Báo Nông nghiệp VN, thứ tư, 27/11/2013 10:35
- Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp - Đầu không xuôi, đuôi không lọt
- Xuất khẩu nông nghiệp giảm nhưng vẫn xuất siêu 6,8 tỉ USD
- Doanh nghiệp tìm cơ hội từ nông nghiệp
Hôm qua (26/11), trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL (MDEC Vĩnh Long 2013), đã diễn ra hội nghị “Phát triển và nhân rộng mô hình SX nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.
Các mô hình hiện nay
Có thể nói, điển hình là Cty Cổ phần nông sản hữu cơ Viên Phú. Đây là DN nông nghiệp duy nhất ở Việt Nam đã được Mỹ và EU cấp giấy chứng nhận SX hữu cơ, và cũng là mô hình trồng lúa đầu tiên ở Đông Nam Á được trao chứng nhận gạo hữu cơ. Cty Viên Phú SX lúa theo một quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch và chế biến đóng gói.
Ruộng lúa được bón phân hữu cơ sinh học Agrostim (loại phân được công nhận bởi Viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ), không cần sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ nào.
Hiện tại, Cty Viên Phú đang SX gần 320 ha lúa tại huyện U Minh Thượng (Cà Mau), tương lai sẽ mở rộng diện tích lên 20 ngàn ha. Tuy nhiên, theo Cty Viên Phú, khó khăn khi làm theo mô hình này phải cần một lực lượng lớn cán bộ KHKT để hướng dẫn kỹ thuật và giám sát quy trình SX ở nông hộ.
Cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp
Ông Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt đưa ra một số lợi thế trong việc SX theo mô hình CĐML ở ĐBSCL trong thời gian qua. Mô hình này đã tập hợp được nông dân hăng hái tham gia SX theo phương thức mới trong điều kiện hiện nay.
Theo ông Tùng, quy mô diện tích một CĐML “đẹp” nhất là từ 300-500 ha để giúp DN dễ đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Còn về kỹ thuật, khi SX theo mô hình CĐML nông dân phải áp dụng triệt để: Sử dụng giống xác nhận, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và xuống giống đồng loạt.
Mặc dù, mô hình CĐML vẫn còn hạn chế là có ít DN tham gia thu mua sản phẩm lúa gạo, nhưng ưu điểm của mô hình này đã được các tỉnh trong vùng ĐBSCL thừa nhận. Điểm nổi bật nhất là tiến tới xây dựng được một đội ngũ nông dân có trình độ áp dụng KHKT và SX theo tư duy mới.
Ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long thì nêu ưu điểm SX nông nghiệp xanh theo tiêu chuẩn GAP trên cây ăn trái. Cây bưởi Năm Roi được tỉnh Vĩnh Long áp dụng SX theo tiêu chuẩn GAP đầu tiên từ năm 2010. Đến nay, tỉnh đã công nhận được 13 cơ sở, vùng SX đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; 9 cơ sở đạt chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng đề nghị cần đánh giá nhằm hoàn thiện và nhanh chóng nâng cấp quy phạm VietGAP thành quy chuẩn quốc gia. Đồng thời, đàm phán để các tổ chức xây dựng thương hiệu chuẩn quốc tế thừa nhận VietGAP.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa
Riêng TP Cần Thơ phát triển vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái với mức thu nhập bình quân 100-200 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, các tỉnh trong vùng ĐBSCL còn đưa ra các mô hình nông nghiệp xanh ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, là nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp áp đang dụng tiêu chuẩn nuôi an toàn chất lượng GlobalGAP.
Nông nghiệp xanh là gì?
PGS.TS Lê Văn Hòa, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường ĐH Cần Thơ) giải thích: Nông nghiệp xanh là làm giảm các tác nhân tiêu cực gây ra bởi nông nghiệp tập quán. TS Hòa dẫn chứng từ nguồn của FAO-ILO, 2009: “Nông nghiệp tập quán là nguyên nhân của hàng triệu trường hợp ngộ độc thuốc phòng trừ dịch hại và hậu quả có trên 40 ngàn người chết mỗi năm”.
Đối với vùng ĐBSCL, dịch hại được xem là một trong những yếu tố gây trở ngại lớn trong SX lúa, cây ăn trái và rau màu. Vì vậy, hàng năm bà con nông dân ĐBSCL sử dụng một lượng khá lớn thuốc BVTV.
Nếu chỉ dùng thuốc BVTV để bảo vệ mùa màng sẽ gây ra nguy hại rất lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Qua đó, biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM rất thân thiện với môi trường đã được ứng dụng thành công trong thời gian qua. TS Hòa kết luận, để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững nhất thiết phải đi theo con đường phát triển nông nghiệp xanh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dẫn chứng, trong những năm qua Bộ NN-PTNT, các địa phương, DN và bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của KHKT, xây dựng nhiều mô hình theo hướng xanh - sạch - phát triển bền vững.
Điển hình, đối với cây lúa đã áp dụng các mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”. Đối với cây ăn trái, áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản, áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn.
Nhờ triển khai nhiều mô hình SX nông nghiệp xanh, sạch nên tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, khi triển khai và nhân rộng đã nảy sinh những bất cập. Cụ thể từ các địa phương, DN, nông dân đã yêu cầu cần phải có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, như trên cây lúa, cây ăn trái thời gian qua một số mô hình đạt chuẩn GAP nhưng không có đầu ra ổn định nên nông dân quay lại làm theo cách SX truyền thống.
ThS Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế hợp tác, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:
"ĐBSCL nổi lên không chỉ với vai trò là vựa lúa cả nước, “chén cơm châu Á” mà còn là vùng đầu tiên SX lúa hàng hóa. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng giống lúa mới nên năng suất lúa tăng từ 4,3 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha… Trên cơ sở những hiệu quả từ CĐML cần tháo gỡ những “nút thắt” còn lại của mô hình này". |
Thùy Linh
Theo NNVN
Nhận xét
Đăng nhận xét