Ký hợp đồng dân sự với tài xế đã giúp công ty hợp pháp hóa việc ký quỹ và không phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Trong thời gian làm việc tại Công ty Taxi Việt Nam (Vinataxi, KCN Tân Bình, TP HCM), tôi không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), không được tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Không riêng tôi mà 500 tài xế đang làm việc ở đây cũng vậy. Công ty chỉ ký HĐ dân sự thời hạn 1 năm về việc nhận khoán taxi để kinh doanh với nhiều điều khoản bất lợi cho tài xế. Tại sao các hãng taxi khác tại TP HCM đều ký HĐLĐ với tài xế mà Vinataxi thì không? Đây có phải là cố ý vi phạm pháp luật, chèn ép người lao động (NLĐ)?” - ông Tống Hồng Phương, nguyên tài xế của Vinataxi, bức xúc.
Người lao động thiệt đủ đường
“Nói là HĐ dân sự nhưng tài xế vẫn chịu sự quản lý của công ty bằng nhiều quy định. Thậm chí, công ty còn lập ra hội đồng kỷ luật để kỷ luật tài xế vi phạm các điều khoản trong HĐ. Như trường hợp của tôi, hội đồng kỷ luật cho rằng tôi vi phạm 3 lần nên chấm dứt HĐ dân sự, buộc bồi thường 2 triệu đồng và trừ tiền đặt cọc 2 triệu đồng” - ông Phương cho biết thêm.
Một tài xế của Vinataxi (trái) trình bày bức xúc với phóng viên Báo Người Lao Động Ảnh: THANH NGA
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước kia Vinataxi có ký HĐLĐ với tài xế nhưng đến năm 2002, khi chuyển qua liên doanh với nước ngoài, công ty thay HĐLĐ bằng HĐ dân sự. Khi ký HĐ này, tài xế phải đặt cọc từ 7 triệu đến 30 triệu đồng (tùy loại xe). Ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Vinataxi, thừa nhận việc ký HĐ dân sự với 500 tài xế, nhận tiền ký quỹ của tài xế là có thật. Ông Sơn còn khẳng định: “Vấn đề này, các ngành chức năng đều biết và việc ký HĐ dân sự là không có gì sai cả!”.
Nhiều tài xế cho biết mỗi ngày họ phải nộp từ 500.000-600.000 đồng tùy loại xe trong khi phải lo tất cả các khoản chi phí như tiền xăng; phí qua cầu, phà, sửa chữa... Theo tài xế Nguyễn Hoàng Sơn, HĐ có đến 18 hành vi tài xế sẽ bị xử phạt, trong khi không có điều khoản nào nói đến trách nhiệm của công ty. Ngoài ra, nếu vi phạm các điều khoản trong HĐ, tài xế sẽ bị xử phạt ở 3 mức độ: cảnh cáo, buộc bồi thường thiệt hại từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, chấm dứt HĐ và bồi thường thiệt hại bằng toàn bộ số tiền cọc…
Vi phạm nghiêm trọng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, khẳng định: HĐ dân sự mà Vinataxi ký với tài xế về bản chất chính là HĐLĐ. Quan hệ giữa Vinataxi và tài xế là quan hệ lao động chứ không phải quan hệ dân sự bởi tại khoản 6, điều 3 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) quy định rõ quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Đây là những điều Vinataxi đã và đang thực hiện với các tài xế.
Luật sư Hậu phân tích: Thứ nhất, điều 5 HĐ quy định về thu nhập của tài xế theo phương thức doanh thu trừ tiền khoán nộp hằng ngày và các chi phí khác. Về bản chất, đây là hình thức trả lương theo sản phẩm cho NLĐ được quy định tại điều 94 BLLĐ. Thứ hai, bản thân tài xế vẫn chịu sự quản lý, điều hành của công ty; phải tuân thủ các quy định của công ty tại điều 9 HĐ như: phải xử sự thích hợp, phải mặc đồng phục của công ty; phải tuân thủ các quy tắc hoạt động do công ty ban hành. Đồng thời, khi tài xế có các hành vi vi phạm được quy định tại điều 12 HĐ như đánh bạc, sử dụng rượu, thuốc phiện, các chất kích thích trong khi làm nhiệm vụ; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của cá nhân, bộ phận có trách nhiệm của công ty… thì tùy mức độ sẽ bị cảnh cáo, bồi thường thiệt hại hoặc chấm dứt HĐ. Những điều này chỉ có trong BLLĐ chứ không hề được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự.
Ngoài ra, các chuyên gia pháp luật cũng chỉ rõ: Điều 501 Bộ Luật Dân sự quy định HĐ thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản đó. Trong HĐ thuê khoán này, các bên độc lập với nhau; bên thuê khoán không chịu sự quản lý, điều hành của bên cho thuê như cách Vinataxi đang làm. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: “Tôi cho rằng Vinataxi đã lách luật, trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT và các trách nhiệm khác đối với NLĐ. Việc Vinataxi bắt NLĐ đặt cọc còn vi phạm nghiêm trọng quy định tại điều 20 BLLĐ. Đề nghị Ban Quản lý các KCX-KCN TP, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP sớm điều tra, xác minh và xử lý nghiêm vi phạm của Vinataxi để bảo vệ quyền lợi của NLĐ”.
Người lao động hãy gửi đơn đến thanh tra
Trao đổi với chúng tôi vào chiều 2-10, một cán bộ Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cho rằng nếu Vinataxi ký HĐ dân sự thì khi phát sinh tranh chấp, 2 bên tự thỏa thuận hoặc đưa vụ việc ra TAND chứ không thể lập hội đồng xử lý kỷ luật tài xế như cách công ty đã làm. Rõ ràng, đây là hành vi lách luật của Vinataxi. Đề nghị NLĐ gửi đơn đến thanh tra sở để có căn cứ xem xét, xử lý theo pháp luật.
|
THANH NGA - TRƯỜNG HOÀNG
Nhận xét
Đăng nhận xét