Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của Sư Nguyệt Chiếu (30-9-1947 – 30-9-2007), hội thảo “Sư Nguyệt Chiếu cuộc đời và sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam bộ”, do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu tổ chức vừa qua tại chùa Long Phước (thị xã Bạc Liêu). Hội thảo với sự tham dự của 180 đại biểu gồm chư tôn thiền đức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu, các ban ngành hữu quan, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, giới nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, cùng các phật tử. Nhạc lễ và đờn ca tài tử có mối quan hệ mật thiết nhưng vẫn khác nhau tùy theo tính chất phục vụ xã hội. Đó là một nét văn hóa khá đặc sắc của vùng đất Nam bộ đã khởi sắc từ những năm đầu thế kỷ XX.
Tìm lại “lò” nhạc cổ Nam bộ
|
Ban nhạc chuẩn bị hoà tấu bài Lưu thủy trường “Bá Nha, Tử Kỳ” do GS-TS Nguyễn Thuyết Phong biểu diễn minh họa trong hội thảo.
|
Nhắc lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà sư yêu nước Nguyệt Chiếu, qua 10 trong số hơn 20 tham luận đều đánh giá ngoài Nhạc Khị (tên thật Lê Tài Khí, đã được người đời tôn vinh là Hậu tổ cổ nhạc Bạc Liêu), người thứ hai phải kể là Sư Nguyệt Chiếu. Tâm huyết để nhiều thời gian nghiên cứu, ông Trần Phước Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Phật học Bạc Liêu đã mô tả lại cuộc đời và tài năng của Sư Nguyệt Chiếu.
Ông tên thật là Lưu Hữu Phước, sinh năm 1882 tại Bạc Liêu. Với nhiệt huyết thời thanh niên, ông tham gia một tổ chức chống Pháp nhưng hoạt động hơn một năm, tổ chức tan rã, ông bị thực dân Pháp truy nã phải ẩn náu ở các chùa vùng Sài Gòn - Gia Đình. Sau đó ông xuất gia, được thầy truyền dạy Phật học và nhạc lễ.
Nắm bắt khá nhanh và giỏi về nhạc lễ, trong thời gian này, Nguyệt Chiếu đã có cơ hội tiếp xúc nhiều người đờn hay nổi tiếng về nhạc lễ. Khi thầy viên tịch, khoảng những năm đầu thế kỷ XX, Nguyệt Chiếu về Bạc Liêu, trú ngụ ở chùa Vĩnh Phước An. Chính nơi đây, ông đã gặp Nhạc Khị và hai người đã trở thành đôi bạn tâm giao, có cùng chí hướng thực hiện công trình sưu tầm, canh tân, sáng tác và chỉnh tu âm nhạc dân tộc truyền thống, mở đầu sự hình thành trường phái cổ nhạc Bạc Liêu.
Cũng từ đấy, phong trào đờn ca tài tử, ca ra bộ và phong trào phục hưng nhạc lễ nở rộ ở vùng đất Nam bộ. Ngoài Nhạc Khị truyền dạy nhạc và hướng dẫn sáng tác cho khá đông học trò, Sư Nguyệt Chiếu cũng bỏ công không nhỏ trong việc đào tạo nhạc lễ và đờn ca tài tử khi ông được mời về ngụ tại chùa Vĩnh Đức, thị xã Bạc Liêu. Những năm tháng này, phần lớn thầy đờn nhạc lễ và đờn ca tài tử giỏi đều xuất thân từ “lò” đào tạo cổ nhạc của Nhạc Khị như Sáu Lầu, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Hai Tài, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lý Khi… hay học trò của Sư Nguyệt Chiếu như Thiện Ý, Thiện Ngộ, Thiện Thành…
Một điểm khá thú vị, trong thời gian dạy nhạc lễ và đờn ca tài tử, Sư Nguyệt Chiếu thường chú trọng hướng dẫn bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu (lúc sinh thời nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) kể chính Sư Nguyệt Chiếu đã giúp Cao Văn Lầu đặt tên sáng tác của ông là bài Dạ cổ hoài lang; về sau có người hiểu lầm Sư Nguyệt Chiếu là tác giả). Trong số học trò của Sư Nguyệt Chiếu, nổi bật có Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa, phụ thân của NSƯT Bảo Quốc), Sanh Xía, Chín Quy… Riêng Năm Nghĩa được thành danh trên sân khấu cải lương chính nhờ một phần ông đã biết phát huy cổ nhạc rất sớm, biến đổi giai điệu Dạ cổ hoài lang thành bài Văng vẳng tiếng chuông chùa, mở ra kỷ nguyên vọng cổ nhịp 8, tạo dựng bản nhạc nòng cốt của cải lương.
Phát huy bản sắc Việt
Về nhạc lễ cổ truyền, điểm qua lịch sử phát triển cũng như nhấn mạnh những đóng góp của nhạc lễ, của các vị kinh sư trong đời sống xã hội Việt Nam nói chung, đời sống xã hội Nam bộ nói riêng, từ xưa đến nay đã được phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ qua các bài viết của các ông Trương Ngọc Tường, TS Trần Thuận, TS Nguyễn Thành Đức, TS Thích Huệ Khai, Tỳ kheo Thích Chánh Đức, Đại đức Thích Huệ Thuận… Ghi nhận từ tham luận, GS-TS Trần Văn Khê cho rằng mặc dù có sự kế thừa nhạc lễ từ miền Trung, miền Bắc và nhạc lễ của một số tỉnh miền Nam Trung Quốc, nhưng nhạc lễ cổ truyền Nam bộ vẫn là thành quả nghệ thuật do sự sáng tạo của các nghệ nhân tiền bối ở các tỉnh phía Nam, đã được cải cách, đổi mới để thích hợp với trào lưu xã hội qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Phần trình bày của TS Trần Hồng Liên giúp người nghe hình dung khá rõ những dấu ấn văn hóa qua từng thời kỳ, từng không gian lịch sử về sự giao lưu văn hóa trong lễ nhạc Phật giáo, mang lại nét đặc thù nhạc lễ Phật giáo Nam bộ. Mở rộng, so sánh đối chiếu với nhạc lễ các nước trên thế giới và nhìn lại nhạc lễ Việt Nam, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong trong ý kiến phát biểu đã nhấn mạnh: “Truyền thống âm nhạc Phật giáo rất to lớn. Đó là do công lao đóng góp của các kinh sư bậc tổ. Các vị tổ này có tấm lòng cao cả vì sự nghiệp âm nhạc dân tộc mà sáng tạo, phát triển để gìn giữ bản sắc Việt. Ông cũng cho rằng chính Sư Nguyệt Chiếu là một trong những vị kinh sư để hậu thế trân trọng tìm hiểu sự nghiệp đóng góp của ông và thành tâm ghi nhớ công ơn của vị tiền bối. Suy ngẫm về quá khứ và hướng đến nền nghệ thuật nước nhà hiện tại, một lần nữa, NSƯT-TS Bạch Tuyết qua tham luận gửi đến, đã bộc bạch tình cảm tri ân của giới nghệ sĩ ngày nay đối với sự đóng góp nghệ thuật và văn hóa rất lớn của Sư Nguyệt Chiếu, một thiền sư - nghệ sĩ.
***
Nhạc lễ và đờn ca tài tử có mối quan hệ mật thiết nhưng vẫn khác nhau tùy theo tính chất phục vụ xã hội. Đó là một nét văn hóa khá đặc sắc của vùng đất Nam bộ đã khởi sắc từ những năm đầu thế kỷ XX. Từ những đánh giá, soi sáng lại công lao đóng góp của các vị tiền bối Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu đối với âm nhạc truyền thống dân tộc, có thể mượn lời của ông La Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bạc Liêu để kết luận: Bạc Liêu đã góp phần rất lớn vào việc phát triển nhạc lễ cổ truyền và góp phần khai sinh ra hoạt động đờn ca tài tử Nam bộ. Nhạc lễ và đờn ca tài tử ngày nay đã trở thành di sản văn hóa quý báu của Nam bộ. Hai di sản này luôn có mối quan hệ đặc biệt và cùng dựa vào nhau để cùng phát triển.
KIM ỬNG
|
Nhận xét
Đăng nhận xét