(HQ Online)-
Tại Diễn dàn Doanh nghiệp (DN) diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL - MDEC 2013, 3 “nút thắt” lớn nhất đã được chỉ rõ là khó tiếp cận vốn tín dụng, hàng tồn kho cao và không có thị trường tiêu thụ. Nếu như không có giải pháp để tháo gỡ các nút thắt này và “hồi sức”, thì số DN ĐBSCL teo tóp và phá sản sẽ ngày càng gia tăng.
65% DN giảm doanh thu
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ cho thấy từ đầu năm 2013 đến nay có tới 65% DN ĐBSCL giảm doanh thu, nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, lượng đơn đặt hàng ít, hàng tồn kho tăng cao… Doanh thu giảm đã kéo theo lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Qua phân tích, VCCI Cần Thơ cho rằng điều này có nguyên nhân là do năm nay là năm thứ 6 liên tiếp của suy thoái và khủng hoảng kinh tế, đã khiến cho DN suy kiệt mọi nguồn lực, đặc biệt đối với DN ĐBSCL chủ yếu hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông, thủy sản.
Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, dù trong năm 2013, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ xuống như mong đợi của cộng đồng DN, tuy nhiên, chặng đường để DN và các tổ chức tín dụng “gặp nhau” dường như vẫn còn quá xa. Số đông DN chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh, do vậy không thể mở rộng đầu tư, thị trường và giải quyết hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong thời gian qua, thì chỉ tiêu về nhu cầu thị trường trong nước được nhiều DN vùng ĐBSCL cho rằng ngày càng kém đi (47,5%). Chỉ tiêu thứ 2 về giá thành sản xuất, có 30% cho rằng ngày càng kém đi. Chỉ tiêu thứ 3 về tiếp cận vốn, có 20% nhận định tình hình đang ngày một xấu đi.
Cần “hồi sức” cho doanh nghiệp
Theo ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam, có một điều đáng lưu ý là cả hai phía ngân hàng và DN đều nỗ lực và mong muốn gặp nhau. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa giải quyết được khó khăn về vốn hiện nay, nguyên nhân là do nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa phục hồi, tổng cầu thấp. Ngoài ra, lòng tin của DN vào nền kinh tế bị giảm sút, các DN có đủ điều kiện vay thì không muốn đi vay, ngược lại các DN “xếp hàng” chờ vay thì lại không đủ điều kiện vay do nợ xấu và tài sản thế chấp.
Một số DN tại Diễn đàn thừa nhận DN vùng ĐBSCL thời gian qua hoạt động kém hiệu quả còn bắt nguồn từ việc chưa theo kịp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn còn loay hoay trên “sân nhà” mà chưa có sự chuẩn bị để cạnh tranh với một thị trường rộng lớn hơn đang phát triển. Thực tế cho thấy các DN không chủ động giải quyết được các khó khăn về thị trường, nguyên liệu đầu vào, bán phá giá và các hàng rào kỹ thuật, phi thương mại… Do quy mô DN còn nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, liên doanh và không thể thực hiện được những yêu cầu chính nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.
ThS Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khuyến nghị trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ DN phát huy tác dụng, việc tăng cường liên kết giữa các DN với nhau là nhu cầu tất yếu từ thực tiễn, các DN phải biết tận dụng thế mạnh của nhau để phát huy khả năng sản xuất kinh doanh. Từ đó tiến tới xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị, tập trung vào 3 cụm ngành lúa gạo, thủy sản và trái cây để có chiến lược quảng bá chung cho toàn vùng.
“Về lâu dài, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào 3 cụm ngành trên. Lồng ghép các chương trình bình ổn giá, sự hỗ trợ, đóng góp của các địa phương, DN để hình thành nên Quỹ hỗ trợ DN Vùng ĐBSCL”, ThS Trần Hữu Hiệp đề xuất.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết bên cạnh các giải pháp về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ vốn vay. Đồng thời điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt nhưng giữ nguyên nhóm nợ tạo điều kiện cho các khách hàng vay có thể tiếp cận khoản vay mới. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ĐBSCL có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Quang Duy
Nhận xét
Đăng nhận xét