử trước đó?
- Đây là vụ án xét xử theo thủ tục tái thẩm. Mà tái thẩm thì theo nguyên tắc là tòa án chỉ xem xét về tình tiết mới và quyết định nó có thật sự là có tình tiết mới hay không để đưa ra quyết định.
* Như vậy, nếu anh Chung không ra đầu thú thì ông Chấn cũng không có cơ hội được minh oan?
- Điều này cũng khó có thể nói được, bởi trong quá trình cũng có thể có những tình tiết khác được xem xét. Như các bạn biết thì gia đình cũng có một số đơn từ nhưng viện kiểm sát nói rằng không gửi đến viện kiểm sát. Trong khi đó tòa không có chức năng đi kiểm tra, thu thập chứng cứ gì cả. Tất nhiên, tôi muốn nói rằng việc minh oan cho một người bị buộc tội thì nó có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
* Thưa ông, người dân cả nước đang nhìn vào vụ án này, trong khi việc điều tra lại sẽ mất rất nhiều thời gian và ông Chấn đã bị oan mười năm nay rồi?
- Ông Chấn đã được trả tự do rồi. Rõ ràng trong thời điểm hiện nay theo quyết định của TAND tối cao thì phải điều tra lại và thời hạn điều tra là theo luật định. Như vậy cơ quan điều tra phải làm hết trách nhiệm của mình, đảm bảo khách quan, giải quyết đúng pháp luật.
* Nhưng có băn khoăn là cách xử lý theo thủ tục tái thẩm sẽ dẫn đến cách hiểu rằng trường hợp oan này không phải do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng?
- Không ai băn khoăn điều đó cả. Việc oan, sai thế nào sẽ được giải quyết theo trình tự tố tụng khác. Tức là sẽ phải căn cứ vào kết quả điều tra lại như thế nào. Còn bây giờ chưa thể nói một vấn đề gì khi chưa có kết luận điều tra lại.
* Thưa ông, hệ quả pháp lý về trách nhiệm với các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khác nhau như thế nào giữa tái thẩm và giám đốc thẩm?
- Trách nhiệm thì giống nhau thôi: oan thì phải sửa, sai phải bồi thường. Không phải như ý kiến nào đó nói rằng tái thẩm là để lẩn tránh trách nhiệm.
|
LÊ KIÊN ghi
Nhận xét
Đăng nhận xét