Nghiên cứu về chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang cho thấy những bất cập trong phân phối lợi nhuận. Nông dân phải bỏ ra tới 70% tổng chi phí sản xuất lúa nhưng vẫn đang “phấn đấu” để đạt được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các doanh nghiệp xuất khẩu và đầu mối trung gian hưởng.
Trong nhiều năm qua, năng suất lúa liên tục tăng phá vỡ nhiều kỷ lục. Sản lượng gạo xuất khẩu từ 1 triệu tấn năm 1991 đến năm 2012 đã tăng lên 7,72 triệu tấn. Giá trị kim ngạch cũng tăng từ chưa đầy 1 tỉ USD năm 1991 lên tới 3,5 tỉ USD năm 2012.
Nếu chỉ nhìn vào đó mà suy luận sẽ dễ ngộ nhận rằng đời sống người trồng lúa theo thời gian cũng tăng tỉ lệ thuận với những con số khả quan này. Dù đời sống nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực, song trên thực tế lợi nhuận của người trồng lúa không hề có được những bước “nhảy vọt” ngoạn mục đó, thậm chí còn diễn biến ngược trong những năm gần đây.
Cần có sự tham gia của nông dân khi xây dựng, thực thi và đánh giá tác động của chính sách. Trong tương lai gần, Việt Nam nên cải cách thể chế và khuyến khích lập ra hiệp hội người trồng lúa để thật sự đại diện và bảo vệ quyền lợi của chính nông dân.
|
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2006-2010, giá lúa cổng trại tăng hơn gấp rưỡi, nhưng lợi nhuận trung bình người trồng lúa thu về lại “rớt” thê thảm từ trên 40% xuống trên 20%. Ngay tại đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính của cả nước - trung bình thu nhập nông dân chỉ là 535.000 đồng/tháng, bằng một nửa mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định và không nhỉnh hơn ngưỡng nghèo bao nhiêu.
Cho đến thời điểm này, trồng lúa vẫn là nguồn sinh kế chủ yếu cho nhiều hộ nông dân, một phần cũng bởi chưa tìm ra được cây gì, con gì thay thế và việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cũng không đơn giản.
Ai được lợi từ giá gạo tăng?
Kể từ khi hạt lúa Việt hội nhập, giá lúa trên thị trường quốc tế và giá lúa trong nước có sự tương đồng về độ tăng giảm. Chẳng hạn, khi gạo trên thị trường quốc tế lên đến mức cao nhất 1.000 USD/tấn (giữa năm 2008), giá lúa trong nước cũng tăng cao, những tưởng nông dân trồng lúa còn hơn được mùa.
Nhưng những điều tra thực tế gần đây (*) của Oxfam hợp tác với Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) thực hiện lại cho thấy, chẳng hạn năm 2011 tại tỉnh An Giang, trong số ba tác nhân tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu (nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu), nông dân phải bỏ mức chi phí cao nhất (63%, chưa tính công lao động của các thành viên gia đình họ).
Trong khi đó, thương lái và các doanh nghiệp xuất khẩu chia đều 37% còn lại. Nếu tính tổng giá trị, mỗi hộ nông dân chỉ thu được 27,3 triệu đồng cho cả năm lao động vất vả, trong khi mỗi thương lái trung bình thu về 300 triệu đồng, và mỗi doanh nghiệp xuất khẩu thu lợi nhuận 25 tỉ đồng một năm. Chưa hết, phần lớn những đợt giá gạo xuất khẩu lên cao đều do tác động từ tăng mạnh giá xăng dầu, giá phân bón hay mất mùa.
Song, việc thiếu kỹ năng thị trường và thiếu những tổ chức thật sự đại diện cho quyền lợi của mình, những người nông dân nhỏ lẻ thường khó có thể bán được lúa vào đúng thời điểm giá cao và có lãi nhất.
Kết quả điều tra, phỏng vấn sâu của nhóm nghiên cứu với hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho thấy trong hai đợt gạo xuất khẩu tăng giá năm 2008 và 2010, giá gạo tăng đã giúp lợi nhuận của hai doanh nghiệp này tăng vọt: từ 7% năm 2007 lên 99% năm 2008 và 97% năm 2010, mặc dù mức tăng doanh thu của cả hai đều không đáng kể.
Cuộc chơi của những ông lớn và những bất cập trong chính sách
Mặc dù có trên 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng cuộc chơi này chủ yếu nằm trong tay một số “ông lớn” - thường là các doanh nghiệp nhà nước hoặc cổ phần. Ví dụ, số liệu của năm 2008 cho thấy mười doanh nghiệp nhà nước xuất gần 70% lượng gạo bán ra thị trường quốc tế. Riêng sản lượng của hai công ty Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm tới 50% lượng gạo xuất khẩu của năm đó.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua hàng loạt chính sách can thiệp duy trì sản xuất và bình ổn thị trường lúa gạo. Tính từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2012 có khoảng 20 chính sách khác nhau. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008 đã có năm chính sách được ban hành trong vòng sáu tháng, từ tháng 3 đến tháng 9, nhằm ổn định giá trong nước và hạn chế tác động của sự biến động giá thế giới.
Nhiều chính sách được kỳ vọng đem lại thu nhập hợp lý cho nông dân, ví dụ nghị quyết 63 về đảm bảo 30% lợi nhuận cho nông dân trồng lúa; quy định giá sàn thu mua lúa; hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp vay mua tạm trữ lúa. Nhưng trên thực tế các chính sách thường thiên vị doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu mà nông dân hầu như không được hưởng lợi.
Đơn cử chính sách thu mua tạm trữ. Thông qua việc hỗ trợ 100% lãi suất vay 3-4 tháng để mua trữ lúa, tránh tình trạng rớt giá khi được mùa cho nông dân lúc thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân lại không được lợi, bởi họ ít bán trực tiếp cho doanh nghiệp mà chủ yếu bán cho thương lái ngay tại ruộng. Phần nữa, tranh thủ thời gian linh hoạt ba tháng, doanh nghiệp thường chỉ chọn mua khi giá thấp.
Đồng thời, thời điểm thu hoạch và thời gian áp dụng chính sách thu mua tạm trữ có sự vênh nhau. Thời gian thu hoạch ở các tỉnh tương đối khác nhau nhưng thời gian cho chính sách thu mua tạm trữ lại cố định. Cơ chế này dù nhắm đến việc hỗ trợ nông dân nhưng trên thực tế các doanh nghiệp mới là người hưởng lợi. Còn người trồng lúa chỉ được “tiếng” mà không có “miếng”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mức hỗ trợ lãi suất của Chính phủ giúp doanh nghiệp tham gia tạm trữ vào khoảng 15 USD cho mỗi tấn gạo. Như vậy, riêng lãi suất hỗ trợ thu mua 1 triệu tấn gạo đã mất 15 triệu USD. Con số này tương đương 57% ngân sách nhà nước dành cho khuyến nông của cả năm 2012, phục vụ gần 10 triệu nông hộ trong cả nước.
Vì vậy, nếu thật sự muốn giảm rủi ro do rớt giá và có cơ hội cải thiện thu nhập cho nông dân, Chính phủ nên cân nhắc các khoản vay cho cả nông dân và doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán trực tiếp với nông dân.
Nông dân chờ được bàn chính sách
Mặc dù người sản xuất ra hạt gạo chính là nông dân, nhưng họ không có tiếng nói trong các quyết sách của Chính phủ liên quan đến sản xuất và xuất khẩu lúa. Trên thực tế, hội nông dân, cơ quan đại diện của người trồng lúa, không được tham vấn trong các chính sách trên, mà chỉ có VFA, đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia.
Thực tế cho thấy việc người trồng lúa có hưởng lợi từ xuất khẩu gạo hay không phụ thuộc nhiều vào mức giá bán lúa, vào hệ thống kho thực hiện tạm trữ để tránh tình trạng “trúng mùa, rớt giá” và cơ chế cho phép xác định mức giá thu mua lúa không quá thấp so với giá xuất khẩu.
Oxfam và IPSARD nêu ra nhiều kiến nghị quan trọng trong một báo cáo mới công bố mang tên “Ai hưởng lợi từ giá gạo tăng cao?” (tháng 10-2013), trong đó nhấn mạnh đề nghị: đối với mỗi chính sách liên quan đến lúa gạo, người nông dân cần được tham vấn. Việc tham gia quá trình lập chính sách, cơ chế này sẽ giúp các chính sách đi vào cuộc sống thực tế và tăng hiệu quả trong việc thực thi.
Thứ hai, Chính phủ nên cân nhắc nâng cao mức hỗ trợ người trồng lúa về mặt công nghệ, liên kết tổ chức sản xuất để giúp họ tăng ưu thế và khả năng thương thảo. Thứ ba, thực hiện cơ chế đấu thầu đối với các hợp đồng G2G để đảm bảo các doanh nghiệp có sân chơi công bằng. Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng kho dự trữ lúa gạo để thu mua kịp thời, giúp nông dân tránh được tình trạng “trúng mùa, rớt giá”.
Thứ năm, thống nhất mức giá sàn từ đầu vụ và tính đủ các chi phí thành phần trong sản xuất. Cuối cùng, và cũng hết sức quan trọng, là việc quy hoạch phân vùng giữa lúa sản xuất hàng hóa và lúa cho tiêu dùng cần được hoàn thành và đưa các gói chính sách riêng về sản xuất, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại từng vùng cho phù hợp với từng mục đích sản xuất lúa.
VŨ TIẾN HỒNG - LÊ MINH (Oxfam Việt Nam)
Nhận xét
Đăng nhận xét