Vài lời: Có 1 chi tiết bị nhầm lẩn (chữ chạy trên màn hình Video), Trần Hữu Hiệp không phải là Tiến sĩ.
17/12/2013, 21:15:01
(VTV Cần Thơ) - Ngoài gạo và thủy sản, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất vàng để phát triển nhiều loại cây ăn trái đặc sản với giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, với kiểu sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật, định hướng, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin thị trường khiến người nông dân phải sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, lời ăn lỗ chịu. Do đó, dù được mệnh danh là vựa trái cây của quốc gia và kim ngạch xuất khẩu trái cây không ngừng tăng lên mỗi năm nhưng đời sống nhà vườn vẫn chưa được cải thiện. Để cây ăn trái phát huy hết tiềm lực vốn có, việc cải cách toàn diện từ tư duy đến quy trình sản xuất theo nhu cầu thị trường được xem là giải pháp giúp người nông dân có thể làm giàu từ chính mảnh đất của mình.
Trái cây là 1 trong 3 mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cả nước hiện có khoảng 780.000 ha cây ăn trái, trong đó, chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long có đến 270.000 ha, cho sản lượng trái cây mỗi năm khoảng 7 triệu tấn. Theo Bộ Công thương, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 471 triệu USD, năm 2011 đạt 630 triệu USD và năm 2012 đạt trên 700 triệu USD. Nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh nhiều loại cây ăn trái trong vùng đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Điển hình như cây thanh long ở Tiền Giang, sau khi áp dụng quy trình Gap, năng suất từ 20 tấn/ha, nay tăng lên 35 tấn/ha. Nhiều hộ thâm canh giỏi lên đến 40 tấn/ha.
Tính đến tháng 11-2013, kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước đạt hơn 900 triệu đôla, riêng mặt hàng thanh long chiếm 50% tổng kim ngạch.
Mặc dù sản lượng trái cây của ÐBSCL rất dồi dào nhưng chất lượng chưa đồng đều, hàng đạt chuẩn xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Con số 10% tổng diện tích cây ăn trái, tức khoảng 300 ha đạt tiêu chuẩn Global GAP trên nhiều loại như bưởi năm roi, chôm chôm, thanh long, cam sành... thì diện tích tương ứng từng loại sẽ rất nhỏ. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, đó là nguyên nhân khiến gần 90% lượng trái cây của ÐBSCL phải tiêu thụ trong nước, chỉ có 10% xuất khẩu, mà chủ yếu là bán sang Trung Quốc. Thế là, nhiều loại đạt tiêu chuẩn “vàng” phải bán giá “chợ”. Nhiều nơi nông dân bỏ VietGAP hay Global Gap quay về với sản xuất truyền thống. Và tình trạng trồng rồi chặt theo phong trào lại tiếp tục tái diễn.
Trước thực trạng trên, để trái cây vùng ĐBSCL gia tăng giá trị và phát triển bền vững, việc mở rộng các thị trường xuất khẩu; đặc biệt là phát triển hệ thống các nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu đang là vấn đề bức thiết hiện nay. Để làm được điều này, yếu tố quyết định vẫn là sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp./. (Duy Anh)
Nhận xét
Đăng nhận xét