Chuyển đến nội dung chính

Thương nhớ áo dài

Doanh Nhân Sài Gòn, Thứ Tư, 19/06/2013 14:16 (GMT+7)
Nhớ có lần ở Huế, chúng tôi thả bộ trên con đường Đoàn Thị Điểm, ai đó bỗng thốt lên: Nghe kìa: “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”. Giọng hát tình tứ của Tuấn Ngọc phối với Bằng Kiều bỗng dưng khiến ngẩn ngơ nhớ về một thời...
Bao nhiêu người vì hoài niệm Huế với những con đường tình của Trịnh Công Sơn mà đi tìm “đường phượng bay” trong tác phẩm Mưa hồng. Nó là con đường nào phút chốc tạo cảm hứng cho nhạc sĩ viết nên những âm thanh ngọt ngào đó?

Và người đã cất công tìm đến Huế sẽ hiểu ngay đó là con đường có phượng, có những tà áo dài xứ Huế - tà áo dài của nữ sinh Đồng Khánh với mái tóc thề xõa ngang lưng đã dệt nên những cảm hứng của Mưa hồng. Mà những con đường đẹp nhất ở Huế đều có những thứ đó.
Một buổi trưa, chúng tôi chọn “đường phượng bay” của mình là đường Đoàn Thị Điểm, con đường mang tên trang giai nhân giỏi thơ phú văn chương. Con đường là chốn dạo gót của biết bao tà áo trắng ngày qua ngày đi về ngôi trường Hai Bà Trưng - tên gọi mới của trường nữ trung học Đồng Khánh nức tiếng thuở nào.
Bao nhiêu năm qua, dáng áo dài của nữ sinh Đồng Khánh không chỉ tạo nên một sắc thái tuyệt đẹp trong nhạc Trịnh, nó còn vào tranh sơn dầu của họa sĩ Bửu Chỉ, Đinh Cường, tranh lụa của họa sĩ Thái Tuấn và biết bao tác phẩm nghệ thuật của người yêu Huế.
Theo thời gian, màu sắc tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh cũng ít nhiều thay đổi. Đầu tiên là màu trắng, những năm 1960 lại là màu tím và màu xanh da trời, để rồi một thời gian sau lại quay trở lại màu trắng.
Mà cho dù màu nào thì tà áo dài ấy vẫn làm xao xuyến người ta ngày nay và những ngày sau. Dáng con gái Huế trong thơ ca nhạc họa vẫn muôn thủa với tà áo dài ,đều là vóc dáng mỏng mảnh yêu kiều không có một vẻ đẹp nào thay thế nổi.
Áo dài gắn với người Huế ra sao? Có dịp quen một vài phụ nữ nổi tiếng xứ Huế, tôi cảm nhận hình ảnh của họ giống như biểu tượng của văn hóa đất thần kinh.
Vẻ đẹp đó kết hợp giữa cái thông minh lịch lãm và sự tao nhã của tà áo dài - mà họ chọn như thứ trang phục duy nhất. Người luôn để cho tôi ấn tượng sâu sắc là bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam.

Muốn gặp bà tại ngôi nhà vườn Lạc Tịnh Viên nổi tiếng phải báo trước. Tôi đã xúc động biết bao khi được bà tiếp đón rất lịch sự. Với lớp áo dài trang trọng, bằng chén trà gừng, căn nhà đầy hoa lá và câu chuyện nồng hậu.
Khi được trò chuyện với bà, tôi cảm được những gì tinh túy nhất mà Huế đã cô đọng lại trong chân dung người phụ nữ hoàng tộc này. Bà luôn đón khách với áo dài vàng, may từ lụa tơ tằm, tôn vẻ đẹp nền nã kín đáo.
Bà Khánh Nam nói rằng: “Với áo dài truyền thống Huế, cổ cao kín đáo, ôm lượn sát eo người đủ sức làm bất cứ ai trở nên trang nhã và sang trọng”.
Không chỉ ở bà Khánh Nam, bà Ngô Vũ Bích Diễm, tức là “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn, sau 40 năm trở về cố đô cũng xuất hiện trong màu áo dài tím Huế pha chút màu sương khói cách điệu...
Áo dài Việt đã trải qua bao thời kỳ cách tân, từ năm tà thành hai tà nhờ sự sáng tạo của một nhà thiết kế thời trang Việt năm 1939, rồi từng theo phong trào áo dài cổ thuyền Trần Lệ Xuân đến áo dài hippy tà nhỏ, ngắn cho các nữ sinh nghịch ngợm.
Điều tôi ngạc nhiên là những gì đọng lại từ chiếc áo dài đã làm cho nó có sức sống vượt qua bao thăng trầm của lịch sử để tồn tại. Những năm tháng chiến tranh, các đô thị miền Nam phải trải qua những lúc “đại bác đêm đêm dội về thành phố”, nhưng ban ngày trường học nắng vẫn lóa trên tà áo dài tha thướt.
Áo dài trắng khi ấy cho con người niềm hy vọng. Dường như đâu đây hòa bình đã cận kề!
Chiếc áo dài giống như thân phận con nguời, lúc thăng lúc trầm, lúc lộng lẫy, lúc duyên dáng, nhưng nó giúp cho người mặc thích hợp mọi nơi, mọi chỗ. Một thời ở Huế, chị bán đậu hũ dạo cũng mặc áo dài ra đường.

Các nữ sinh viên Sài Gòn đi biểu tình chống Mỹ - Diệm cũng mặc áo dài trắng. Các nhà ngoại giao nổi tiếng như bà Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh cũng chọn chiếc áo dài truyền thống để ngồi vào bàn đàm phán các sự kiện lịch sử, văn hóa quan trọng.
Một lần, nữ đạo diễn Đoàn Lê được mời qua Pháp chiếu phim giới thiệu, chị lúng túng thử hàng loạt trang phục hàng hiệu, đều cảm thấy không hợp, cuối cùng quay lại với chiếc áo dài có chút phá cách.
Khi giao lưu với khán giả Pháp, ai nấy đều trầm trồ chiếc áo dài của nữ đạo diễn trông thật tuyệt vời. Những người yêu dài từng nổi giận khi phát hiện người đẹp Lã Thanh Huyền, người đoạt giải quán quân Người phụ nữ thế kỷ XXI chụp ảnh ở Thượng Hải với chiếc xường xám chứ không phải áo dài, đã đòi tước danh hiệu của người đẹp.
Giờ đây áo dài gắn bó với người phụ nữ ở tất cả những giờ phút quan trọng nhất trong cuộc sống: thời điểm bước vào ngưỡng cửa trung học, thời khắc giao thừa, những dịp cưới hỏi, tiệc tùng, lễ lạt...
Chắc chắn không có người phụ nữ Việt Nam nào, dù là ở nơi xa quê hương đến chục hàng nghìn cây số thấy xa lạ với chiếc áo dài truyền thống. Trong mỗi người đều có những cảm xúc vui buồn, đôi kỷ niệm dệt nên từ tà áo dài.

Tôi từng chứng kiến niềm vui sướng của con gái mình và những bạn đồng trang lứa của nó khi thi đậu vào bậc trung học phổ thông, được thể hiện trên mạng Facebook, đại loại như “Bạn có biết may áo dài học sinh ở đâu đẹp?”, “Áo dài lụa có hoa văn hay áo lụa trơn đẹp?”.
Và rồi ngày khai giảng đến, những nẻo đường đầu thu như trắng lóa bởi tà áo nữ sinh. Các cô gái Việt đa số làm quen với chiếc áo dài đầu đời khi bước vào tuổi trăng tròn.

Khoác chiếc áo dài đầu tiên trong đời, bước vào ngưỡng cửa một ngôi trường mới, những cảm xúc mới của tuổi mới lớn. Mới đó cách một mùa Hè, thiếu nữ còn cười nói ồn ào, chạy huỳnh huỵch như con nít, giờ đây các cô bé lớn phổng trong tà áo dài mới tinh, đi đứng đã điềm đạm, nói cười bắt đầu vương nét đoan trang làm điệu.

Chiếc áo dài vô hình dưỡng cho nữ sinh những nét duyên đằm thắm, kìm nén những bồng bột, giận dỗi quá đà, kéo bước chân đi khoan thai điềm tĩnh.

Chiếc áo dài đã từng đi qua những cuộc chiến tranh khói lửa, đi qua biết bao thập niên khó khăn vì kinh tế thời hậu chiến, rồi từng trở lại rực rỡ, thu hút tình cảm, tâm sức sáng tạo của biết bao nhà thiết kế cố tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp của người phụ nữ qua biến tấu áo dài.

Áo dài vạt rộng rồi lại hẹp, dài rồi lại ngắn, phối màu đậm rồi lại nhạt..., nhưng lúc nào nó cũng đem lại sự trang trọng, khoan hòa, đằm thắm đến nao lòng người. Tập cách mặc chiếc dài đầu tiên đến lúc chọn may cho những dịp đặc biệt nhất, tâm trí ta đều nghĩ đến vẻ quyến rũ của chiếc áo dài.
Bỗng nhiên tôi nghĩ đến những người phụ nữ, chắc chắn Bà Huyện Thanh Quan khi vượt đèo tức cảnh làm bài thơ Vượt Đèo Ngang hẳn bà cũng đã in bóng áo dài yểu điệu nơi sơn cùng thủy tận. Những hoa hậu đã mạnh dạn đưa áo dài lên các sân khấu lớn ở khán đài quốc tế.
Những thiếu nữ tuổi mười tám lưu luyến chụp bức ảnh với áo dài trắng vào thời khắc giã từ mái trường phổ thông. Tôi muốn nói một lời cảm ơn họ, hàng triệu triệu lượt người đã mặc chiếc áo truyền thống ấy, đã nối tiếp nhau đời này qua đời khác, gìn giữ lại cho xứ mình, một vẻ đẹp thuần khiết và dịu dàng mang cái tên: Áo dài Việt Nam.

BÍCH HỒNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...