Từ ngày 14-17.9, Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế TPHCM (ITE HCMC) 2011 sẽ chính thức khai mạc với sự góp mặt của 4 quốc gia tiểu vùng sông Mekong là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.
Nhân sự kiện này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) phối hợp với Bộ VHTTDL, UBND TPHCM và 13 tỉnh, thành trong vùng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch ĐBSCL năm 2011” và tham gia thảo luận tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế lần thứ 6 trong khuôn khổ ITE HCMC 2011 về “Vai trò đầu tư hạ tầng du lịch và liên kết giao thông đối với du lịch khu vực” và “Thu hút đầu tư khu phức hợp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp”.
Liên kết vùng-mệnh lệnh của phát triển
Trả lời câu hỏi “Vì sao sản phẩm du lịch ĐBSCL thời gian qua còn nghèo nàn, trùng lặp”, TS. Nguyễn Trần Dương cho rằng, đặc điểm chung của các tour đều theo kiểu “one size fit all” (một cỡ cho mọi người), hướng vào thị trường du lịch một cách chung chung. Du khách khó lựa chọn tour theo nhu cầu riêng. Sản phẩm du lịch “mì ăn liền” nên khách đi tour như “ăn mì gói”, không cảm thấy ấn tượng và sự thỏa mãn.
Trong tình thế đó, liên kết vùng được đặt ra như mệnh lệnh của sự phát triển trên đất Chín Rồng. Nhiều người đã lên tiếng. Đề án Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 cũng đã vạch hướng, không chỉ kết nối nội vùng, mà còn liên kết với TPHCM, miền Đông Nam Bộ, các vùng khác để tạo cơ sở tăng cường hợp tác trên qui mô tiểu vùng sông Mekong, hướng đến thị trường chung ASEAN.
Biển Đông, nhìn từ Mũi Cà Mau. |
Thời gian qua, đã có 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết hợp tác với nhau và với TPHCM, triển khai nhiều hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch. Song, liên kết, hợp tác chỉ diễn ra chủ yếu giữa chính quyền và cơ quan quản lý, hoạt động thực sự giữa các doanh nghiệp du lịch chưa nhiều.
Thương hiệu chung cho du lịch ĐBSCL và cho từng địa phương còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nếu liên kết, hợp tác thực sự, đất Chín Rồng sẽ không thiếu những sản phẩm du lịch hấp dẫn trên qui mô cụm, vùng và liên vùng, mà trước tiên là từ TPHCM hình thành nên những tour, tuyến chuyên đề độc đáo xuyên vùng.
Khi đó các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ được tiếp thêm nguồn lực để đầu tư khai thác nhiều loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch tâm linh (lễ hội vía bà Chúa xứ núi Sam – An Giang, lễ hội Nghinh Ông - Trà Vinh, Phật bà Nam Hải - Bạc Liêu...), du lịch văn hóa - thể thao - lịch sử (quần thể di tích lăng Mạc Cửu, lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - Kiên Giang, lễ hội Ook Om booc và đua ghe ngo - Sóc Trăng, lễ hội đua bò Bảy Núi - An Giang, chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, Ngã Bảy – Cần Thơ, Hậu Giang...), du lịch sinh thái (các vườn quốc gia : Tràm chim - Đồng Tháp, U Minh Thượng - Kiên Giang, U Minh Hạ - Cà Mau...), du lịch biển đảo (Phú Quốc - Kiên Giang, cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, Mũi Cà Mau – Cà Mau...).
Để liên kết vùng, cần xúc tiến ngay các dự án du lịch cấp quốc gia trên địa bàn Tây Nam Bộ và lựa chọn một số khu, điểm du lịch chuyên đề quốc gia để làm hạt nhân, tạo động lực phát triển và hội nhập quốc tế; chú trọng đầu tư các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh và đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư tại đây. Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp, không quên đầu tư gián tiếp trong các ngành có liên quan đến du lịch như giao thông vận tải, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực, các công trình dịch vụ công cộng...
Dòng Mekong-kết nối không gian du lịch
Chảy qua 6 nước, dòng Mekong mang theo những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa. Sự kỳ vĩ của đất nước Chùa Tháp, nét hoang sơ của mảnh đất Triệu voi, sự bí ẩn của xứ sở những ngôi đền cổ tích Myanmar và một dãy đất Chín Rồng với nền “văn minh miệt vườn”, vừa có sông nước, vừa có núi non, biển đảo - tất cả tạo nên sức quyến rũ khó cưỡng lại cho những tour du lịch “Bốn quốc gia – một điểm đến”.
Biển chiều Phú Quốc. Ảnh: T.H.H |
Theo Hội đồng Lữ hành & Du lịch thế giới, doanh thu dịch vụ du lịch các nước tiểu vùng sông Mekong năm 2010 đạt hơn 22,1 tỉ USD. Con số này chắc chắn sẽ tăng cao nếu các nước tăng cường liên kết, tạo ra không gian du lịch sống động hơn với nhiều “sản phẩm dùng chung” như: “Con đường di sản Mekong”, "Con đường tơ lụa" trên vịnh Thái Lan, “Tam giác du lịch”... Thương hiệu “du lịch Mekong” sẽ lấp lánh như một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Hợp tác du lịch tiểu vùng sông Mekong không chỉ có ý nghĩa trong việc tiếp thị điểm đến, kết nối sản phẩm mà còn có tác động bảo vệ môi trường, bảo vệ trực tiếp dòng sông chính đã khởi tạo nên cuộc sống của nhiều dân tộc.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để phát triển ĐBSCL, cần xây dựng một cơ chế phối hợp năng động và hiệu quả giữa các tỉnh, thành trong vùng và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekong. Vấn đề đặt ra là nâng mối quan hệ hợp tác ấy lên tầm cao mới trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong chương trình hợp tác du lịch “Bốn quốc gia - Một điểm đến”, phát triển du lịch ĐBSCL sẽ là nội dung quan trọng giúp hình thành “Hành lang kinh tế Mekong”.
Hành lang kinh tế này, như tên gọi, dựa vào trục sông Mekong với lịch sử gắn bó lâu đời giữa các thế hệ cư dân 4 nước, từng tạo nên nền văn minh sông nước có nhiều nét tương đồng. Nay, trong xu thế hợp tác mới, với thế phát triển xuyên bán đảo Đông Dương ra biển Đông, nối với tuyến hàng hải quốc tế đông – tây, nơi có nhiều nền kinh tế lớn của thế giới, sẽ tạo thế và lực mới, hướng đến “thị trường chung ASEAN” vào năm 2015.
Trần Hữu Hiệp
Nhận xét
Đăng nhận xét